Đề nghị này của HoREA diễn ra trong bối cảnh Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch &Đầu tư cùng các Bộ đang soạn Dự thảo "Luật sửa đổi, bổ sung các Luật về đầu tư, kinh doanh" để trình Quốc hội xem xét thông qua.
HoREA nhận thấy, ngoài 12 Luật trong Dự thảo, cần bổ sung sửa đổi thêm Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đấu thầu.
Đối với Luật Kinh doanh bất động sản, HoREA kiến nghị sửa đổi điều khoản về bảo lãnh bất động sản hình thành trong tương lai.
Theo đó, điều 56, Luật Kinh doanh bất động sản quy định chủ đầu tư muốn mở bán bất động sản hình thành trong tương lai thì phải được ngân hàng thương mại bảo lãnh. Quy định này đã đảm bảo được quyền lợi của người mua nhà, tuy nhiên, theo HoREA, lại tạo lợi thế riêng cho các ngân hàng thương mại, giảm đi tính cạnh tranh trong thị trường bảo lãnh, bảo hiểm.
HoREA kiến nghị, ngoài các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cũng nên được xem xét là một đơn vị được bảo lãnh dự án.
Về quyền và nghĩa vụ của các bên trong mua bán, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai, theo điều 58, HoREA cũng cho rằng, quy định "khách hàng được quyền yêu cầu chủ đầu tư cung cấp thông tin về việc sử dụng tiền ứng trước và kiểm tra thực tế tại công trình", là không hợp lý.
Bởi quy định này đã giao quyền cho khách hàng quá mức cần thiết và theo quy định thì đã có hàng loạt đơn vị giám sát thực hiện điều này. Do đó, HoREA mong muốn sửa điều 58 theo hướng: khách hàng được tham quan công trình theo bố trí của chủ đầu tư.
Ngoài ra, liên quan đến trách nhiệm đầu tư hệ thống điện, nước ở các dự án, HoREA nhận định hiện đang có sự va vấp giữa Luật Điện lực và Luật Kinh doanh bất động sản.
Cụ thể, Luật Điện lực yêu cầu công ty điện có trách nhiệm đầu tư xây dựng trạm điện, công tơ và đường dây dẫn điện đến công tơ để bán điện. Trong khi đó, Luật Kinh doanh bất động sản lại quy định chủ đầu tư phải tự làm hệ thống này
Việc hai luật vấp nhau này đã gây ra nhiều hệ lụy mà người gánh chịu cuối cùng là khách hàng mua nhà, vì thế, HoREA cho rằng, cần sửa lại quy định theo phương án công ty điện phải đầu tư hệ thống hạ tầng, hoặc nếu doanh nghiệp bất động sản làm thì được bồi hoàn chi phí.
Bên cạnh kiến nghị sửa Luật Kinh doanh bất động sản, HoREA cũng đề xuất sửa Điều 26, Luật Đấu thầu 2013.
Điều 26 quy định trong trường hợp không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư thì người có thẩm quyền trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án lựa chọn.
Theo HoREA, quy định này đã giúp giải quyết việc lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong một gói thầu hoặc một dự án cụ thể, nhưng chưa bao quát các trường hợp là nhóm dự án chỉnh trang đô thị, trước hết tại các đô thị đặc biệt và các tỉnh, thành phố có tốc độ công nghiệp hóa cao.
Bởi vậy, Hiệp hội đề xuất bổ sung, ngoài Thủ tướng thì Chủ tịch UBND Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có quyền xem xét, quyết định phương án lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong các trường hợp đặc biệt.
Ngoài ra, tại văn bản này, HoREA cũng nêu lại các đề nghị trước đó của Hiệp hội. Chẳng hạn như đề xuất thay tiền sử dụng đất bằng sắc thuế "Thuế chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở" để đảm bảo minh bạch và loại trừ cơ chế "xin – cho"; bỏ quy định "Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 05 năm một lần" tại điều 113 Luật Đất đai; hay miễn cấp giấy phép xây dựng theo điều 89 Luật Xây dựng…