Tài chính quốc tế

Dịch Covid-19: Hơn 7.000 người chết toàn cầu, EU tính phong tỏa toàn khối trong 30 ngày

(VNF) - Dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra tiếp tục lan rộng và diễn biến phức tạp khi xuất hiện tại 162 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu là 182.383, trong đó có 7.144 trường hợp tử vong.

Dịch Covid-19: Hơn 7.000 người chết toàn cầu, EU tính phong tỏa toàn khối trong 30 ngày

Các nước đưa ra các biện pháp phòng ngừa đặc biệt quan trọng đối với nhóm người dễ tổn thương như người già trên 70 tuổi, phụ nữ mang thai và những người có bệnh lý nền.

Trung Quốc thêm 21 ca nhiễm mới, chủ yếu là “ngoại nhập”

Số liệu được Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc công bố sáng nay (17/3) cho thấy Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm tổng cộng 21 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới trong ngày 16/3, trong đó chỉ có 1 ca ở Hồ Bắc, 20 ca còn lại là những người vừa nhập cảnh Trung Quốc.

Số ca tử vong mới tại Trung Quốc trong ngày 16/3 là 13 trường hợp, giảm 1 ca so với ngày 15/3. Tổng số ca nhiễm tính trên toàn Trung Quốc đại lục là 80.864, trong đó có 3.226 trường hợp tử vong, 68.688 người đã được cho xuất viện.

Như vậy, số ca nhiễm đang điều trị ở Trung Quốc chỉ còn hơn 8.900 người, bao gồm 3.226 trường hợp nguy kịch.

Tây Ban Nha thêm 991 ca nhiễm mới

Trong ngày 16/3, Italy ghi nhận thêm 991 người nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 9.942, trong khi số người chết tăng thêm 7 trường hợp lên 342.

Chính phủ Tây Ban Nha đang thực hiện các biện pháp mạnh tay nhằm ngăn chặn dịch bệnh. Nước này phong tỏa toàn quốc từ ngày 14/3, hạn chế đi lại đối với khoảng 46 triệu người.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez hôm 14/3 cho hay các biện pháp khẩn cấp sẽ gây ảnh hưởng lớn tới người dân và doanh nghiệp, song ông hứa chính phủ sẽ tìm mọi cách để giảm thiểu thiệt hại. Vợ ông đã dương tính với virus SARS-CoV-2 song tình trạng hiện ổn định.

Pháp phong tỏa toàn quốc trong 15 ngày

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tối 16/3 đã công bố hàng loạt biện pháp mạnh mẽ hơn nữa nhằm ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của virus SARS-CoV-2.

Theo đó, hoạt động di chuyển và tiếp xúc sẽ bị hạn chế ở mức tối thiểu kể từ trưa 17/3 và kéo dài trong ít nhất 15 ngày trên toàn lãnh thổ.

Ông Macron cũng kêu gọi người dân chỉ ra ngoài trong những trường hợp cần thiết như mua sắm nhu yếu phẩm, song phải tôn trọng khoảng cách giữa mọi người, điều trị y tế và đi làm đối với những vị trí không thể làm việc từ xa.

Tính đến tối 16/3, Pháp đã xác nhận 1.210 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới được phát hiện trong vòng 24h qua, nâng tổng số bệnh nhân mắc Covid-19 ở nước này lên 6.633 trường hợp, trong đó có 148 người tử vong.

Italy: 2.158 người tử vong

Italy ghi nhận thêm 349 ca tử vong do dịch Covid-19 chỉ trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 2.158 người trong tổng số 27.980 ca nhiễm bệnh.

Italy đang là ổ dịch Covid-19 lớn nhất trên thế giới.

Italy đang là ổ dịch lớn nhất trên thế giới, là nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch Covid-19 ngoài Trung Quốc đại lục. Tỉ lệ tử vong do Covid-19 tại Italy đã lên mức 73 người/1.000 ca nhiễm, tức là gần gấp đôi so với mức 39,7 của Trung Quốc, và cao hơn nhiều so với mức 56,9 người/1.000 ca nhiễm của Iran.

Đa số các bệnh nhân nhiễm bệnh và tử vong đều lớn tuổi, có sẵn các bệnh nền từ trước.

Malaysia đóng cửa đất nước

Tối 16/3, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin tuyên bố đóng cửa đất nước từ ngày 18-31/3/2020 để phòng chống dịch Covid-19.

Theo người đứng đầu Chính phủ Malaysia, quyết định này có nghĩa là tất cả các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa, trừ siêu thị và cửa hàng bán rau quả.

Trong cùng thời gian, tất cả các cơ sở của chính quyền cũng như khu vực tư nhân cũng sẽ bị đóng cửa, trừ những cơ sở cung cấp dịch vụ thiết yếu như viễn thông, vận tải, ngân hàng, y tế, dược phẩm, cảng biển, sân bay, cung cấp lương thực và dịch vụ vệ sinh.

Ông Muhyiddin cho biết thêm đóng cửa cũng có nghĩa tất cả người Malaysia bị cấm đi ra nước ngoài và không có khách du lịch hay người nước ngoài nào được phép vào Malaysia.

Các biện pháp mạnh tay của Malaysia áp dụng sau khi số ca Covid-19 tiếp tục tăng mạnh ngày 16/3 lên 553 ca, tăng 125 ca trong 24 giờ.

Anh ngừng mọi hoạt động tụ họp đông người

Ngày 16/3, Chính phủ Anh đã đề xuất tăng cường các biện pháp giữ khoảng cách xã hội nhằm hạn chế tình trạng bùng phát dịch Covid-19, bao gồm cách ly tại nhà, làm việc tại nhà và chấm dứt các hoạt động tụ họp đông người.

Trong thông điệp gửi tới người dân Anh, Thủ tướng Boris Johnson nêu rõ các biện pháp phòng ngừa đặc biệt quan trọng đối với nhóm người dễ tổn thương như người già trên 70 tuổi, phụ nữ mang thai và những người có bệnh lý nền. Ông cảnh báo dịch bệnh tại Anh đang "tiến tới đỉnh điểm" với tốc độ nhanh. Trong ít ngày tới, chính phủ sẽ công bố các biện pháp mạnh mẽ hơn

Cùng ngày, phát biểu trước Quốc hội Anh, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cho hay, số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 ở nước này đã lên tới 55 trường hợp và hơn 1.500 người nhiễm bệnh. Giới chức y tế Anh dự báo số bệnh nhân Covid-19 có thể lên tới 10.000 người.

EU tính đóng cửa toàn bộ biên giới 

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ngày 16/3 đề xuất các nước cấm hoạt động đi lại không cần thiết đến Liên minh châu Âu (EU) trong 30 ngày để đối phó Covid-19.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.

Lãnh đạo các nước EU dự kiến thảo luận về đề xuất phong tỏa trong cuộc hội đàm từ xa vào ngày 17/3. Khối này vẫn chưa tìm ra phương án hành động thống nhất với Covid-19, trong khi một số nước đã áp lệnh đơn phương kiểm soát biên giới.

Những người được miễn trừ gồm công dân các nước thành viên EU và thân nhân, thường trú nhân, cũng như học giả, bác sĩ và các nhà nghiên cứu đang tham gia nỗ lực kiểm soát Covid-19.

Nga tăng cường xét nghiệm virus cho công dân

Nga đã quyết định ngừng nhập cảnh đối với công dân nước ngoài từ ngày 18/3 đến 1/5. Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã điện đàm với người đồng cấp các nước láng giềng để thông báo quyết định này.

Cũng theo Thủ tướng Mishustin, Nga sẽ tăng cường cho công dân xét nghiệm virus SARS-CoV-2 ngay cả khi không có triệu chứng.

Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin.

Trong cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Điều phối phòng chống dịch bệnh cùng ngày 16/3, Thủ tướng Mishustin cho biết các cơ quan y tế ở Nga sẽ thực hiện việc xét nghiệm chẩn đoán này. Ngoài ra, ông cũng đã chỉ thị tạo điều kiện để xét nghiệm SARS-CoV-2 tại các sân bay, nhà ga xe lửa và bến xe buýt, đồng thời chỉ thị cho Phó Thủ tướng Tatyana Golikova, cùng với Duma Quốc gia (Hạ viện), thông qua dự luật cho phép mua thuốc không cần kê đơn trên Internet.

Bên cạnh đó, Chính phủ Nga sẽ thành lập một quỹ chống khủng hoảng để hỗ trợ nền kinh tế và công dân với số tiền 300 tỷ ruble, đồng thời mở rộng cho vay ưu đãi đối vứi các doanh nghiệp, và sẽ hoãn thu thuế cho ngành du lịch và hàng không.

Tính đến ngày 16/3, Nga đã ghi nhận 93 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 86 trường hợp bị lây nhiễm ở nước ngoài, 7 trường hợp do tiếp xúc tại Nga và 4 người đã bình phục.

Xem thêm >> Sản lượng công nghiệp giảm lần đầu trong 30 năm, Trung Quốc bơm 14,3 tỷ USD cứu nền kinh tế

Tin mới lên