Tài chính quốc tế

Dịch Covid-19: Thế giới vượt mốc 1 triệu người nhiễm, châu Âu sắp cạn thuốc chữa

(VNF) - Tính đến 8h30 ngày 3/4, toàn thế giới đã cán mốc hơn 1 triệu ca nhiễm virus corona chủng mới (SAR-CoV-2) gây dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trong đó hơn 53.000 người tử vong. Nhiều bệnh viện lớn ở châu Âu đã phải viết thư kêu cứu vì sắp cạn thuốc điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

Dịch Covid-19: Thế giới vượt mốc 1 triệu người nhiễm, châu Âu sắp cạn thuốc chữa

Tính đến 8h30 ngày 3/4, toàn thế giới đã cán mốc hơn 1 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó hơn 53.000 người tử vong.

Malaysia là vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á

Malaysia ghi nhận thêm 208 ca nhiễm và 5 ca tử vong vì dịch Covid-19 trong ngày 2/4, nâng tổng số người nhiễm và tử vong lên lần lượt 3.116 và 50.

Tỷ lệ nhiễm virus SAR-CoV-2 mới ở Malaysia dường như đang chậm lại nhờ các biện pháp hạn chế đi lại. Giới chức y tế Malaysia gần đây cũng đã cải thiện khả năng xét nghiệm, khi tiến hành xét nghiệm cho hơn 7.000 người mỗi ngày, gấp đôi con số 3.500 tuần trước.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự đoán Covid-19 ở Malaysia sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 4, trong khi số ca bệnh nguy kịch ước tính đạt đỉnh trong tuần tới.

Pháp: Hơn 5.300 người từ vong

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 2/4, Giám đốc Cơ quan Y tế Pháp Jerome Salomon cho biết nước này ghi nhận thêm 471 ca tử vong tại các bệnh viện và 884 ca tử vong tại các viện dưỡng lão vì Covid-19.

Đây là lần đầu tiên Pháp công bố hai số liệu tách biệt về số ca tử vong liên quan tới virus SAR-CoV-2, được ghi nhận tại bệnh viện và viện dưỡng lão trên cả nước.

Tổng cộng, Pháp ghi nhận 5.387 ca tử vong vì Covid-19 tính đến thời điểm hiện tại.

Đại diện Cơ quan Y tế Pháp cho biết số ca mắc Covid-19 được xác nhận tại nước này đã tăng lên 59.105 người, tăng gần 3.000 người so với ngày trước đó. Số bệnh nhân cần hỗ trợ đặc biệt cũng tăng lên 6.399 người, trong khi ngày 1/4 mới chỉ có 6.017 người.

Số ca nhiễm ở Đức vượt Trung Quốc

Đức ghi nhận thêm 6.813 ca nhiễm Covid-19 mới trong 24 giờ qua và chính thức vượt Trung Quốc với tổng số 84.794 ca trên toàn quốc. Hiện Trung Quốc ghi nhận 81.589 người nhiễm Covid-19.

Trong ngày 2/4, Đức cũng ghi nhận thêm 176 ca tử vong, nâng tổng số người chết vì Covid-19 ở Đức lên 1.107 trường hợp.

Hiện Đức đang thực hiện 300.000 - 500.000 xét nghiệm Covid-19 mỗi tuần. Tuy nhiên, chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel muốn nâng lên ít nhất 200.000 xét nghiệm mỗi ngày. Mục tiêu của Đức là xét nghiệm tất cả người có triệu chứng cũng như toàn bộ người đã tiếp xúc các trường hợp dương tính được xác nhận.

Anh bùng nổ số ca nhiễm

Tính tới hết ngày 2/4, cố ca tử vong do Covid-19 tại Anh đã lên đến 2.921 trường hợp, sau khi có thêm 569 trường hợp tử vong được ghi nhận trong 24 giờ qua, mức cao kỷ lục trong 1 ngày. Hiện Anh cũng ghi nhận 33.718 người nhiễm virus SAR-CoV-2.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng nghiêm trọng, Hiệp hội Y Khoa Anh (BMA) đã ban hành các hướng dẫn mới cho y bác sỹ, theo đó ưu tiên cứu những người có cơ hội sống sót cao hơn.

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock ngày 2//4 thông báo nước này sẽ xét nghiệm 100.000 người mỗi ngày trước cuối tháng 4 để tìm kiếm bệnh nhân bị nhiễm virus SARS-CoV-2.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã cam kết tăng cường nỗ lực xét nghiệm Covid-19 sau khi đối mặt với hàng loạt chỉ trích cho rằng Anh đã thực hiện việc sàng lọc bệnh nhân ít hơn so với các quốc gia khác trong giai đoạn tương tự của dịch bệnh.

Số ca bệnh Covid-19 ở Hàn Quốc vượt ngưỡng 10.000

Yonhap dẫn số liệu từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho hay, tính tới hết ngày 2/4, nước này ghi nhận thêm 89 ca bệnh COVID-19 và 5 ca tử vong.

Tổng số ca mắc bệnh hiện tại là 10.062, số tử vong là 174. Trong số 174 ca tử vong, trên 50% là bệnh nhân trên 80 tuổi và có ít nhất một bệnh nền từ trước.

Phần lớn những ca mắc mới ở nước này được phát hiện lây nhiễm trong cộng đồng tại các bệnh viện và nhà thờ lớn. Số ca nhiễm nhập cảnh ở Hàn Quốc đến nay đã tăng lên gần 650 ca với 22 trường mới được phát hiện.

Bệnh viện châu Âu kêu cứu vì sắp cạn thuốc chữa

9 bệnh viện tuyến đầu trong điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 tại các nước Pháp, Tây Ban Nha, Italy, Đức, Anh, thuộc Liên minh các Bệnh viện đại học châu Âu mới đây đã gửi bức thư chung lên chính phủ các nước châu Âu, đề nghị hành động khẩn cấp trước nguy cơ cạn kiệt các loại thuốc chữa bệnh trong những ngày tới.

Trong thư, các bệnh viện này cho biết, do lượng bệnh nhân mắc Covid-19 phải nhập viện điều trị quá lớn, một số bệnh viện sắp cạn kho dự trữ thuốc trong một vài ngày tới. Các bệnh viện có dự trữ lớn hơn cũng sẽ rơi vào tình cảnh đó sau tối đa là 10 ngày nữa. Các thuốc sắp cạn kiệt là các thuốc quan trọng trong điều trị triệu chứng cho các bệnh nhân hay dùng trong hồi sức cấp cứu như thuốc an thần, thuốc giảm đau và kháng sinh.

Theo bác sỹ Francois Salachas, chuyên khoa thần kinh của bệnh viện Pitie-Salpetriere tại Paris, nguyên nhân chủ yếu của nguy cơ cạn kiệt này là việc quá phụ thuộc vào Trung Quốc và Ấn Độ.

Theo các số liệu của Cơ quan dược phẩm châu Âu, 40% các sản phẩm thuốc thương mại tại châu Âu được sản xuất tại một nhà máy nằm ngoài châu Âu, trong đó chủ yếu tại 3 nước là Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ. Với một số thuốc, 95% nguyên liệu đầu vào đến từ Trung Quốc hoặc Ấn Độ.

Khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều nhà máy tại Trung Quốc ngừng hoạt động trong khi Mỹ và Ấn Độ mới đây cũng đã ra lệnh cấm xuất khẩu nhiều loại dược phẩm quan trọng để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Xem thêm >> Ông Putin cho toàn dân nghỉ 1 tháng nguyên lương để ngăn dịch Covid-19 lây lan

Tin mới lên