Tài chính quốc tế

Dịch Covid-19: WHO khuyến cáo nguy cơ lây nhiễm từ tiền mặt, xuất khẩu toàn cầu có thể mất 50 tỷ USD

(VNF) - Hoạt động sản xuất ở Trung Quốc sụt giảm do ảnh hưởng bởi dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 có thể sẽ khiến kim ngạch xuất khẩu toàn cầu mất 50 tỷ USD trong những tháng tới.

Dịch Covid-19: WHO khuyến cáo nguy cơ lây nhiễm từ tiền mặt, xuất khẩu toàn cầu có thể mất 50 tỷ USD

Xuất khẩu toàn cầu có thể mất 50 tỷ USD do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Hơn 6.000 người nhiễm virus ở Hàn Quốc

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) chiều nay (5/3) công bố nước này ghi nhận thêm 322 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) nâng tổng số ca nhiễm lên 6.088. Trong đó có 40 người đã tử vong, chủ yếu là các bệnh nhân cao tuổi có vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.

Cơ quan phòng chống thiên tai và an toàn trung ương đã chỉ định thành phố Gyeongsan, cách thủ đô Seoul khoảng 330km về phía đông nam, là khu vực quản lý đặc biệt cho bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2. Thành phố này chiếm hơn 70% số ca nhiễm mới ở tỉnh Bắc Gyeongsang.

Trước đó, chính phủ Hàn Quốc đã quyết định đưa thành phố Daegu và Cheongdo là khu vực quản lý đặc biệt vào ngày 21/2 do có nhiều người nhiễm SARS-CoV-2 tại 2 thành phố này.

WHO khuyến cáo nguy cơ lây nhiễm corona từ tiền mặt

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây phát thông điệp khuyến cáo mọi người nên rửa tay sạch thường xuyên hơn và nên ngừng giao dịch bằng tiền mặt nếu có thể vì tiền giấy có thể là một nguồn lây nhiễm SARS-CoV-2.

Ngân hàng Anh sau đó cũng thừa nhận về khả năng các tờ bạc giấy "có thể chứa virus hoặc vi khuẩn".

Hồi tháng trước, cả Trung Quốc và Hàn Quốc đều bắt đầu triển khai việc tẩy uế và cô lập những tờ bạc đã sử dụng để phòng ngừa lây lan dịch Covid-19.

Nhà chức trách đã sử dụng ánh sáng tia cực tím hoặc xử lý ở nhiệt độ cao để khử trùng các tờ bạc, sau đó đưa số tiền này vào niêm phong 14 ngày trước khi đưa trở lại lưu hành.

Cho tới nay, giới khoa học vẫn chưa thể biết chính xác virus corona chủng mới có khả năng tồn tại bao lâu bên ngoài cơ thể người. Tuy nhiên người ta tin chủng virus này có thể "sống" được trên những bề mặt vật lý trong nhiều ngày ở nhiệt độ phòng.

Xuất khẩu toàn cầu có thể mất 50 tỷ USD

Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) ngày 4/3 đã công bố báo cáo về thương mại toàn cầu, trong đó dự đoán hoạt động sản xuất ở Trung Quốc sụt giảm do dịch bệnh Covid-19 sẽ khiến kim ngạch xuất khẩu toàn cầu mất 50 tỷ USD trong những tháng tới.

Báo cáo của UNCTAD chỉ ra rằng Trung Quốc giữ vai trò là trung tâm sản xuất đối với nhiều doanh nghiệp toàn cầu, do đó bất kỳ sự gián đoạn nào về sản lượng của Trung Quốc sẽ gây hậu quả đối với bất kỳ nơi nào trong chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực.

Theo UNCTAD, khoảng 20% thương mại toàn cầu về các sản phẩm trung gian được sản xuất ở Trung Quốc, tăng gấp 5 lần so với mức chỉ 4% trong năm 2002. Riêng tháng 2 vừa qua, hầu hết hoạt động chế tạo của Trung Quốc bị đình trệ do nhiều khu vực của nước này bị phong tỏa để ngăn chặn dịch Covid-19, dẫn tới làm giảm 2% xuất khẩu các sản phẩm trung gian cả năm của Trung Quốc.

Theo báo cáo, EU có thể sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với mức giảm dự báo khoảng 15,6 tỷ USD, tiếp sau là Mỹ với 5,6 tỷ USD, Nhật Bản 5,2 tỷ USD, Triều Tiên 3,8 tỷ USD, Đài Loan (Trung Quốc) 2,6 tỷ USD, Việt Nam 2,3 tỷ USD và Thụy Sĩ 1 tỷ USD.

Gần 300 triệu học sinh toàn cầu nghỉ học

Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) ngày 4/3 cho biết đã có 13 quốc gia đóng cửa các trường học trên toàn quốc, ảnh hưởng đến 290,5 triệu học sinh trong khi 9 nước khác cho đóng cửa trường học tại một số khu vực có ổ dịch Covid-19.

Trung Quốc, nơi dịch bùng phát từ cuối tháng 12/2019, là quốc gia đầu tiên cho học sinh nghỉ học để phòng dịch. Đến ngày 4/3, dịch đã lan tới 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, 22 quốc gia tại ba châu lục tuyên bố đóng cửa trường học ở các mức độ. Trong đó Hàn Quốc, Iran, Nhật Bản, Italy... cho học sinh cả nước nghỉ.

Mặc dù việc đóng cửa trường học tạm thời trong các cuộc khủng hoảng không phải là một biện pháp mới nhưng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cho rằng: "Quy mô và tốc độ của sự gián đoạn giáo dục hiện nay là chưa từng có và nếu sự gián đoạn tiếp tục kéo dài có thể ảnh hưởng đến quyền giáo dục".

Chính phủ nhiều nước đã ban hành chính sách hỗ trợ người dân. Nhật Bản trợ cấp 80 USD (khoảng 1,8 triệu đồng) một ngày cho phụ huynh nghỉ phép ở nhà trông con. Tại Pháp, những phụ huynh không có người trông con được cho thêm 14 ngày nghỉ.

Xem thêm >> Dịch Covid-19: Bệnh nhân Trung Quốc tử vong sau 5 ngày khỏi bệnh, phát hiện con chó đầu tiên nhiễm virus

Tin mới lên