Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành vừa chủ trì cuộc họp về các dự án kết cấu hạ tầng giao thông trong chương trình phục hồi kinh tế, với sự tham dự của 22 tỉnh, thành phố tại các đầu cầu trực tuyến.
Hiện nay cả nước đang tích cực hoàn thiện các công tác chuẩn bị đầu tư nhiều dự án đường bộ cao tốc, trong đó có 5 dự án quan trọng quốc gia phải trình Quốc hội xin chủ trương đầu tư.
Các dự án này bao gồm: vành đai 3 TP. HCM, vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Đồng thời, đẩy nhanh tốc độ chuẩn bị đầu tư các đoạn trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội chấp thuận đầu tư trước đó.
Báo cáo về tình hình chuẩn bị đầu tư các dự án cao tốc khởi công mới trong giai đoạn 2021 - 2025, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết Bộ đang nỗ lực hoàn thiện các thủ tục để kịp trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án quan trọng quốc gia tại kỳ họp tới.
Theo đó, các mốc tiến độ chủ yếu cần đáp ứng gồm: hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 13/2; hoàn thiện thủ tục để Thủ tướng có quyết định thành lập hội đồng thẩm định nhà nước trước ngày 16/2; hội đồng thẩm định nhà nước tổ chức thẩm định, có kết quả thẩm định trước ngày 4/3 và hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội chủ trương đầu tư trước ngày 20/3.
Được biết, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dự kiến dài 53,7km, tổng vốn hơn 17.800 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã hoàn thiện lại hồ sơ theo phương thức đầu tư công, trình Thủ tướng Chính phủ ngày 11/2.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài hơn 188km, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 45.000 tỷ đồng. Hiện Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thiện lại hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo phương thức đầu tư công và đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ ngày 11/2.
Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài 117,5km, dự kiến tổng vốn đầu tư gần 22.000 tỷ đồng, nhằm kết nối Tây Nguyên với miền Trung và các cảng biển nước sâu.
Dự án vành đai 4 - vùng Thủ đô có tổng chiều dài dự kiến là 111,2km với tổng mức đầu tư dự kiến 94.127 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, vốn của nhà đầu tư và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
Dự án vành đai 3 TP. HCM dài gần 92km, với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 75.777 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư 41.872 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, để đồng bộ với việc trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia tại kỳ họp tháng 5/2022 của Quốc hội, các dự án nhóm A cần được sớm phê duyệt chủ trương đầu tư trước thời điểm họp Quốc hội.
Các dự án nhóm A gồm: cao tốc An Hữu - Cao Lãnh, cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, cao tốc Hà Giang - Tuyên Quang, cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ phát triển đường cao tốc sẽ tạo ra động lực mới phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương mà tuyến cao tốc đi qua. Nếu đường cao tốc được làm sớm thì sẽ giảm chi phí rất lớn.
Nhấn mạnh đây là thời cơ cho nền kinh tế, cũng như các địa phương để hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, Phó thủ tướng lấy ví dụ một nhiệm kỳ ngành giao thông có thể được phân bổ 300.000 - 400.000 tỷ đồng, nhưng dành cho phát triển cao tốc chỉ khoảng 70.000 tỷ đồng, trong khi đó tổng nguồn lực dành cho cao tốc trong giai đoạn này lên tới 300.000 - 400.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên theo lãnh đạo Chính phủ, khó khăn cũng rất lớn trong quá trình phát triển cao tốc là khâu giải phóng mặt bằng, nguyên vật liệu xây dựng… Đặc biệt, trong thời gian 2 năm phải giải ngân hết số vốn mà chương trình phục hồi kinh tế đã bố trí. Chỉ trong thời gian từ nay đến 2025, phải hoàn thành đầu tư xây dựng thêm 2.000km đường cao tốc.
Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, đủ điều kiện trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5/2022; khởi công đồng loạt trong năm 2022, hoàn thành trong năm 2024 - 2025.
"Nếu không bảo đảm các mốc tiến độ này, sẽ không thể giải ngân hết số vốn đã bố trí, bỏ lỡ cơ hội để phát triển", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Đối với dự án vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội, Phó thủ tướng đề nghị sớm kết thúc việc thẩm định hồ sơ, bảo đảm từ nay đến 25/2 có kết quả thẩm định của hội đồng thẩm định nhà nước.
Đối với dự án vành đai 3 TP. HCM và cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, khẩn trương thành lập hội đồng thẩm định nhà nước, hoàn thành công tác thẩm định trong tháng 2/2022.
Đối với các địa phương, Phó thủ tướng yêu cầu chuẩn bị sớm, giao cho giám đốc các sở khảo sát, đánh giá trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải để xác định nguồn vật liệu xây dựng. Địa phương chỉ được cấp phép khai thác vật liệu xây dựng trực tiếp cho các nhà thầu thi công cao tốc, không qua trung gian.
Ngoài vật liệu xây dựng và năng lực nhà thầu, tiến độ thi công công trình nhanh hay chậm phụ thuộc vào tiến độ giải phóng mặt bằng. Phó thủ tướng yêu cầu các địa phương triển khai song song các bước, rút ngắn tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
"Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết tâm và sẽ đồng hành cùng với các địa phương để bảo đảm chất lượng, hoàn thành đúng tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng các đoạn, tuyến cao tốc mới, đẩy nhanh tiến độ triển khai các đoạn tuyến cao tốc đã được chấp thuận chủ trương đầu tư", Phó thủ tướng khẳng định.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.