Điều chỉnh quy hoạch sân bay Vân Đồn: Kéo dài đường băng, mở rộng nhà ga, xây thêm sân quay đầu
An Chi -
17/03/2018 17:27 (GMT+7)
(VNF) - Ngày 17/3, tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ đã công bố quyết định về điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo thông tin từ tỉnh Quảng Ninh, dự án Cảng hàng không Quảng Ninh được Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt quy hoạch năm 2012, là cảng hàng không nội địa đón được các chuyến bay quốc tế.
Dự án khởi công từ tháng 9/2015, được thiết kế có đường băng dài 3km, rộng 45m, lề vật liệu rộng 7,5m, dải hãm phanh 2 đầu kích thước 100mx60m, đảm bảo khai thác loại máy bay B777 và tương đương. Hệ thống đường dẫn, sân đỗ đón khách tối thiểu được 4 máy bay, nhà điều hành, nhà ga hành khách và hàng hoá có công suất tiếp nhận được 2 triệu hành khách và 10.000 tấn hàng hoá/năm…
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, đặc biệt là việc Chính phủ đã thống nhất mô hình xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại Vân Đồn, nhu cầu điều chỉnh quy mô cảng hàng không đã được đặt ra.
Ngày 23/2/2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 236/QĐ-TTg, xác định Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là 1 trong 10 cảng hàng không quốc tế của mạng lưới cảng hàng không dân dụng cả nước và cũng là sân bay quân sự trong hướng chiến lược miền Bắc của mạng sân bay quân sự toàn quốc.
Căn cứ quyết định của Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải đã điều chỉnh quy hoạch, xây dựng Cảng hàng không Quảng Ninh thành Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đạt cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II.
Cụ thể, đường băng sẽ kéo dài từ 3km lên 3,6km, xây dựng bổ sung 2 sân quay đầu, đường lăn nối với sân đỗ và đường lăn thoát nhanh. Nhà ga được điều chỉnh nâng công suất lên 2,5 triệu hành khách/năm, diện tích nhà ga mở rộng, vị trí đỗ tối thiểu được 6 máy bay…
Dự kiến đến năm 2030 sẽ hoàn chỉnh đường lăn song song với các đường băng, hoàn chỉnh đơn nguyên còn lại của nhà ga, nâng công suất lên 5 triệu hành khách/năm và vị trí đỗ tối thiểu lên 12 máy bay…
Tại buổi công bố quy hoạch điều chỉnh, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ đã yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, đặc biệt là Cục Hàng không Việt Nam phải thật sự sát sao, hỗ trợ chủ đầu tư dự án.
Thứ trưởng cũng yêu cầu tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục chủ động, đảm bảo quỹ đất để mở rộng quy mô theo quy hoạch và định hướng phát triển, đẩy mạnh tuyên truyền đến nhân dân hiểu rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của dự án đối với sự phát triển kinh tế của địa phương để nhận được sự đồng thuận.
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn dự kiến khi đi vào hoạt động sẽ góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững không chỉ đối với tỉnh Quảng Ninh, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ mà còn có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược an ninh - quốc phòng vùng biển đảo.
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là cảng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam được đầu tư theo hình thức BOT, có vốn đầu tư 7.500 tỷ đồng. Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn sẽ do doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vận hành, khai thác, thay vì trực thuộc sự quản lý của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam. Đây là điểm khác biệt của Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn với 21 cảng hàng không đang hoạt động trong cả nước.
Tuy nhiên, hoạt động điều hành bay, giá dịch vụ chuyên ngành hàng không tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn vẫn do nhà nước thống nhất quản lý theo quy định. Trong đó, đối với hoạt động điều hành bay, Sun Group chịu trách nhiệm đầu tư toàn bộ công trình xây dựng bảo đảm hoạt động bay theo tiêu chuẩn của Việt Nam và Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế.
Sau đó, Sun Group sẽ chuyển giao toàn bộ tài sản cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý, khai thác, bảo trì và đầu tư phát triển theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.