Doanh nhân Nga kiện WHO vì đặt tên biến chủng Omicron gây ‘tổn hại uy tín công ty'

Thùy Tiên - 04/12/2021 22:31 (GMT+7)

(VNF) - Ông Alexander Padar, CEO chuỗi phòng khám mắt Omicron Network ở Nga, đâm đơn kiện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sau khi tổ chức này đặt tên biến chủng mới B.1.1.529 là Omicron khiến “hình ảnh công ty bị hủy hoại”.

VNF
WHO đặt tên Omicron theo cách sử dụng các chữ cái trong bảng chữ cái Hy Lạp.

Ông Padar nộp đơn kiện lên Tòa án Trọng tài Moscow ngày 30/11, 4 ngày sau khi WHO xếp B.1.1.529 vào nhóm "biến chủng đáng lo ngại" và đặt tên là Omicron theo cách sử dụng các chữ cái trong bảng chữ cái Hy Lạp.

Trong đơn kiện, ông Padar cho rằng cần cấm sử dụng từ “Omicron” để đặt tên cho biến chủng mới của SARS-CoV-2 cũng như các biến chủng khác bởi công ty ông đã đăng ký thương hiệu "Omicron Network" tại Nga.

“Tên của chúng tôi là thương hiệu đã được đăng ký, chủ yếu dùng trong lĩnh vực dược và y tế, vì đây là dịch vụ cốt lõi của chúng tôi. Gắn chủng virus Corona với cái tên này làm tổn hại uy tín của chúng tôi. Hãy nghĩ xem, nếu bạn bè hay họ hàng bạn mà có ai chết vì Omicron, bạn sẽ không tới phòng khám có cái tên như thế”, ông Padar nêu trong đơn kiện.

Vị CEO cũng cho biết ông đã đầu tư nhiều tiền vào quảng cáo cho các phòng khám Omicron Network của mình. Tuy nhiên hiện tại, từ "Omicron" đã thay thế tên gọi chuỗi phòng khám của ông trên các công cụ tìm kiếm sau khi WHO đặt tên cho biến chủng này. Ông khẳng định công ty khó tránh viễn cảnh lỗ nặng vì quyết định của WHO.

Được phát hiện lần đầu tiên vào cuối tháng 11 vừa qua, cho tới nay biến chủng Omicron đã được phát hiện ở ít nhất 38 quốc gia ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ, Trung Đông, châu Âu và lan đến được 7 trong số 9 tỉnh của Nam Phi. Chính phủ nhiều nước đã thắt chặt các quy tắc đi lại để ngăn chặn sự lây lan của biến chủng này.

Theo các nhà khoa học, biến chủng Omicron có 32 đột biến trong protein gai và hiện chưa rõ biến thể này chính xác bắt nguồn từ đâu. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng nhiều khả năng virus đã biến đổi ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp và có mức độ lây nhiễm cao.

Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Á- Thái Bình Dương Takeshi Kasai cho rằng các biện pháp kiểm soát biên giới có thể giúp kéo dài thời gian nhưng mỗi quốc gia và mỗi cộng đồng cần chủ động chuẩn bị ứng phó với làn sóng dịch bệnh mới.

Xem thêm >> Thế giới tuần qua: Biến chủng Omicron xâm nhập 38 nước, Anh kêu gọi ngăn chặn Dòng chảy phương Bắc 2

Cùng chuyên mục
Tin khác