Dự án Safari Củ Chi: 'Treo' gần 20 năm, TP. HCM hứa có mặt bằng sạch vào cuối năm 2022
Nam Phương -
28/07/2022 19:05 (GMT+7)
(VNF) - Báo cáo với đoàn giám sát của Quốc hội về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, sáng 28/7, lãnh đạo TP. HCM khẳng định sẽ tập trung nguồn vốn ngân sách để chi trả nốt cho các hộ dân, hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng dự án Safari Củ Chi vào cuối năm 2022.
Dự án treo 20 năm -người dân “khóc ròng”
Khu công viên Sài Gòn Safari có quy mô hơn 456ha thuộc các xã An Nhơn Tây, Phú Mỹ Hưng huyện Củ Chi có vốn đầu tư lên đến 500 triệu USD. Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên được TP. HCM giao làm chủ đầu tư thực hiện dự án này.
Theo kế hoạch, đây sẽ là nơi trưng bày, lưu giữ, nghiên cứu, bảo tồn, nhân giống các loài động thực vật quý hiếm của thế giới và Việt Nam, đáp ứng nhu cầu hoạt động giải trí, tham quan, dịch vụ.
Được cấp phép từ năm 2004, dự án cần phải thu hồi đất của 705 hộ dân, trong đó 443 hộ bị giải tỏa trắng, 262 hộ bị ảnh hưởng đất nông nghiệp. Đến năm 2007, dù công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đã đạt đến 97% với tổng chi bồi thường hơn 580 tỷ đồng nhưng dự án vẫn không thể triển khai.
Dự án "treo" 20 năm, người dân "khóc ròng"
Nguyên nhân là tình trạng khiếu kiện kéo dài liên quan đến công tác đền bù giải tỏa. Khu vực đất đã giải tỏa thì để hoang hóa dẫn đến tình trạng tái chiếm. Việc xác định nguồn gốc pháp lý để áp giá bồi thường chưa chặt chẽ, triển khai xây dựng khu tái định cư còn chậm.
Ngoài ra, dự án còn gặp khó khăn do chủ đầu tư không đáp ứng đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án với quy mô lớn, quy mô thực hiện theo quy hoạch không còn phù hợp đến thời điểm hiện nay.
Năm 2016, UBND TP. HCM đã chấp thuận chủ trương giao cho Công ty Cổ phần Vinpearl tổ chức nghiên cứu đầu tư dự án và giao Sở Quy hoạch Kiến trúc tổ chức thẩm định điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch và đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000. Tuy nhiên sau đó, Công ty Cổ phần Vinpearl đã có văn bản xin không thực hiện dự án trên.
Khu công viên Safari Sài Gòn đang rất cần được "giải cứu"
Ngày 18/3/2022, tập đoàn FLC đã có đề xuất nghiên cứu đầu tư dự án, xây dựng một khu phức hợp Safari có quy mô hàng đầu châu Á, tuy nhiên tới giờ vẫn chưa có thông tin chi tiết thêm về kế hoạch thực hiện.
Như vậy trong một thời gian dài, dù nhiều cơ quan thông tấn đã phản ánh tình trạng của để hoang hóa nhiều năm, gây lãng phí ngân sách nhà nước nhưng đến nay dự án vẫn “giậm chân” tại chỗ.
Chờ ngày “giải cứu”
Nói với VietnamFinance, ông Đoàn Văn Xuân, người dân xã An Nhơn Tây, cho biết, hàng trăm ha đất nằm trong quy hoạch công viên Sài Gòn Safari bị bỏ hoang suốt hàng chục năm qua không canh tác được khiến ai cũng xót xa . “Chúng tôi rất mong chờ TP có giải pháp để dự án được tiếp tục thực hiện”.
Ông Võ Văn Dựng, xã Phú Mỹ Hưng, chia sẻ : “Đất đai bị bỏ hoang hóa gây mất an ninh, trật tự, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Chúng tôi tha thiết đề nghị đẩy nhanh tiến độ dự án, tránh để lãng phí đất đai và ảnh hưởng môi trường, xã hội”.
“UBND TP cần khẩn trương triển khai xây dựng khu tái định cư để bố trí nơi ở cho những hộ dân đã đăng ký tái định cư, có phương án, biện pháp hữu hiệu để quản lý diện tích đất đã được giải phóng mặt bằng của dự án, cương quyết không để người dân tái sử dụng”, chị Hà Minh, một cư dân ở xã An Nhơn Tây kiến nghị.
Để sớm “hồi sinh” dự án, sáng 28/7, tại cuộc giám sát của Quốc hội về chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, lãnh đạo UBND TP. HCM nói sẽ có kế hoạch tập trung nguồn vốn ngân sách để chi hỗ trợ hơn 25 tỷ đồng, sớm hoàn thành bồi thường cho 15 hộ dân còn lại, bàn giao mặt bằng sạch vào cuối năm 2022.
Sau khi có mặt bằng sạch, TP sẽ tổ chức đấu giá hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Việc lựa chọn nhà đầu tư xây dựng dự án công viên Sài Gòn Safari được tổ chức đấu thầu rộng rãi, công khai, minh bạch theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật. Trường hợp có việc điều chỉnh quy hoạch dự án so với muc tiêu ban đầu, TP sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để tránh thất thoát, lãng phí nguồn lực đất đai công.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone