108 dự án với diện tích hơn 473ha vừa được UBND TP. HCM quyết định hủy bỏ do chậm triển khai. Lãnh đạo TP cũng yêu cầu các quận huyện công khai để người dân biết, đồng thời thực hiện các quy định để đảm bảo quyền lợi cho người dân khi dự án được xóa treo.
Thu hồi do chậm triển khai
Trong tổng số 108 dự án bị thu hồi có nhiều dự án về nhà ở, trường học… đã được cơ quan chức năng phê duyệt kế hoạch sử dụng đất từ nhiều năm trước, nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa triển khai. Cụ thể, dự án khu phức hợp Đầm Sen 5,46ha ở phường 3, quận 11 được duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2015. UBND quận 11 đã có văn bản báo cáo những khó khăn vướng mắc của dự án này vào năm 2018, tuy nhiên đến nay dự án vẫn án binh bất động. Do quy hoạch treo quá lâu, cơ sở hạ tầng khu vực dự án xuống cấp, các hộ dân khu vực này có nguyện vọng xóa quy hoạch để người dân được phép xây dựng nhà cửa.
Được biết trong chỉ tiêu quy hoạch khu đất 5,4ha này có đất ở - dịch vụ 34.405m2, bao gồm chung cư 23.566m2, khách sạn 5.554m2, văn phòng 5.285m2, đất công trình công cộng 10.000m2… Dự án được Sở Xây dựng mời gọi đầu tư theo Nghị định 71 của Chính phủ, đến ngày 9-8-2014 được UBND TP. HCM công nhận chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Quốc tế C&T và được gia hạn tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng đến ngày 9/8/2018.
Tuy nhiên công tác đền bù giải tỏa gặp nhiều khó khăn, không đảm bảo tiến độ. Về phía chủ đầu tư cũng đã kiến nghị thay đổi chỉ tiêu quy hoạch, như chuyển chức năng khách sạn thành đất ở, chỉ giao 3.000m2 thay vì 10.000m2 cho nhà nước để thực hiện các công trình công cộng, phần diện tích đất 7.000m2 còn lại chuyển sang đất ở thương mại để kinh doanh…
Một dự án nhà ở khác có quy mô gần 160ha tại quận 9 có quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2016, nhưng 4 năm qua vẫn chưa thực hiện, chủ đầu tư cũng không đăng ký kế hoạch sử dụng đất. Cụm dự án liên quan khu đại học rộng hơn 240ha tại các xã An Phú Tây, Phong Phú và Hưng Long (huyện Bình Chánh) được đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2016, được điều chỉnh, hủy bỏ các dự án riêng lẻ để gộp chung và đấu thầu chọn nhà đầu tư làm hạ tầng đồng bộ cho toàn khu vực. Các dự án này cũng bị “khai tử” do chậm triển khai.
Ngoài ra, còn có một số dự án khác ở khu trung tâm TP, như dự án 235B Nguyễn Văn Cừ (do Tổng cục Hậu cần kỹ thuật, Bộ Công an, làm chủ đầu tư); 93 Lê Thánh Tôn (Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh nhà TP); cao ốc văn phòng cho thuê phục vụ ngoại giao đoàn và các tổ chức kinh tế (Công ty TNHH MTV Dịch vụ cơ quan nước ngoài) ở quận 1. Một số dự án trường học ở Bình Thạnh và Thủ Đức cũng không thực hiện theo kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt, như Trường THCS Đống Đa; Trường THPT Gia Định (Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình quận Bình Thạnh); Trường tiểu học Linh Tây (Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình quận Thủ Đức)...
Phải công khai xóa treo với người dân
Tại Công văn 4289/UBND-ĐT gửi các sở chức năng và UBND các quận huyện, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Võ Văn Hoan, cho biết đây là những dự án không thuộc trường hợp có Nghị quyết của HĐND TP thông qua thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng được điều chỉnh, hủy bỏ trong kế hoạch sử dụng đất từ năm 2015 đến 2018. Công văn yêu UBND quận huyện phải công khai danh sách các dự án này, phối hợp Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) tiếp tục rà soát, xử lý các dự án chậm triển khai, không thực hiện theo kế hoạch đã duyệt. Các địa phương phải xem xét, sớm giải quyết quyền lợi của người sử dụng đất và xử lý kịp thời những vi phạm.
Dự án treo là vấn đề nhức nhối lâu nay không chỉ với người dân mà cả các cơ quan chức năng trên địa bàn TP. Một đại biểu HĐND TP cho biết vừa qua có nhận đơn khiếu nại của một hộ dân về việc quy đổi nền đất kéo dài hàng chục năm không xong. Theo đó, hộ dân này có 1 nền nhà ở xã Bình Chánh, huyện Nhà Bè bị giải tỏa và đã đạt thỏa thuận quy đổi nền khác. Người dân đợi mãi, tới nay đã 20 năm nhưng vẫn chưa được giải quyết. “Hiện toàn TP có nhiều dự án quy hoạch treo, có những dự án kéo dài hơn 20 năm, như bán đảo Thanh Đa đến nay vẫn chưa được thực hiện” - vị đại biểu HĐND nói.
Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT), cho biết công tác rà soát quy hoạch đất đai trên địa bàn được thực hiện thường xuyên, đơn vị cũng phối hợp với các quận huyện để xử lý nhanh các dự án quy hoạch chậm. Cụ thể, Sở QH-KT cùng các sở, ngành và UBND các quận, huyện liên quan, thẩm định đồ án điều chỉnh quy hoạch chung (tỷ lệ 1/5.000 và 1/10.000), đồng thời tổ chức thẩm định gần 200 hồ sơ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 tại các quận, huyện...
Còn ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT, cũng cho biết TP có khoảng 547 dự án phải thu hồi chủ trương do quá trình tổ chức thực hiện chậm. HĐND TP đã tổ chức giám sát và UBND TP rà soát lại trên 2.800 dự án; trong đó có 600 dự án hoàn thành, hơn 1.500 dự án đang triển khai thực hiện.
Được biết, hiện nay vướng mắc nhất trong triển khai các dự án là công tác bồi thường, giá bồi thường. UBND TP đã phân loại 3 nhóm giải pháp để tập trung giải quyết thu hồi đất. (1) Rà soát các dự án có thu hồi đất phải bồi thường trước ngày 1/7/2014. Theo đó hiện trên địa bàn TP còn 3.928 trường hợp phải tập trung để giải quyết. (2) Các nhóm dự án từ ngày 1/7/2014 đến 15/5/2015, TP đã có quyết định bồi thường, hiện còn khoảng 50 dự án tiếp tục thực hiện. (3) Nhóm dự án có thu hồi đất để thực hiện theo quy định và chính sách mới với 214 dự án, hiện có hơn 5.500 hộ dân bị ảnh hưởng, TP mong người dân ủng hộ để tổ chức thu hồi và bồi thường cho các dự án này.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.