Vào công trường thi công 600 căn nhà ở xã hội tại Long Biên - Hà Nội
(VNF) - Chung cư cao tầng CT1 thuộc khu nhà ở xã hội Thượng Thanh sẽ cung cấp khoảng 600 căn hộ cho người thu nhập thấp, dự kiến mở bán trong năm 2025.
Dự báo (forecasting) là quá trình tạo ra các số liệu dự toán về tình hình kinh tế nói chung và thị trường nói riêng trong tương lai, phục vụ cho việc ra các quyết định của doanh nghiệp hoặc hoạch định chính sách của chính phủ. Có nhiều phương pháp dự báo được sử dụng để ước lượng các chỉ tiêu phản ánh tình hình kinh tế phức tạp, đòi hỏi phải thu thập nhiều số liệu và tốn kém.
Chúng ta có thể phân loại thành 6 phương pháp dự báo như sau:
Các phương pháp điều tra
Loại phương pháp này gắn với việc phỏng vấn những người có liên quan để biết được nhận định, ý định của họ trong tương lai. Chẳng hạn, người ta phỏng vấn người tiêu dùng hay người mua hàng đầu tư về ý định mua hàng của họ trong tương lai, sau đó các chuyên gia sẽ tổng hợp số liệu điều tra và đưa ra dự báo về xu thế phát triển tương lai của thị trường.
Các phương pháp thực nghiệm
Loại phương pháp này tạo ra những kết quả dự báo nhu cầu về sản phẩm mới và cải tiến dựa trên việc quan sát phản ứng của người tiêu dùng trong các mẫu cố định nhỏ hoặc lớn trên thị trường bán thử.
Phương pháp ngoại suy
Phương pháp này sử dụng dãy số thời gian về các hiện tượng kinh tế trong quá khứ để phân tích, xác định xu thế phát triển của chúng, sau đó dựa vào đó để ngoại suy (tức dự báo) cho tương lai. Nó ngầm giả định là các mối liên hệ lịch sử tồn tại trong quá khứ sẽ tiếp tục tồn tại trong tương lai mà không cần khảo sát mối quan hệ nhân quả giữa các biến số liên quan trong tương lai. Dãy số thời gian thường bao gồm xu thế phát triển dài hạn, những biến động chu kỳ mang tính trung hạn và những biến động ngắn hạn mang tính thời vụ, chịu ảnh hưởng của những tác động ngắn hạn, ngẫu nhiên. Các phương pháp như số bình quân trượt, san bằng số mũ có thể được dùng để phân tích và dự tính một dãy số thời gian, mặc dù nhìn chung chúng không đáng tin cậy khi dự báo những biến động mạnh, bất thường trong các biến số kinh tế.
Phương pháp các chỉ báo chủ đạo
Phương pháp này dùng giá trị hiện tại của các chỉ báo thống kê để dự báo giá trị tương lai của các biến số kinh tế. Chẳng hạn, người ta coi các chỉ báo như kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản của các doanh nghiệp và số công trình xây dựng mới đem vào sử dụng là hàn thử biểu để dự báo các giá trị như mức hoạt động kinh tế, nhu cầu về sản phẩm. Các chỉ báo này rất hữu ích khi phải dự báo những thay đổi mạnh mẽ trong giá trị của một số biến số liên quan.
Phương pháp phân tích đầu vào – đầu ra, phân tích I-O hay phân tích liên ngành
Phương pháp này sử dụng các bảng đầu vào đầu ra (I-O), còn gọi là bảng cân đối liên ngành, để chỉ ra mối liên hệ giữa các ngành và phân tích xem sự thay đổi trong điều kiện cung cầu ở các ngành ảnh hưởng tới nhu cầu về sản phẩm của một ngành như thế nào. Chẳng hạn, các nhà sản xuất phụ tùng ô tô dùng phương pháp này để ước tính nhu cầu tương lai về ô tô và kế hoạch sản xuất của các nhà sản xuất là khách hàng chủ yếu của họ.
Phương pháp kinh tế lượng
Các phương pháp này dự báo giá trị tương lai của biến số kinh tế bằng cách khảo sát các biến số được coi là có liên hệ nhân quả với chúng. Mô hình kinh tế lượng gắn các biến số kinh tế lại với nhau bằng những phương trình có thể ước lượng được về mặt thống kê, sau đó dùng chúng làm cơ sở để dự báo. Khi sử dụng phương pháp kinh tế lượng, người ta phải phân tích để xác định xem những biến số độc lập nào tác động trực tiếp tới biến số phụ thuộc cần dự báo. Chẳng hạn, để dự báo lượng cầu về một sản phẩm (Q), chúng ta thiết lập một phương trình để gắn nó với giá sản phẩm (P) và thu nhập (Y) là hai nhân tố mà chúng ta nhận định là tác động trực tiếp tới lượng cầu: Q = a +bP +cY sau đó chúng ta sử dụng số liệu lịch sử mà Q, P, Y để ước lượng các hệ số hồi quy a, b, c. Mô hình kinh tế lượng có thể bao gồm một phương trình như trên, nhưng cũng có thể bao gồm nhiều phương trình để mô tả các mối quan hệ nhân quả phức tạp.
Không có phương pháp dự báo nào đem lại kết quả dự báo hoàn toàn chính xác. Vì vậy khi tiến hành dự báo, chúng ta phải chấp nhận một mức sai số dự báo nhất định. Trong tình huống được minh họa bằng hình 24, chúng ta không thể ước lượng chính xác giá trị tương lai của một biến số kinh tế. Thay vào đó, chúng ta chấp nhận một phân phối xác suất của các kết cục tương lai tập trung xung quanh giá trị dự báo. Các kết cục này chỉ ra một khoảng biến thiên các giá trị và phân phối xác suất của chúng. Vì vậy, trong quá trình dự báo tình hình kinh tế tương lai, nhà dự báo phải nhận định xem nên chọn phương pháp dự báo nào và phải kết hợp thông tin như thế nào từ các dự báo khác nhau.
(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)
(VNF) - Chung cư cao tầng CT1 thuộc khu nhà ở xã hội Thượng Thanh sẽ cung cấp khoảng 600 căn hộ cho người thu nhập thấp, dự kiến mở bán trong năm 2025.