Dự luật mới của Hoa Kỳ có thể trục xuất những công ty lớn nhất của Trung Quốc

Vũ Huy Hoàng - 14/06/2019 18:02 (GMT+7)

“Các công ty Trung Quốc có thể xem xét việc tiếp tục ở lại Hoa Kỳ sau khi các nhà lập pháp ở Washington đưa ra một dự luật có thể trục xuất các công ty nước ngoài khỏi các sàn giao dịch Mỹ”, các nhà phân tích đang cảnh báo.

VNF
Các chuyên gia dự báo sẽ có một làn sóng các công ty Trung Quốc lựa chọn rời khỏi Mỹ do chiến tranh thương mại leo thang.

Động thái của Tập đoàn Alibaba đang tìm kiếm một sàn niêm yết thứ cấp ở Hồng Kông có thể là một trong những công ty đầu tiên, trong làn sóng các công ty Trung Quốc lựa chọn rời khỏi Mỹ khi cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh leo thang. Các nguồn tin cho biết, Credit Suisse và CICC là nhà tài trợ cho thỏa thuận này, dự kiến ​​sẽ huy động tới 20 tỷ USD.

Paul Gillis, giáo sư tại Đại học Bắc Kinh và là chuyên gia về kế toán ở Trung Quốc cho biết trong một bài đăng trực tuyến rằng, ông nghĩ dự luật của Hoa Kỳ “có khả năng cao sẽ thông qua, và sẽ có 3 năm đếm ngược cho các cuộc đàm phán, hoặc cho các công ty để tìm một sàn niêm yết khác. Tôi hy vọng hầu hết các công ty sẽ chuyển đến Hồng Kông”.

Dự luật này là minh chứng mới nhất cho thấy sự sẵn sàng của Washington để gây áp lực lên một số công ty lớn nhất của Trung Quốc, cũng như làm suy yếu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Được giới thiệu bởi một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng vào tuần trước, dự luật tuyên bố rằng các công ty nước ngoài sẽ phải đối mặt với việc hủy niêm yết tại các sàn giao dịch của Hoa Kỳ trừ khi họ cấp cho thanh tra Mỹ quyền truy cập đầy đủ vào báo cáo kiểm toán của họ - điều mà Bắc Kinh không cho phép với các công ty Trung Quốc. Việc thi hành sẽ tuân theo thời gian hạn ba năm bắt đầu từ năm 2025.

“Bắc Kinh không còn được phép bảo vệ các công ty Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ, các công ty này cần tuân thủ luật pháp và quy định của Mỹ về minh bạch tài chính và trách nhiệm,” Thượng nghị sĩ Rubio nói trong một tuyên bố.

“Nếu các công ty có trụ sở tại Trung Quốc muốn niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán hoặc tiếp cận thị trường vốn ở Hoa Kỳ, chúng ta nên yêu cầu họ tuân thủ đầy đủ luật pháp Hoa Kỳ”, ông này nói.

Dự luật của Thượng viện sẽ tác động đến các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ, bao gồm một số công ty công nghệ lớn nhất thế giới như Alibaba, Yahoo và JD.com.

Các công ty Trung Quốc được liệt kê ở Hoa Kỳ đã có tổng vốn hóa thị trường là 1,2 nghìn tỷ USD vào ngày 25/2, theo Ủy ban đánh giá Kinh tế và An ninh Hoa Kỳ-Trung Quốc.

Các công ty công nghệ Trung Quốc nhận thức sâu sắc rằng họ có thể là mục tiêu của Hoa Kỳ trong cuộc chiến với Bắc Kinh về thương mại.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã trích dẫn rủi ro an ninh quốc gia khi thêm tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc vào “Danh sách đen” vào tháng trước, một động thái chủ yếu cấm xuất khẩu cho nhà cung cấp thiết bị viễn thông này.

Washington được cho là đang xem xét tương tự đối với Công nghệ kỹ thuật số Hàng Châu Hikvision, một nhà cung cấp máy ảnh thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc. Nhiều nhà đầu tư và tổ chức của Mỹ đã bán hết cổ phiếu của Hikvision.

Chính phủ trung ương Trung Quốc từ chối gia nhập vào Hội đồng giám sát kế toán công ty đại chúng của Hoa Kỳ để kiểm tra hoạt động kiểm toán của các công ty nước ngoài tại Mỹ. Trung Quốc và Bỉ là hai quốc gia duy nhất từ ​​chối như vậy. Các cuộc tiến hành kiểm tra nhằm mục đích bảo vệ các nhà đầu tư.

“Nhiều công ty Trung Quốc đã giảm giá trị so với các công ty Mỹ vì các nhà đầu tư thiếu niềm tin vào tài chính của họ”, Drew Bernstein - đối tác tại MarcumBP, một công ty kế toán có trụ sở tại New York đã nói

Hội đồng giám sát kế toán, Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc và Bộ tài chính Trung Quốc đã ký một biên bản vào năm 2013 về "hỗ trợ lẫn nhau và trao đổi thông tin" nhằm thúc đẩy tuân thủ an ninh. Tuy nhiên, trên thực tế, hội đồng giám sát của Hoa Kỳ cho biết vào tháng 9 năm ngoái rằng họ vẫn không được tiến hành kiểm tra tại các công ty Trung Quốc.

Sự miễn cưỡng của Trung Quốc trong việc kiểm tra có thể liên quan đến việc, trong các doanh nghiệp nhà nước đang niêm yết ở ba sàn chứng khoán lớn nhất Hoa Kỳ, Bắc Kinh nắm giữ cổ phần từ 30% trở lên trong ít nhất 11 công ty, ủy ban đánh giá Hoa Kỳ-Trung Quốc cho biết.

Dự luật của Thượng viện cung cấp một giai đoạn đệm dài 3 năm để các công ty tuân thủ, nhưng vẫn đặt ra những thách thức to lớn cho các công ty Trung Quốc nếu họ muốn hủy bỏ niêm yết.

“Các công ty Trung Quốc chắc chắn có nhiều sự lựa chọn hơn trong hiện nay” khi các sàn giao dịch Hồng Kông và Thượng Hải đã thay đổi các quy tắc của họ, Bernstein nói. Nhưng thị trường Hoa Kỳ có “nguồn vốn rất đa dạng này. Điều đó là không dễ thay thế.”

Theo Dân trí/Nikkei
Cùng chuyên mục
Tin khác