Ông Nguyễn Trần Bạt: Đại chiến thương mại với Trung Quốc, sức mạnh của Mỹ còn nguyên!

Nguyễn Tuyền - 10/06/2019 07:50 (GMT+7)

"Khi ông Trump "đánh" vào các nền kinh tế của nhiều nước lớn vừa qua mà không ai làm gì được nước Mỹ thì tức là nước Mỹ vẫn mạnh thật. Sức mạnh ấy không phải do Tổng thống Trump tạo ra mà do các Tổng thống tiền nhiệm tạo ra. Nước Mỹ vẫn vĩ đại như cũ, chỉ có điều là phải làm thế nào để giữ cho sự vĩ đại ấy đứng yên".

VNF
Luật sư, nhà tư vấn kinh tế, chuyên gia Nguyễn Trần Bạt, nhà sáng lập InvestConsult Group

Xung quanh chủ đề của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, chuyên gia, luật sư và nhà tư vấn kinh tế Việt Nam Nguyễn Trần Bạt cho rằng: Tổng thống Trump là người thức tỉnh nước Mỹ về sự mất cảnh giác trong toàn cầu hóa.

Thưa ông, Mỹ đang phong tỏa một số hãng công nghệ lớn của Trung Quốc, điều này được cho sẽ tác động đến Việt Nam vì một số doanh nghiệp Việt có sử dụng phần cứng, phần mềm của nước này, ông nhìn nhận vấn đề này ra sao?

- Tôi nghĩ chúng ta có thể bị tác động đấy, hiện nay doanh nghiệp Việt theo tôi biết mới chỉ mua và mua được những thứ phù hợp với túi tiền của mình. Chúng ta liệu có tiền để mua các công nghệ thuần túy phương Tây không? Ưu thế của Huawei là giá cả phù hợp và công nghệ của họ là rất mạnh, đến mức người Mỹ sợ và phải gây chiến.

Cuộc chiến tranh thương mại và công nghệ của Mỹ với Trung Quốc thể hiện đầy đủ sự giác ngộ của người Mỹ đối với tiến bộ khoa học và công nghệ của Trung Quốc. Làm cho thiên hạ ngại mình là cả một sự cố gắng khổng lồ.

Công nghệ của Huawei không thuần sở hữu của Trung Quốc, nó là công nghệ được biến đổi từ nhiều sự khôn khéo thương mại. Nhờ sự khôn khéo thương mại mà Huawei có được các thành tựu về công nghệ và chúng ta đến mua hàng của họ.

Người Mỹ là công nghệ nguồn, Huawei là công nghệ F1, nó cũng có những sáng tạo riêng của nó để khắc phục các thiếu sót của quá trình trước. Còn chúng ta chỉ có khả năng mua công nghệ thế hệ F2 trở đi.

Trong thương mại, chúng ta không có quyền lựa chọn chỉ đi theo ai đơn thuần bởi vì chúng ta không có tiền. Cho nên chúng ta càng phải khôn ngoan. Nếu không đủ tiềm lực để tính toán lợi ích của quốc gia mình, thì ít nhất chúng ta cũng phải đủ khôn ngoan để các công ty tự lo cho quyền lợi của họ.

Bí mật công nghệ là vũ khí nên rất khó đem đổi trác, trong thời đại cách mạng 4.0, nhiều người tin Việt Nam có thể tiếp cận công nghệ nguồn!? Còn ông, ông có tin vào điều này với một vài doanh nghiệp lớn của Việt Nam hiện nay?

- Tiếp cận với công nghệ nguồn là vô cùng khó, các nước thiết lập hàng rào kỹ thuật đảm bảo lợi ích quốc gia rất ghê gớm. Chúng ta phải tính hết tất cả mọi chuyện, phải có chính sách thật khôn ngoan cho các công ty, phải khuyến khích các công ty tự làm, tự đảm bảo sự cân bằng lợi ích của mình.

Bên cạnh đó, Chính phủ phải luôn ý thức về vai trò của mình trong việc nâng đỡ, hỗ trợ các công ty trong quá trình cạnh tranh quốc tế.

Báo chí thế giới cho rằng để Trung Quốc trở thành một đối trọng với Mỹ về công nghệ, thương mại như hiện nay là sai lầm của Mỹ trong nhiều năm khi Đảng Dân chủ cầm quyền, cụ thể là là do cựu Tổng tống Barack Obama. Ở nhiệm kỳ của Tổng thống Donal Trump, nước Mỹ thực sự thể hiện vị thế siêu cường của mình. Ông có quan điểm gì về vấn đề này?

- Tôi không thích nhận định của báo chí quốc tế. Đấy là một nhận định làm rạn nứt các quan hệ chính trị trong lòng nước Mỹ và làm cho người Mỹ khó chịu.

Giai đoạn trước, sau khi kết thúc chiến tranh lạnh, người Mỹ ở trong thế được giải phóng ra khỏi sự ràng buộc của chiến tranh lạnh và phát triển một cách tự do.

Các Tổng thống thuộc Đảng Dân chủ có điều kiện thuận lợi hơn, chỉ có điều là họ hơi quá đà vào một vài nhiệm kỳ gần đây nên đã mất cảnh giác. Người ta đổ cho Tổng thống Obama, nhưng ông ấy cũng không phải là người có lỗi hoàn toàn về chuyện này. Nói cho cùng, sự "lạc quan tếu", coi nước Mỹ không thể bị ai vượt qua về kinh tế, công nghệ của người Mỹ đã dẫn đến hệ quả này.

Tôi cho rằng, không phải đến thời Tổng thống Obama mới vậy, thời Tổng thống Clinton, thời Tổng thống Bush, người Mỹ đã vậy rồi, cho nên năm 2008 mới có khủng hoảng tài chính.

Hơn nữa, tất cả các nền chính trị lớn bao giờ cũng có quán tính, chừng nào còn chưa lăn hết năng lượng của nó thì người ta chưa thức tỉnh. Tổng thống Donald Trump là ranh giới của sự thức tỉnh của người Mỹ về sự mất cảnh giác trong quá trình toàn cầu hóa.

Có thể khen Tổng thống Trump thông minh nhưng đừng chê Tổng thống Obama và các Tổng thống trước, bởi vì nói cho cùng họ đã tạo ra một nước Mỹ mà cho đến khi xuất hiện cuộc chiến tranh thương mại như thế này người ta mới hiểu hết được về sức mạnh của nó.

Có thể Tổng thống Obama cũng không hiểu hết về sức mạnh của nước Mỹ, cho nên sự khiêm tốn của ông ấy làm cho người ta có cảm giác ông ấy sai.

Tuy nhiên, tôi cho rằng đến Trump, người Mỹ mới thức tỉnh, mới giật mình rằng thế giới không còn là riêng của mình nữa. Nhưng, tình hình cũng không bi quan đến mức nước Mỹ suy thoái hay yếu đi nhanh chóng.

Khi ông Trump "đánh" vào các nền kinh tế của nhiều nước lớn vừa qua mà không ai làm gì được nước Mỹ thì tức là nước Mỹ vẫn mạnh thật. Sức mạnh ấy không phải do Tổng thống Trump tạo ra mà do các Tổng thống tiền nhiệm tạo ra. Nước Mỹ vẫn vĩ đại như cũ, chỉ có điều là phải làm thế nào để giữ cho sự vĩ đại ấy đứng yên.

Nhiều người cho rằng nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump thay đổi mọi quy luật thương mại song và đa phương, họ sẵn sàn rút lui các thỏa thuận, đáp trả thương mại các nước khác để ngăn chặn cường quốc kinh tế mới nổi, ông có đồng tình hay không?

- Tất cả các quốc gia đều dùng các bộ luật quốc tế, Trump cũng không đi ra ngoài chuyện ấy, chỉ có cái là ông ấy phá vỡ các thỏa thuận chứ không phải phá vỡ các luật lệ.

Chiến tranh thương mại là một cuộc chiến tranh rất đúng luật, nhưng nó phá vỡ các thỏa thuận có sẵn. Các dự thỏa thuận có thể được luật hóa hoặc không, cho nên tồn tại một sự nhầm lẫn quốc tế rằng cái gì đã thỏa thuận là thành luật.

Bây giờ ông Trump phá vỡ các thỏa thuận chứ không phá vỡ hệ thống luật lệ. Phá vỡ các thỏa thuận một cách rất đúng luật, đấy chính là sự thông minh của ôngTrump.

Có những người nhắc đến Tổng thống Trump thì hay nói đến bản tính của "một con buôn" vì luôn tìm lợi ích kinh tế cho người Mỹ trong các vấn đề song và đa phương, đây cũng là cách khơi dậy chủ nghĩa dân tộc thần túy, bảo hộ, ông nghĩ sao?

- Chẳng có gì đáng chê, vì mục đích sâu xa của quan hệ thương mại là cho đi và nhận lại, tất cả những cái đấy đều là khen. Tất cả các nhà kinh doanh đều vĩ đại.

Phương pháp luận của một nhà kinh doanh giúp Tổng thống Trump đến gần thực tế kinh tế hơn so với nhiều nhà chính trị khác, làm cho ông ấy tự tin hơn trong các kế sách và tạo ra các bất ngờ có chất lượng khi thương lượng hoặc xung đột thương mại.

Với tư cách là nhà lãnh đạo một quốc gia trong công cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia, thì Trump là một Tổng thống xuất sắc. Ông ấy không chừa bất cứ đối tác nào, ông ấy sẵn sàng phá vỡ các cam kết có sẵn đối với người châu Âu, sẵn sàng phạt các đồng minh của mình như Mexico hay rút chân khỏi TPP khi không thấy lợi ích nước Mỹ, doanh nghiệp Mỹ...

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Dân trí
Cùng chuyên mục
Tin khác