Đường cong Laffer là gì?

Quỳnh Anh - 11/07/2018 17:24 (GMT+7)

(VNF) - Cùng VietnamFinance tìm hiểu đường cong Laffer (Laffer curve) là gì?

VNF
Đường Laffer (Laffer curve) là giả thuyết được biểu thị dưới dạng đồ thị. Ý tưởng cơ bản ở đây là có một thuế suất tối ưu nào đó.

Đường cong Laffer là gì?

Đường cong Laffer (Laffer curve) là giả thuyết được biểu thị dưới dạng đồ thị. Ý tưởng cơ bản ở đây là có một thuế suất tối ưu nào đó. Nếu quy định thuế suất trên mức tối ưu, chính phủ sẽ thu được ít thuế hơn vì mức thuế cao làm giảm động cơ làm việc của người nộp thuế.

Ngược lại, mức thuế thấp hơn khuyến khích người nộp thuế làm việc nhiều hơn và làm tăng nguồn thu từ thuế. Ưu điểm của mức thuế thấp là một trong những lập luận trung tâm của các nhà kinh tế theo trường phái trọng cung.

Tổng số thuế mà chính phủ thu được (T) tăng khi thuế suất (t) tăng, vì T=tY và tổng sản lượng (Y) tăng. Tuy nhiên, khi thuế suất tăng đến một mức nhất định, tổng số thuế mà chính phủ thu được sẽ giảm vì tổng sản lượng (Y) giảm.

(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)

Mặc dù nhà kinh tế học Arthur Laffer không tuyên bố đã nghĩ ra khái niệm đường cong Laffer, nhưng nó đã trở thành phổ biến với các nhà lập chính sách sau buổi gặp gỡ vào buổi trưa của ông với các quan chức chính quyền tổng thống Gerald Ford là Dick Cheney và Donald Rumsfeld năm 1974 mà người ta thông báo rằng ông đã vẽ ra một đường cong trên khăn ăn để minh họa luận cứ của mình.

Thuật ngữ đường cong Laffer được Jude Wanniski – người cũng có mặt trong cuộc gặp này – nghĩ ra. Khái niệm cơ sở không phải là mới; bản thân Laffer cũng nhận thấy các tiền đề trong các tác phẩm của Ibn Khaldun và John Maynard Keynes.

Giải thích đường cong Laffer

Laffer giải thích mô hình theo hai tác động tương tác của việc đánh thuế: một "hiệu ứng số học" và một "hiệu ứng kinh tế".

"Hiệu ứng số học" giả định rằng thu nhập thuế thu được bằng thuế suất nhân với thu nhập có thể đánh thuế (hay cơ sở tính thuế). Ở thuế suất 0%, mô hình giả định rằng sẽ không có thu nhập thuế nào thu được.

"Hiệu ứng kinh tế" giả định rằng tự bản thân thuế suất có ảnh hưởng tới cơ sở tính thuế. Ở mức thuế suất tột cùng 100%, về mặt lý thuyết chính quyền sẽ không thu được thu nhập thuế do những người nộp thuế thay đổi hành vi của họ để phản ứng lại với thuế suất: hoặc là họ không có động lực khích lệ để làm việc hoặc là họ sẽ tìm cách để né tránh các khoản thuế phải nộp.

Vì thế, "hiệu ứng kinh tế" của thuế suất 100% là giảm cơ sở tính thuế xuống bằng 0. Nếu các giả định này là đúng thì một mức thuế suất nào đó nằm trong khoảng từ 0% tới 100% sẽ sinh ra thu nhập thuế cực đại. Các trình bày dưới dạng đồ thị về đường cong này đôi khi đặt mức thuế suất này ở khoảng gần 50%, nhưng thuế suất tối ưu về mặt lý thuyết có thể là bất kỳ mức nào lớn hơn 0% và nhỏ hơn 100%.

Tương tự, đường cong thường được vẽ giống như một đường parabol, nhưng không có lý do gì để cho rằng nó phải đúng như vậy.

Cùng chuyên mục
Tin khác