EVN lỗ 26.700 tỷ trong năm 2023, mỗi ngày phải trả 52 tỷ tiền lãi vay

Nghi Xuân - 04/07/2024 12:05 (GMT+7)

(VNF) - Dù thu về hơn 500.000 tỷ đồng trong năm 2023, nhưng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn báo lỗ sau thuế 26.772 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán năm 2023, EVN đạt doanh thu thuần hơn 500.000 tỷ đồng, tăng 8,1% so với năm trước. Sau khi trừ giá vốn, EVN lãi gộp hơn 13.000 tỷ đồng, tăng 23%.

Mặc dù vậy, doanh thu tài chính giảm gần một nửa còn 4.065 tỷ đồng. Đồng thời, chi phí tài chính tăng hơn 4.000 tỷ đồng lên 22.686 tỷ đồng và các khoản chi phí khác khiến EVN lỗ sau thuế 26.772 tỷ đồng trong năm 2023, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 20.747 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh năm 2023 của EVN.

Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của EVN đạt 648.983 tỷ đồng, giảm hơn 17.000 tỷ so với số đầu năm. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản của doanh nghiệp này (63%) là tài sản cố định, ở mức 408.710 tỷ đồng, giảm 28.000 tỷ đồng. Khoảng phải thu ngắn hạn là 47.740 tỷ đồng.

Lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của EVN trong năm 2023 đạt 81.275 tỷ đồng, giảm hơn 20.200 tỷ đồng so với số đầu năm. Khoản tiền này đã mang về cho EVN hơn 3.200 tỷ đồng tiền lãi, tương đương mỗi ngày nhận gần 9 tỷ đồng.

Nợ vay tài chính của EVN tính đến hết năm 2023 ở mức 311.030 tỷ đồng, giảm hơn 13.000 tỷ so với đầu năm. Trong năm, doanh nghiệp này phải trả 18.982 tỷ đồng tiền lãi vay, tăng 4.500 tỷ so với năm trước. Tính ra, mỗi ngày EVN phải trả 52 tỷ đồng tiền lãi vay.

Vốn chủ sở hữu của EVN tại thời điểm 31/12/2023 đạt mức 196.134 tỷ đồng. Tính đến hết năm ngoái, EVN đã lỗ lũy kế 41.824 tỷ đồng.

Phía EVN cho biết năm 2023 tiếp tục là một năm hết sức khó khăn đối với tập đoàn này và các đơn vị thành viên trong việc cân đối tài chính do giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ tăng cao.

"Mặc dù đã nỗ lực thực hiện các giải pháp trong nội tại của EVN như tiết kiệm chi phí thường xuyên, cắt giảm chi phí sửa chữa lớn; tối ưu hóa dòng tiền; triển khai các giải pháp về tài chính... Tuy nhiên trong bối cảnh chi phí mua điện tăng quá cao, trong khi giá bán lẻ điện chưa được điều chỉnh tương ứng kịp thời nên không bù đắp được chi phí mua điện", đại diện EVN cho biết.

Tại cuộc họp vào đầu năm 2024, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc EVN từng cho biết giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng 2 lần, tuy nhiên không đủ bù đắp được chi phí sản xuất điện do các thông số đầu vào vẫn duy trì ở mức cao nên EVN tiếp tục thua lỗ trong sản xuất kinh doanh điện.

Trước tình hình này, lãnh đạo EVN cho rằng năm 2024 cần có sự điều chỉnh chính sách về giá bán lẻ điện thì mới giải quyết được những khó khăn về tài chính của tập đoàn này.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.