FPT cùng 'đại gia' Đài Loan lập Quỹ đầu tư phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam

Ngọc Lưu - 08/08/2024 17:09 (GMT+7)

(VNF) - Quỹ đầu tư phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam nhằm phát triển nguồn nhân lực, thu hút đầu tư nước ngoài ngành vi mạch bán dẫn.

Ngày 8/8, FCC Partners Inc. (FCCP) - doanh nghiệp tư vấn tài chính tại Đài Loan và FPT đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác (MOU) nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại hóa và phát triển toàn diện trong lĩnh vực công nghệ cao giữa 2 bên.

Theo thỏa thuận hợp tác, 2 bên sẽ phối hợp nghiên cứu thành lập Quỹ đầu tư phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam, nhằm phát triển nguồn nhân lực, thu hút đầu tư nước ngoài ngành vi mạch bán dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp và thúc đẩy đổi mới sáng tạo từ đó góp phần tăng trưởng ngành bán dẫn tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, FCC Partners sẽ giới thiệu các đối tác và khách hàng tiềm năng, hỗ trợ FPT Software Đài Loan phát triển thị trường. Đồng thời, FCC Partners sẽ là cầu nối để tổ chức giáo dục FPT kết nối với các trường đại học tại Đài Loan, mở ra cơ hội hợp tác về giáo dục và đào tạo nhân lực cho cả 2 bên.

Theo lãnh đạo FCC Partners, Đài Loan có thế mạnh lớn về các ngành công nghệ, đặc biệt là vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, việc hợp tác giữa Việt Nam và Đài Loan sẽ đem đến lợi ích lớn cho 2 bên, góp phần nâng cao vị thế của ngành công nghiệp công nghệ cao và bán dẫn của Việt Nam.

Theo ông Trương Gia Bình, thế giới sẽ không thể thiếu chip, vì vậy ngành bán dẫn sẽ không chờ quốc gia nào. Việt Nam, Đài Loan nói chung và FPT hay FCC Partners nói riêng cần nhanh chóng tham gia vào chuỗi bán dẫn toàn cầu.

“Tôi đã gặp nhiều chuyên gia, họ nhận định Việt Nam có rất nhiều lợi thế để tham gia vào ngành công nghiệp này. Tuy nhiên, Việt Nam còn không nhiều thời gian để tận dụng cơ hội. Vì vậy, chúng ta cần có những cách làm đột phá và cần hợp tác với các bên như FCC Partners”, ông Trương Gia Bình nói.

Theo ông Trương Gia Bình, trong các lợi thế của Việt Nam, nguồn nhân lực là một trong những yếu tố cốt lõi, được các đối tác nước ngoài trông chờ nhất. Nếu chuẩn bị tốt nguồn nhân lực, Việt Nam sẽ ngay lập tức nhận được sự tin tưởng của đối tác, xúc tiến thu hút đầu tư, phát triển chuỗi sản xuất và cung ứng bán dẫn.

Ông Trương Gia Bình đề xuất, sau hợp tác này 2 bên sẽ trao đổi để tìm phương án xây dựng phòng nghiên cứu tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM.

Chủ tịch FPT hy vọng FCC Partners sẽ kêu gọi các nhà đầu tư cùng đến Việt Nam để đào tạo nguồn nhân lực nhanh nhất có thể. Sau này, nhân lực Việt Nam có thể làm việc cho FPT hay doanh nghiệp khác, làm ở Việt Nam, Đài Loan, Nhật Bản, Mỹ… hay bất kỳ quốc gia nào.

Về kết quả kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2024, FPT đạt doanh thu 29.338 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 5.198 tỷ đồng, lần lượt tăng 21,4% và 19,8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ (lãi ròng) cũng tăng 22,3% lên 3.672 tỷ đồng, tương ứng EPS ở mức 2.514 đồng/cổ phiếu.

Như vậy tính riêng trong quý II/2024, lợi nhuận trước thuế của FPT đạt 2.664 tỷ đồng, tăng trưởng 20,1% so với cùng kỳ năm trước. Lãi ròng tăng mạnh 24% so với cùng kỳ năm trước lên 1.874 tỷ đồng.

Năm 2024, FPT lên kế hoạch doanh thu đạt 61.850 tỷ đồng (~2,5 tỷ USD) và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng, đều tăng khoảng 18% so với kết quả thực hiện năm 2023. Với kết quả đạt được sau nửa đầu năm, FPT đã thực hiện 47% kế hoạch doanh thu và 48% mục tiêu lợi nhuận đề ra.

Cùng chuyên mục
Tin khác