Tài chính quốc tế

Gánh nặng kinh tế mà Thủ tướng Anh để lại

Sau khi ông Boris Johnson từ chức, những gì ông để lại là một nền kinh tế đình trệ, bị đè nặng bởi lạm phát và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt...

Gánh nặng kinh tế mà Thủ tướng Anh để lại

Gánh nặng kinh tế mà Thủ tướng Anh để lại

Sau khi hơn 50 quan chức nội các từ chức để gây áp lực, ngày 7/7, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đồng ý rút lui. Nhưng theo CNN, danh tiếng của ông vốn bị tổn hại nghiêm trọng do lạm phát gia tăng, nền kinh tế trì trệ, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt khiến hàng triệu người có thể rơi vào đói nghèo trong mùa đông này.

Trên thực tế, mọi nền kinh tế lớn đều đang gánh chịu hậu quả kéo dài của đại dịch đối với chuỗi cung ứng, cú sốc giá năng lượng và lương thực do xung đột Nga - Ukraine. Nhưng Anh bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn cả.

Khủng hoảng giá

Trong tháng 5, lạm phát của Anh đã đạt 9,1%, mức cao nhất trong 40 năm và cao hơn mọi thành viên G7 (nhóm 7 nền công nghiệp tiên tiến). Bất chấp các đợt nâng lãi suất, lạm phát của Anh được dự báo tăng lên 11% vào cuối năm.

Tác động trực tiếp của Brexit - thành tựu đặc biệt của ông Johnson - khiến tình trạng thiếu lao động càng trầm trọng, làm gia tăng chi phí hoạt động của các doanh nghiệp.

Chi phí nhập khẩu cũng tăng cao khi đồng bảng Anh giảm mạnh trong năm nay.

Trong khi đó, giá thực phẩm và nhiên liệu tăng cao đã tạo ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ. Các hộ gia đình thu nhập thấp thậm chí phải lựa chọn giữa ăn uống và sưởi ấm.

Trong tháng 5, lạm phát của Anh đã đạt 9,1%, mức cao nhất trong 40 năm và cao hơn mọi nước tiên tiến khác

 

Chính quyền ông Johnson hứa hỗ trợ 400 bảng (502 USD) cho mỗi gia đình Anh và thu khoản thuế 5 tỷ bảng (6,3 tỷ USD) từ các công ty dầu khí. Nhưng mọi nỗ lực chỉ như muối bỏ bể.

Theo Ngân hàng Trung ương Anh, thu nhập khả dụng của các hộ gia đình Anh đang giảm mạnh do chi phí năng lượng và thực phẩm tăng cao. Đáng nói, đà tăng của giá cả vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Khi mức giá trần được sửa đổi, hóa đơn năng lượng trung bình hàng năm của một hộ gia đình ở Anh có thể tăng khoảng 50% lên 3.000 bảng (3.600 USD) vào mùa đông này. Vào tháng 4, các cơ quan quản lý đã nâng giá trần tới 54%.

Tình hình sẽ xấu đi

Theo báo cáo được tổ chức Resolution Foundation (Anh) công bố hôm 4/7, rất nhiều gia đình tại Anh đang sống chật vật vì giá cả tăng cao, thu nhập thấp và khoản tiền tiết kiệm ít ỏi. Họ cũng không nhận được nhiều hỗ trợ từ chính quyền địa phương.

Theo ước tính của nhóm nghiên cứu, sau khi điều chỉnh theo lạm phát, thu nhập khả dụng của một hộ gia đình điển hình tại Anh chỉ tăng 0,7%/năm trong vòng 15 năm trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Mức sống của 20% dân số nghèo nhất cũng không mấy cải thiện sau gần 20 năm.

"Điều này cần được thay đổi trong thập kỷ tới, nhất là việc thu nhập của các hộ gia đình nghèo ở Anh không hề đi lên trong 20 năm qua", ông Adam Corlett - nhà kinh tế tại Resolution Foundation - nhấn mạnh.

Trên khắp thế giới, đà phục hồi kinh tế đang trật bánh. Nhưng Anh thậm chí còn đối mặt với nguy cơ suy thoái. Nền kinh tế thứ 5 thế giới bắt đầu suy yếu vào tháng 3.

Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia, đà giảm đã tăng tốc vào tháng 4. GDP ước giảm 0,3%. Cả 3 lĩnh vực chính của nền kinh tế - dịch vụ, chế tạo và xây dựng - đều lao dốc. Trong tháng 5, doanh số bán lẻ ghi nhận tháng giảm thứ 2 liên tiếp.

Tình hình sẽ còn tồi tệ hơn. Trong một báo cáo được công bố hồi đầu tuần, Ngân hàng Trung ương Anh cảnh báo rằng triển vọng của nền kinh tế đã xấu đi.

Tháng trước, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế dự báo nền kinh tế Anh đang sắp rơi vào tình trạng đình đốn. Tổ chức này dự báo tăng trưởng GDP sẽ là 0% trong năm 2023, mức thấp nhất trong G7.

Tăng trưởng yếu là tin xấu đối với nợ công, vốn đã lên tới hơn 90% GDP do các biện pháp hỗ trợ nhằm giúp doanh nghiệp và hộ gia đình đối phó với đại dịch và khủng hoảng năng lượng.

Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách - cơ quan giám sát tài khóa của chính phủ Anh - dự báo nợ công sẽ vượt 250% GDP trong dài hạn.

Tin mới lên