Tài chính quốc tế

Giá khí đốt tăng phi mã, ‘ông lớn’ năng lượng Nga ghi nhận lợi nhuận kỷ lục

(VNF) - Tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom ngày 29/11 công bố mức lợi nhuận ròng kỷ lục lên tới 581,8 tỷ ruble (7,8 tỷ USD) trong quý III nhờ giá khí đốt tăng phi mã trong những tháng qua.

Giá khí đốt tăng phi mã, ‘ông lớn’ năng lượng Nga ghi nhận lợi nhuận kỷ lục

Gazprom ngày 29/11 công bố mức lợi nhuận ròng kỷ lục lên tới 581,8 tỷ ruble (7,8 tỷ USD) trong quý III.

Kỷ lục trước đó được ghi nhận vào quý I/2019 khi Gazprom đạt lợi nhuận gần 536 tỷ ruble (7,15 tỷ USD).

Cũng trong quý III, “ông lớn” năng lượng Nga ghi nhận doanh thu tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái 2.400 tỷ ruble (31,9 tỷ USD).

Theo Phó giám đốc điều hành Gazprom Famil Sadygov, giá khí đốt trung bình của họ ở châu Âu và các khu vực khác trong quý III đã tăng gấp đôi từ mức 117,2 USD/1.000m3 hồi cùng kỳ năm 2020 lên 313,40 USD/1.000m3.

Ông Sadygov dự đoán rằng trong quý IV, giá khí đốt xuất sang châu Âu sẽ tiếp tục tăng, mang lại kết quả kinh doanh khởi sắc cho Gazprom trong cả năm 2021.

Đối diện án phạt ‘khủng’ từ EU

Hãng tin Đức Bild mới đây cho biết Ủy ban châu Âu (EC) dự định sẽ bắt đầu một cuộc điều tra chống độc quyền để tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt khí đốt cũng như việc giá cả tăng mạnh trên sàn giao dịch giao ngay.

Trong trường hợp bị buộc tội có liên quan đến tình trạng trên, Gazprom dự báo sẽ bị phạt với số tiền bằng 10% doanh thu hàng năm, tương đương với một con số khổng lồ vào khoảng 80 tỷ Euro (90 tỷ USD).

Nhà báo Thomas Reper của Bild cho rằng trong trường hợp EC tung ra án phạt thì chưa chắc Gazprom sẽ chấp nhận trả khoản tiền này, thậm chí cắt mọi nguồn cung cấp khí đốt tới châu Âu.

Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu vào năm 2021 cực kỳ biến động, đặc biệt là do sự không chắc chắn về khối lượng và tính thường xuyên của nguồn cung từ Nga.

Nga có khả năng sản xuất nhiều khí đốt tự nhiên hơn đáng kể so với sản lượng hiện nay, nhưng theo Tổng thống Vladimir Putin, nước này chưa sẵn sàng đầu tư hàng tỷ USD vào việc mở rộng sản xuất và nâng công suất cho đến khi các bên mua của EU sẵn sàng ký hợp đồng dài hạn hơn.

Xem thêm >> Đức ngăn Mỹ trừng phạt Dòng chảy phương Bắc 2

Tin mới lên