(VNF) - Sau những thành công trong lĩnh vực bất động sản, ô tô, điện thoại... Tập đoàn Vingroup chính thức mở rộng kinh doanh“bầu trời” với sự ra mắt của Hãng hàng không Vinpearl Air. Tham vọng Vinpearl Air lộ diện rõ hơn khi xuất hiện tân “thuyền trưởng” Phan Xuân Đức – người từng là Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines về làm Tổng giám đốc Vinpearl Air.
Ông Phan Xuân Đức là ai?
Theo hồ sơ VietnamFinance có được Tân Tổng Giám đốc Vinpearl Air Phan Xuân Đức sinh năm 1957 là một cơ trưởng lão luyện của ngành hàng không Việt Nam, với hơn 30 năm kinh nghiệm.
Tại Vietnam Airlines, ông Đức đảm nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc kể từ năm 2008 cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2017. Trên cương vị này, ông Đức từng là người chịu trách nhiệm quản lý và giám sát khai thác bay. Bên cạnh đó, ông còn là Chủ tịch HĐQT CTCP Đào tạo Bay Việt.
Tân Tổng giám đốc Vinpearl Air Phan Xuân Đức
Hiện tại, ông Phan Xuân Đức đã được Tập đoàn Vingroup mời về xây dựng hãng hàng không Vinpearl Air đang trong quá trình xin giấy phép của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Với những kinh nghiệm phong phú, ông Phan Xuân Đức được kỳ vọng sẽ giúp Vinpearl Air đạt được những bước tiến nhanh chóng trong lĩnh vực hàng không.
Khốc liệt cuộc đua nhân lực
Tính đến thời điểm hiện tại, có 5 hãng hàng không đang hoạt động của Việt Nam gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, VASCO, VietJet và mới đây nhất là Bamboo Airways.
Dù chưa phải là nhiều, nhưng sự cạnh tranh thu hút nhân lực quản lý hàng không, phi công đã diễn ra khá nóng. Câu chuyện này từng diễn ra vào năm 2014 khi hàng loạt phi công của Vietnam Airlines đã “nhảy việc” sang Vietjet vì “chê” lương Hãng hàng không quốc gia thấp.
Hiện tại, việc chảy máu nhân lực ngành hàng không vẫn là những cơn sóng ngầm.
Theo ghi nhận của VietnamFinance, một số hãng hàng không mới đã bắt đầu chào thu nhập cao "gấp đôi gấp ba" cho các vị trí chuyên viên cấp quản lý của Vietnam Airlines để chuẩn bị về nhân sự.
Nhiều khả năng ông Phan Xuân Đức sẽ không phải là nhân sự "gốc" Vietnam Airlines duy nhất cập bến Vinpearl Air.
Còn tại Bamboo Airways, một Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines khác là ông Nguyễn Ngọc Trọng cũng đã về nắm giữ chức Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways. Tuy không tiết lộ mức lương được nhận, nhưng chắc chắn con số này không hề nhỏ.
Với sự xuất hiện của “tay chơi mới” từ Vingroup dự báo cuộc đua "săn đầu người" trong lĩnh vực hàng không đã nóng càng thêm nóng.
Vinpearl Air chinh phục “bầu trời” thế nào?
Hiện tại, Hãng hàng không Vinpearl Air của tỷ phú Phạm Nhật Vượng là một ẩn số đang được nhiều người quan tâm nhất. Ví dụ như Vinpearl Air kinh doanh trong phân khúc nào? Hoạt động ra sao?...
Trong một động thái mới nhất, Vinpearl Air vừa có văn bản đề xuất gửi tới Bộ Giao thông vận tải (GTVT), cho phép chọn sân bay Nội Bài làm sân bay căn cứ. Gần như ngay lập tức, Cục hàng không Việt Nam đã “gật đầu” vì cho rằng, hiện Nội Bài ‘dư’ điểm đỗ đáp ứng.
Trái ngược với Vinpearl Air là hoàn cảnh của Vietstar Airlines, hãng này dù đã được thành lập gần chục năm nay nhưng vẫn phải chờ xây dựng nhà ga T3, Tân Sơn Nhất vì lý do Tân Sơn Nhất quá tải.
Thực tế, Vietstar Airlines đã buộc phải thay đổi chiến lược và chỉ đặt mục tiêu 5 chiếc máy bay giai đoạn 2020 - 2022. Hiện Vietstar Airlines đang có 2 hangar sửa chữa máy bay tại Tân Sơn Nhất, sẵn sàng làm chỗ đỗ cho 5 chiếc máy bay trên. Thế nhưng, hãng hàng không này vẫn chưa được cấp phép bay.
Nhận định về lợi thế cạnh tranh hàng không, rõ ràng Vinpearl Air là một đối thủ đáng gườm khi hãng này có thể khai thác theo hướng combo bay - nghỉ dưỡng, lặp lại theo cách mà Bamboo Airways đang làm.
Nhưng nên nhớ, các khu nghỉ dưỡng của Tập đoàn Vingruop luôn có số lượng khách rất đông, trải dài trên cả nước. Nếu giá vé tích hợp bay, nghỉ dưỡng, thăm quan… sẽ là điều vô cũng hấp dẫn khách hàng.
Dù Vinpearl Air đang là ẩn số nhưng những bước “chạy đà” của hãng hàng không này được các "đối thủ" theo dõi sát sao. Đặc biệt là thương hiệu của Tập đoàn Vingruop và tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã được khẳng định trong nhiều lĩnh vực. Theo dự đoán, Vinpearl Air sẽ đặt mục tiêu hãng hàng không 4 sao và tiến tới 5 sao trong tương lai không xa.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone