Giải ngân vốn đầu tư công ì ạch: Vì sao không kỷ luật, xử lý được ai?

Luân Dũng - 06/07/2020 07:06 (GMT+7)

“Trách nhiệm ở từng khâu không rõ nên không thể quy trách nhiệm, không thể phê bình kỷ luật được ai cả”, đại biểu Quốc hội Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội trò chuyện với Tiền Phong.

VNF
Nên chọn mặt gửi vàng, rót vốn đầu tư công theo năng lực thực sự

Rườm rà, không rõ, khó quy trách nhiệm

Theo kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 gần 700.000 tỷ đồng, song đến nay mới chỉ giải ngân được hơn 33%. Cá biệt còn 10 bộ, cơ quan trung ương có mức giải ngân dưới 5%. Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến “điệp khúc” giải ngân vốn đầu tư công chậm?

Nguyên nhân có nhiều, nhưng có lẽ chỉ tập trung vào một số vấn đề nổi cộm đã tồn tại từ rất lâu nay. Trước tiên phải kể đến khâu thủ tục phê duyệt đầu tư rườm rà. Dự án nhóm B, C đã vậy, đặc biệt với các dự án thuộc nhóm A còn phức tạp hơn nhiều. Dự án quy mô càng lớn, thủ tục càng rườm rà, phức tạp, vì liên quan vấn đề thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư với nhiều cấp khác nhau. Qua đó thời gian trình, thời gian đợi sẽ kéo dài.

Trong khi thủ tục rườm rà, thời gian quyết định ở từng khâu, từng cấp có thẩm quyền lại không rõ ràng. Lẽ thường, với những dự án lớn, khi trình sau một thời gian bao nhiêu ngày phải được quyết, tuy nhiên trên thực tế có những dự án kéo dài nhiều tháng mới quyết được. Thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư chưa được quy định theo một quy chuẩn về tiến độ và thời hạn quyết định của từng cấp, dẫn đến lòng vòng và kéo dài.

Chính vì không rõ nên không thể quy được trách nhiệm cho ai, cũng không biết chậm ở khâu nào. Một dự án lớn phải trình rất nhiều khâu… Cuối cùng, không biết chậm do đâu. Ông cấp thấp trình chậm, ông thủ trưởng chậm, cấp nào chậm, hay tất cả đều chậm? Trách nhiệm ở từng khâu không rõ nên không thể quy trách nhiệm để kéo dài thuộc về ai, không thể phê bình kỷ luật được ai cả.

Vậy theo ông cần giải pháp gì để khắc phục được điểm nghẽn nãy?

Có thể chúng ta phải quản lý cán bộ theo một chuẩn mực nào đó. Chẳng hạn, nếu ông không đạt tiến độ, phải xem xét phê bình, chấm điểm thấp, rồi trừ lương và xếp loại thấp. Như với doanh nghiệp, họ quản trị gắn với hiệu quả chất lượng từng công việc cụ thể, như vậy công việc sẽ trôi chảy. Nếu quy trình quản lý nhà nước của chúng ta vẫn cứ như thế thì tình trạng trên vẫn là một câu chuyện muôn thủa, không thể xử lý được.

Hiệu quả quản lý, hiệu quả công việc của cán bộ, công chức ở khâu này không rõ. Tôi rất mong từ khi Luật Cán bộ công chức sửa đổi có hiệu lực từ 1/7, các bộ, ngành sẽ xây dựng được quy trình quản lý gắn với vị trí việc làm và hiệu quả công việc của từng người. Như vậy mới rõ người, rõ việc, còn cứ như bây giờ cũng chỉ hòa cả làng hết.

Thủ tục, chế tài đã vậy, hàng loạt dự án đang “chết đứng” vì chậm giải phóng mặt bằng,

thưa ông?

Bên cạnh khâu thủ tục, chế tài và trách nhiệm, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án vẫn là một vấn đề cực kỳ nan giải. Càng dự án lớn, tiến độ giải phóng mặt bằng càng chậm, càng kéo dài. Ngay với dự án nhóm C cũng chậm chứ chưa kể dự án lớn thuộc nhóm B, nhóm A.

Tất nhiên, ở đây cũng có cái khó khi vốn đầu tư bố trí cho giải phóng mặt bằng, xây dựng chưa được minh bạch. Đôi khi dự án được quyết định rồi, người ta mới bắt tay vào giải phóng mặt bằng. Có dự án chỉ dự kiến kéo dài trong 3 năm, nhưng có thể phải mất hơn 1 năm, thậm chỉ mất nửa thời gian cho việc giải phóng mặt bằng. Đương nhiên, điều này sẽ ảnh hưởng đến thời gian thi công, giải ngân vốn cho dự án.

“Thay vì chuyển nguồn, từ giờ tôi sẽ “chọn mặt gửi vàng”, cấp tiền theo đúng năng lực. Muốn 10 đồng nhưng thực tế địa phương chỉ làm được 7, tôi chỉ cấp cho 7 đồng thôi. Rồi năm sau địa phương này cũng chỉ được cấp 7 đồng, không hơn. Dự án như thế, nhưng khả năng của họ chỉ làm được như vậy, dứt khoát sẽ kéo dài, không có cách gì để giải ngân nhanh được”.
 Ông Đinh Văn Nhã

Nếu như việc giải phóng mặt bằng được triển khai trước một bước sẽ tốt hơn. Tức là khi đã có quyết định đầu tư, đấu thầu xong người ta bắt tay vào triển khai luôn. Tuy nhiên thực tế hiện nay giải phóng mặt bằng vẫn là khâu yếu mà chưa có lời giải nào. Kể cả Luật Đầu tư công mới có hiệu lực cũng chỉ xử lý được một phần đối với các dự án lớn nhóm A, được ứng vốn trước để triển khai, còn các dự án nhóm B, C chưa xử lý được.

Gần đây một số ý kiến cho rằng có biểu hiện “thu mình” trước đại hội, sợ trách nhiệm, sợ làm, sợ sai?

Đó cũng là một vấn đề. Bây giờ quy định rất rõ, quyết định đầu tư dự án phải rõ nguồn vốn và cân đối được nguồn. Thực tế rất nhiều dự án có phần đối ứng của địa phương, nhưng khâu này lại không được rõ lắm, nên đôi khi cũng gây chậm, kéo dài. Nhưng việc dự án kéo dài cũng chỉ xã hội thiệt chứ chả ai sao cả.

Tất nhiên ở đây cũng có nguyên nhân từ khả năng dám quyết, dám làm của người có thẩm quyền. Do quản lý, kỷ cương, kỷ luật trong đầu tư công siết lại nên cũng dẫn đến tình trạng sợ trách nhiệm. Nguyên nhân này cũng có một phần, nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn nằm ở khâu thủ tục, quy trình xử lý công việc, trách nhiệm không được khoa học, rồi khâu giải phóng mặt bằng chậm như vừa nêu.

“Chọn mặt gửi vàng”

Ông thấy sao khi nhiều dự án lớn, chẳng hạn như sân bay Long Thành, nhà nước làm vài năm chưa xong khâu giải phóng mặt bằng, trong khi đó, cũng chỉ từng ấy thời gian, tư nhân đã làm xong được sân bay Vân Đồn?

Sân bay Long Thành rồi hàng loạt các dự án trên đường cao tốc Bắc - Nam, hiện giải phóng mặt bằng mới được khoảng 60 - 70%. Một số địa phương còn chưa có chuyển biến gì. Mặc dù theo quy định đến thời điểm này phải thi công gần xong rồi, để đến năm 2021 phải xong. Nhưng đến bây giờ, đã qua nửa năm 2020 rồi vẫn chưa làm xong khâu giải phóng mặt bằng. Điều này làm dự án chậm tiến độ, kéo dài.

Chính phủ đã nhiều lần đốc thúc, nhưng tình trạng ì ạch trong giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa được khắc phục. Theo ông, phải có giải pháp nào đủ mạnh khắc phục triệt để, hoặc hạn chế tối đa tình trạng này?

Luật Đầu tư công mới đã có những giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, luật mới chỉ có hiệu lực được 6 tháng, nhưng đã mất 4 tháng đầu năm tê liệt do dịch bệnh COVID-19. Cho nên hiệu ứng của Luật Đầu tư công mới tác động như thế nào đến việc giải ngân chưa rõ lắm. Phần lớn vốn đầu tư giải ngân từ đầu năm đến nay là nguồn vốn của năm 2019. Còn năm 2020 mới chỉ phân bổ chi tiết đến các dự án thôi chứ chưa giải ngân. Đến hết năm nay chúng ta mới có thể đánh giá lại tất cả những quy định mới của luật đi vào cuộc sống ra sao, lúc đó mới rõ.

Cá nhân tôi cũng rất kỳ vọng Luật Đầu tư công mới sẽ xử lý được tốt hơn, quy trình gọn hơn, rõ hơn. Hiện tất cả vốn đầu tư đang thụ hưởng bởi quy định của Luật Đầu tư công cũ. Trong đó quy định thời gian chuyển nguồn 2 năm. Nghĩa là, vốn của năm 2019 được sử dụng cho đến hết năm 2020. Nhưng với luật mới, vốn của năm 2020 chỉ được sử dụng đến đầu năm sau. Tức thời hạn chỉ gói gọn trong vòng 1 năm, thay vì 2 năm như trước kia.

Thời gian sử dụng sẽ phải thu hẹp lại, thậm chí không cho chuyển nguồn nữa. Ví dụ, năm nay cấp cho 10 đồng, nhưng chỉ giải ngân được 7 đồng. Lúc đó có muốn chuyển nguồn 3 đồng còn lại sang năm sau cũng không cho. 3 đồng còn lại tính vào dự toán và sẽ khấu trừ vào năm sau. Không có chuyện chuyển nguồn 3 đồng đó, rồi lại được rót thêm 10 đồng như năm trước.

Chúng ta không thể cứ cấp tiền mà không căn cứ vào năng lực của người sử dụng tiền. Thay vì chuyển nguồn, từ giờ tôi sẽ “chọn mặt gửi vàng”, cấp tiền theo đúng năng lực, làm được từng nào sẽ cấp tiền từng đó.

Chúng ta phải đi theo thông lệ quốc tế, họ làm gì có chuyển nguồn, nhất là vốn đầu tư. Họ phân bổ vốn rất khoa học, căn cứ vào năng lực sử dụng tiền giải ngân của từng đối tượng, từng nhà thầu, từng cơ quan chủ đầu tư để cấp tiền. Đây là một trong những kinh nghiệm mà các tổ chức quốc tế hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ quan của Việt Nam. Mình cứ dự toán vống lên rồi không giải ngân hết. Họ chỉ cho mình năm đầu, nếu giải ngân được 70%, năm sau họ chỉ cho đúng 70%. Như thế thì lo gì chuyện chuyển nguồn và tới đây chúng ta cũng phải tiếp cận theo hướng đó.

Theo TPO
Cùng chuyên mục
Tin khác