Giao thông tuần qua: Kéo dài đường sắt Cát Linh - Hà Đông thêm 20km, cao tốc Bắc - Nam 'hút' doanh nghiệp nội

Chí Bình - 27/10/2019 08:56 (GMT+7)

(VNF) - Chính phủ phê duyệt quy hoạch kéo dài tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông về phía Xuân Mai với chiều dài khoảng 20km; đã có 30 nhà đầu tư trong nước mua hồ sơ dự thầu cao tốc Bắc - Nam phía Đông... là những thông tin về giao thông được dư luận quan tâm trong tuần qua.

VNF
Sẽ kéo dài đường sắt Cát Linh - Hà Đông thêm 20km về phía Xuân Mai

Khởi công 3 dự án giao thông cấp bách vào cuối tháng 10

Vụ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa cho biết, hiện Bộ GTVT đã phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư và đã được giao kế hoạch đầu tư trung hạn cho 14 dự án giao thông quan trọng cấp bách được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 556 ngày 31/7/2018.

Trong đó, 8 dự án đã phê duyệt dự án đầu tư, dự án đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã cơ bản thanh toán hết vốn kế hoạch 2019 được giao, 7 dự án còn lại đang triển khai công tác khảo sát thiết kế bản vẽ thi công, đấu thầu để khởi công xây dựng.

Đại diện Vụ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đối với các dự án cải tạo tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp , QL57, QL30 dự kiến khởi công vào cuối tháng 10/2019, còn lại các dự án cải tạo QL3B, QL53 sẽ khởi công vào cuối năm 2019.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, trong 3 dự án khởi công vào cuối tháng 10/2019, dự án cải tạo tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp qua địa bàn các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau có tổng mức đầu tư 900 tỷ đồng.

Dự án cải tạo, nâng cấp hơn 39km QL57 đoạn từ bến phà Đình Khao đến thị trấn Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long (đã duyệt điều chỉnh dự án).

Dự án cải tạo nâng cấp QL30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp có tổng mức đầu tư 800 tỷ đồng. (Xem thêm)

Sẽ kéo dài đường sắt Cát Linh - Hà Đông thêm 20km về phía Xuân Mai?

Bộ GTVT có báo cáo về việc thực hiện chính sách phát triển GTVT đường sắt và việc sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho GTVT đường sắt gửi đến Quốc hội.

Tại báo cáo này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết tại Hà Nội, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ GTVT thực hiện đầu tư tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) giai đoạn 1, tuyến 2A (Cát Linh - Hà Đông), chỉ đạo UBND TP. Hà Nội thực hiện đầu tư 2 tuyến (tuyến số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội và tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo).

"Dự kiến tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã cơ bản hoàn thành, tuy nhiên do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan nên đến nay dự án chưa được đưa vào khai thác", báo cáo cho hay.

Một nội dung đáng chú ý trong báo cáo gửi Quốc hội lần này là định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt. Cụ thể, dự kiến Hà Nội sẽ xây dựng 8 tuyến đường sắt đô thị khu vực trung tâm với chiều dài 305 km; nghiên cứu xây dựng kéo dài các tuyến để kết nối với các đô thị vệ tinh; đồng thời quy hoạch một số tuyến tàu điện một ray nhằm hỗ trợ và khai thác tốt hơn cho toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị.

Đặc biệt, theo quy hoạch này, tuyến đường sắt số 2A (Cát Linh – Hà Đông) sẽ được kéo dài từ Hà Đông đến Xuân Mai với chiều dài khoảng 20km, theo hướng Quốc lộ 6; tuyến số 3 từ Nhổn đi đô thị vệ tinh Sơn Tây kéo dài theo hướng Quốc lộ 32 với chiều dài khoảng 30km. (Xem thêm)

Bộ GTVT công bố nguyên nhân đường tránh Chư Sê chưa nghiệm thu đã sụt lún

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Gia Lai về kết quả giám định nguyên nhân sự cố công trình đoạn Km10+200 - Km10+350 thuộc dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê, tỉnh Gia Lai.

Theo đó, nguyên nhân dẫn đến sự cố sụt lún tại dự án chủ yếu là do 2 lớp đất yếu (trạng thái dẻo mềm đến dẻo chảy) nằm phía dưới lớp vỏ cứng, phân bổ rộng khắp khu vực xảy ra sự cố và xuất hiện nước ngầm, chưa phát hiện được để xử lý triệt để trong quá trình chuẩn bị và thực hiện dự án, gây mất ổn định công trình.

"Ngoài nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan là trong quá trình triển khai dự án Ban Quản lý dự án 6, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công khi nghiên cứu thiết kế bản vẽ thi công, chưa lường trước, chưa đưa ra các dự báo... để đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết tại khu vực có điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn phức tạp", văn bản của Bộ GTVT nêu rõ.

Trước vấn đề này, Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án 6 chỉ đạo tư vấn thiết kế và các đơn vị có liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp xử lý phù hợp, đảm bảo kinh tế, kỹ thuật, ổn định công trình lâu dài. (Xem thêm)

Đã có 30 nhà đầu tư trong nước mua hồ sơ cao tốc Bắc - Nam

Trao đổi với VietnamFinance, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết hện đã có 30 nhà đầu tư trong nước mua hồ sơ dự thầu cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Bộ GTVT kỳ vọng sẽ có khoảng 50-60 nhà thầu tham gia đấu thầu tại 8 dự án cao tốc đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.

Người đứng đầu Bộ GTVT cho biết thêm đối với 3 dự án đầu tư công, Bộ đang triển khai đấu thầu tổ chức thi công, hoàn thành trong năm nay, sang năm 2020 chỉ thực hiện xây lắp.

Cụ thể, dự án Cam Lộ - La Sơn đã khởi công xây dựng 2 gói thầu vào tháng 9/2019. Bên cạnh đó, 9 gói thầu còn lại đang chuẩn bị đấu thầu, dự kiến triển khai thi công trong quý IV năm nay.

Tại dự án cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn đang tổ chức đấu thầu gói thầu đầu tiên để có thể khởi công khoảng tháng 10/2019.

Đối với dự án cầu Mỹ Thuận 2 cũng đang hoàn thiện hồ sơ mời thầu, dự kiến tổ chức đấu thầu từ tháng 10/2019 và khởi công xây dựng phần đường dẫn, cầu dẫn dịp cuối năm. (Xem thêm)

Nhiều 'ông lớn' muốn làm cao tốc Bắc - Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm

Ông Vũ Anh Tuấn, Trường phòng Kế hoạch tổng hợp (Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh) vừa cho biết dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm đã tiến hành mở bán hồ sơ từ ngày 16/10. Đến nay, ban quản lý dự án đã bán được 10 bộ hồ sơ sơ tuyển nhà đầu tư đối với dự án này.

Đại diện Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh tiết lộ trong số 10 nhà đầu tư mua hồ sơ sơ tuyển dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm có nhiều doanh nghiệp giao thông lớn trong nước như Tập đoàn CIENCO4, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng giao thông Phương Thành, Tập đoàn Sơn Hải, Vinaconex…

Theo kế hoach, thời gian bán hồ sơ mời sơ tuyển nhà đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm sẽ kết thúc vào ngày 15/11/2019. Từ nay đến ngày kết thúc, ban quản lý dự án dự đoán số lượng nhà đầu tư quan tâm tới dự án này sẽ còn tăng thêm. (Xem thêm)

Cao tốc vạn tỷ TP. HCM - Mộc Bài sẽ khánh thành vào năm 2025?

Ngày 26/10, tại TP. HCM, Bộ GTVT phối hợp với UBND TP. HCM và UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị ký kết kế hoạch phối hợp triển khai dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.

Theo kế hoạch, cuối năm 2019, lãnh đạo TP. HCM và Tây Ninh sẽ tham mưu HĐND; tháng 9/2020 phê duyệt dự án tiền khả thi; năm 2021 bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư; tháng 3/2021, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; từ năm 2021 - 2025 tập trung triển khai dự án; năm 2025 khánh thành, đưa vào hoàn động.

Dự án đường cao tốc TP. HCM - Mộc Bài sẽ được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư với tổng mức đầu tư dự án khoảng 10.694 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 5.669 tỷ đồng; nguồn vốn đầu tư của nhà nước tham gia trong dự án khoảng 5.025 tỷ đồng (vay ODA là 4.853 tỷ đồng và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước là 172 tỷ đồng). (Xem thêm)

Cùng chuyên mục
Tin khác