Giao thông tuần qua: Quảng Trị muốn xây cao tốc 7.700 tỷ, đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành vào quý III

Chí Bình - 12/06/2021 15:38 (GMT+7)

(VNF) - Đại diện UBND TP. Hà Nội dự kiến sẽ khai thác thương mại đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào quý III năm nay; Quảng Trị đề xuất xây cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo 7.700 tỷ, dài 70km... là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

VNF
Khai thác thương mại đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào quý III/2021.

Hàng không chuyên chở hàng hoá: Cuộc đua sẽ có ai?

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, hiện tại, một số hãng hàng không Việt cũng đang nhắm đến thị trường vận tải hàng hoá hàng không (air cargo), vì thế, nếu được phê duyệt, IPP Air Cargo của “ông trùm hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn cũng không thể “độc chiếm” thị trường màu mỡ này.

Theo Cục hàng không Việt Nam, do Việt Nam chưa có hãng hàng không chuyên chở hàng hoá chuyên nghiệp nên các hãng đang tận dụng máy bay chở khách để chở hàng hoá. Vì thế, 80% thị phần vận tải hàng hoá hàng không Việt đang do các hãng hàng không nước ngoài thực hiện.

Hiện tại, Vietjet cũng là một cái tên đáng chú ý trong việc chạy đua vận tải hàng hoá hàng không. Theo nguồn tin riêng của VietnamFinance, hãng này cũng đang “chạy đua” tuyển phi công và đặt lộ trình mua một số máy bay (có thể là Airbus A – 330) để thực hiện mục tiêu cargo.

Một hãng hàng không khác cũng sẵn sàng cho lộ trình bay chuyên chở hàng hoá là Bamboo Airways. Lãnh đạo hãng này bật mí “chúng tôi đang nghiên cứu và sẽ có chiến lược thực hiện sớm với trị trường tiềm năng này”.

Đối với Vietnam Airlines, dù là hãng hàng không số 1 tại Việt Nam, nhưng hãng này vẫn chưa có động thái trong việc tham gia lĩnh vực nói trên, cho dù hãng hàng không quốc gia đang nắm lợi thế hàng đầu khi có mạng bay rộng khắp tại thị trường nội địa và quốc tế. Được biết Vietnam Airlines là đơn vị đang nghiên cứu thành lập Trung tâm Logistics hàng không. Tuy nhiên, để thực hiện bay cargo thì hãng chưa tính đến. (Xem thêm)

"Phấn đấu hoàn thành tuyến vành đai 3, 4 TP. HCM trong giai đoạn 2021-2025"

Văn phòng Chính phủ có thông báo số 149/TB-VPCP về kết luận của Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại cuộc họp ngày 14/5 vừa qua về triển khai các dự án thành phần trên tuyến vành đai 3, vành đai 4 TP. HCM.

Theo thông báo trên, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ giao cho Bộ Giao thông Vận tải thực hiện chức năng điều phối tổ chức triển khai thực hiện các dự án trên toàn tuyến vành đai 3, vành đai 4 TP. HCM; phấn đấu hoàn thành 2 tuyến trên trong giai đoạn 2021-2025.

Đường vành đai 3, vành đai 4 TP. HCM là các tuyến vành đai cao tốc đô thị, kết nối các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; liên kết, phát huy hiệu quả các tuyến đường bộ cao tốc và quốc lộ hướng tâm, góp phần giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô TP. HCM và thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực.

Mặc dù có vai trò rất quan trọng, nhưng việc tổ chức triển khai thực hiện rất chậm, không tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, đặc biệt là TP. HCM.

Đến nay, tuyến Vành đai 3 mới chỉ hoàn thành 16,3km/89km; tuyến vành đai 4 hoàn thành 11km/197,6km. Việc chậm triển khai đã dẫn đến chi phí giải phóng mặt bằng tăng nhiều lần, làm tăng chi phí đầu tư, gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương và khu vực... (Xem thêm)

Khai thác thương mại đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào quý III/2021

Sau khi lỡ hẹn lần thứ 11 vào dịp 30/4, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vừa có kế hoạch khai thác vào quý III/2021. Để chuẩn bị cho vận hành khai thác thương mại, UBND TP. Hà Nội vừa phê duyệt phương án vé đi tàu.

Sau lần lỡ hẹn khai thác thương mại cuối tháng 4/2021 theo tiến độ được Bộ trưởng Bộ GTVT đưa ra (lỡ hẹn lần thứ 11), thời gian này người dân Hà Nội rất ít thấy các đoàn tàu chạy kỹ thuật như trước đây.

Dọc các ga tàu từ ngã tư Sở đến Hà Đông cũng không thấy ga nào mở cửa, nhân viên vận hành cũng không còn thấy ra vào, lên xuống các ga như mấy tháng trước. Toàn bộ dự án chìm trong im lìm, vắng lặng.

Để giúp dự án sớm hoàn thiện các vấn đề còn tồn tại, đồng thời tạo thuận lợi trong việc bàn giao dự án cho thành phố Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định thành lập Hội đồng kiểm tra nhà nước về nghiệm thu công trình xây dựng (Hội đồng KTNN) dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Đại diện UBND TP. Hà Nội vừa cho biết, hiện dự án đã được Hội đồng KTNN có ý kiến về công tác nghiệm thu. Sau khi có ý kiến trên, Bộ GTVT đang triển khai công tác bàn giao cho UBND TP. Hà Nội theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện nay, Bộ GTVT đang chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường sắt phối hợp với các đơn vị liên quan để hoàn tất các thủ tục về công tác đánh giá an toàn hệ thống để đưa dự án vào vận hành khai thác.

Đề cập đến tiến độ đưa dự án vào khai thác, sử dụng, đại diện UBND TP. Hà Nội cho biết, dự kiến vào quý III năm nay. (Xem thêm)

Quảng Trị đề xuất xây cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo 7.700 tỷ, dài 70km

UBND tỉnh Quảng Trị vừa trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải xem xét, chấp thuận bổ sung vào đề án xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021- 2025 và định hướng đến năm 2030 để triển khai đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Theo đề xuất của tỉnh Quảng Trị, tuyến cao tốc chạy theo hướng đông tây của tỉnh, nối huyện Cam Lộ với cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, dài 70km, tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 7.700 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 28,31%, thời gian hoàn vốn 19 năm.

Tỉnh Quảng Trị cho rằng việc nghiên cứu đầu tư xây dựng và hoàn thành tuyến cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo trong giai đoạn 2026 - 2030 là rất cấp thiết triển khai, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, hàng quá cảnh; kết nối các trục dọc quốc gia với cửa khẩu quốc tế và cảng biển khu vực, phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn đầu tư. (Xem thêm)

Thông xe kỹ thuật cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn vào tháng 11

Trao đổi với VietnamFinance, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết: cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn đã hoàn thành 75% tiến độ, dự kiến sẽ thông xe kỹ thuật ngay trong tháng 11/2021, vượt kế hoạch đề ra.

Hiện tại, mặt bằng sạch đã có đủ, phần đường tuyến chính của dự án đã thi công xong cơ bản hạng mục xử lý nền đất yếu, đắp gia tải, đắp nền đường. Hiện đang triển khai thi công móng cấp phối đá dăm loại 1 (đạt 4/7,2km), mặt đường 2 nhánh của nút giao Mai Sơn. Các nhà thầu đang tập trung đẩy nhanh thi công hạng mục mặt đường và các cầu trên tuyến.

Dự kiến đến tháng 10/2021, công trình cơ bản hoàn thành thi công các hạng hạng mục chính. Sau đó, nhà thầu tiếp tục hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông, điện chiếu sáng... để thông xe, đưa dự án vào khai thác trong cuối năm 2021 theo đúng kế hoạch của Bộ GTVT.

Liên quan đến việc xử lý nền đất yếu tại dự án, hiện chủ đầu tư, tư vấn giám sát đang theo dĩu chặt chẽ để không làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công, đồng thời đảm bảo chặt chẽ về chất lượng dự án.

Theo thiết kế, dự án cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn có chiều dài hơn 15,2km, tổng mức đầu tư khoảng 1.607 tỷ đồng, sử dụng vốn trái phiếu chính phủ. Đây là dự án duy nhất trong 11 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 được Bộ GTVT giao cho Sở GTVT Ninh Bình làm chủ đầu tư. (Xem thêm)

Cùng chuyên mục
Tin khác