Giao thông tuần qua: Thông xe cầu Thăng Long, khởi công sân bay quốc tế Long Thành

Chí Bình - 10/01/2021 08:51 (GMT+7)

(VNF) - Chính thức thông xe cầu Thăng Long sau 150 ngày đại tu; khởi công xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận... là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

VNF
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khởi công sân bay quốc tế Long Thành.

Thêm phương án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có công văn đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) bổ sung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết là thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, hiện nay Hội đồng thẩm định nhà nước đang tổ chức lựa chọn tư vấn thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Để có đủ tài liệu cung cấp cho đơn vị tư vấn thẩm tra, phục vụ việc đánh giá các kịch bản, phương án đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam được khách quan, toàn diện và thỏa đáng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ GTVT bổ sung thêm phương án đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam vận tải hành khách và hàng hóa với dải tốc độ từ 160 km/h đến dưới 200 km/h như các Quyết định số 214/QĐ – TTg ngày 10/2/2015 và số 1468/QĐ – TTg ngày 24/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định (theo hướng tuyến lựa chọn trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án).

Vào tháng 7/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư – cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định nhà nước dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam đã gửi hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xin ý kiến thẩm định của các thành viên hội đồng và các bộ, ngành, địa phương liên quan.

Qua nghiên cứu sơ bộ và tổng hợp các ý kiến góp ý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy báo cáo nghiên cứu tiền khả thi lựa chọn tốc độ thiết kế 350 km/h, cạnh tranh với hàng không. Tuy nhiên, công nghệ đường sắt này chỉ khai thác tàu khách mà không khai thác tàu hàng. (Xem chi tiết)

Tổng công ty đường sắt Việt Nam dự kiến lỗ hơn 1.324 tỷ trong năm 2020

Năm 2020 là năm VNR cũng như các doanh nghiệp khác trong ngành giao thông vận tải phải chịu tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại khiến sản lượng vận tải hành khách sụt giảm nghiêm trọng.

Bão lũ khu vực miền Trung xảy ra trong quý IV đã gây thiệt hại nặng nề đến tuyến đường sắt Bắc - Nam, cùng việc triển khai thi công dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng 7.000 tỷ từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020 đã ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ vận tải khi phát sinh hơn 50 điểm chạy chậm hoặc phải phong tỏa khu gian.

Bên cạnh đó, với cơ sở hạ tầng đường sắt vừa thiếu vừa yếu, năng lực thông qua tuyến đường sắt đã tới hạn thì việc cạnh tranh với vận tải đường bộ và vận tải hàng không giá rẻ là một thách thức rất lớn đối với vận tải đường sắt.

Công nghệ lạc hậu, mô hình tổ chức vận tải vẫn còn nhiều bất cập, số lượng lao động lớn làm cho giá thành vận tải vẫn ở mức cao cũng là một yếu tố dẫn đến khó cạnh tranh về giá vé, giá cước với các phương tiện vận tải khác.

Ngoài ra, các khoản tồn tại về tài chính từ các năm trước đến nay chưa được tháo gỡ. Khoản nợ thuế đất của khu đất 551 Nguyễn Văn Cừ chưa được xử lý dẫn đến có thời điểm VNR bị phong tỏa ngân hàng, cấm xuất hóa đơn gây khó khăn cho hoạt động sản xuất.

Trong năm 2020, sản lượng toàn tổng công ty đạt 6.828,6 tỷ đồng, bằng 79% so với cùng kỳ; doanh thu đạt 6.565,1 tỷ đồng, bằng 78,3% so với cùng kỳ. Với công ty me, tổng doanh thu đạt 1.713 tỷ đồng, đạt 81,6% so với kế hoạch và bằng 66,6% so với cùng kỳ. Dự kiến lỗ hơn 1.324 tỷ đồng. (Xem chi tiết)

Chuyển dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ hơn 3.100 tỷ từ BOT sang đầu tư công

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

Theo đó, Thủ tướng quyêt định điều chỉnh tên dự án thành dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Địa điểm thực hiện dự án tại TP. Tuyên Quang, huyện Yên Sơn của tỉnh Tuyên Quang; huyện Đoan Hùng, huyện Thanh Ba, huyện Phù Ninh, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ.

Phân kỳ đầu tư dự án thành 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 thực hiện từ năm 2021 - 2023 giải phóng mặt bằng với quy mô hoàn chỉnh B nền = 17m, Bmặt = 11m (4 làn xe); giai đoạn 2 thực hiện sau năm 2025, đầu tư hoàn chỉnh với quy mô theo chủ trương được phê duyệt khi được bố trí vốn.

Thủ tướng cũng đồng ý chuyển đổi hình thức đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ từ hợp đồng xây dựng, kinh doanh, chuyển giao (BOT) sang đầu tư công.

Tổng mức đầu tư dự án là 3.112,970 tỷ đồng (giảm 158,12 tỷ đồng). Trong đó, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 2.653 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 459,970 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư từ vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương. (Xem chi tiết)

Chính thức thông xe cầu Thăng Long sau 150 ngày đại tu

Sau hàng chục năm khai thác, phần mặt đường ô tô trên cầu Thăng Long bắt đầu hư hỏng. Với các đặc điểm kết cấu phức tạp, mặt cầu phải chịu đồng thời các tải trọng xe, tải trọng tầu hỏa, lực gió ngang, nhiệt độ… tạo ra các dao động, chuyển vị, biến dạng lớn, đồng thời theo các phương khác nhau.

Từ sau lần sửa chữa lớn năm 2009 và một số lần sửa chữa cục bộ, đến trước năm 2020, các hư hỏng trên mặt đường trong phạm vi giàn thép vẫn chưa được khắc phục triệt để. Nguyên nhân chính là do cấu tạo của bản thép mặt cầu dày 14mm là mỏng so với tiêu chuẩn hiện nay tối thiểu bằng 18mm, do đó bản mặt cầu thép biến dạng uốn quá mức gây nứt lớp bê tông nhựa bên trên.

Bộ Giao thông vận tải sau đó đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam triển khai dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long. Giải pháp là sử dụng công nghệ hàn đinh neo Plasma liên kết với bản thép sau đó lắp đặt lưới cốt thép và rải bê tông cốt sợi thép siêu tính năng (UHPC) cường độ chịu nén gấp 3 lần bê tông thông thường. Sau khi hoàn thành rải bên tông UHPC sẽ quét keo epoxy dính bám trước khi thảm bê tông nhựa polime dày tối thiểu 4cm.

Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, với phương án này mặt cầu sẽ đảm bảo tuổi thọ của lớp bê tông siêu tính năng (UHPC) tương đương với bản thép mặt cầu, tối thiểu là 30 năm và lớp phủ bê tông nhựa Polime là từ 5 - 10 năm.

Công tác triển khai thi công sửa chữa cầu Thăng Long bắt đầu triển khai từ 16/8/2020, đây là dự án có giải pháp kỹ thuật phức tạp lần đầu tiên được áp dụng trên quy mô và khối lượng lớn với các công tác chủ yếu: phân luồng tổ chức giao thông trên địa bàn TP. Hà Nội và các tỉnh lân cận; làm sạch và sơn toàn bộ mặt cầu; hàn 1,4 triệu đinh neo; lắp đặt 800 tấn thép; đổ 2.000m3 bê tông siêu tính năng; quét keo dính bám và thảm bê tông nhựa polyme 27.200m2. (Xem chi tiết)

'Sân bay Long Thành phải có chất lượng hàng đầu, tiến độ đúng yêu cầu'

Phát biểu tại lễ khởi công xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 vào sáng 5/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ chỉ khi kết cấu cơ sở hạ tầng tốt, hiện đại thì kinh tế mới có thể cất cánh mạnh mẽ, lúc đó mới có thể đón những nhà đầu tư lớn đến làm ăn lâu dài.

Tuy vậy hiện nay, các cảng hàng không lớn của Việt Nam như Tân Sơn Nhất, Nội Bài cơ bản đều khai thác vượt công suất nên luôn trong tình trạng quá tải. Thiếu chỗ đậu và bay đã làm mất đi cơ hội kêu gọi các hãng hàng không quốc tế đến Việt Nam để sớm đưa Việt Nam trở thành trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế lớn trong khu vực.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng nếu khắc phục được các tồn tại này, ngành hàng không Việt Nam sẽ góp phần quan trọng thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển du lịch, tạo thêm nhiều giá trị gia tăng cho các ngành, các lĩnh vực khác cùng phát triển.

"Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành nằm trong top 16 dự án sân bay được mong chờ nhất thế giới. Đây là dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia, thể hiện khát vọng, ý chí vươn lên mạnh mẽ của nước ta, có ý nghĩa to lớn với sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước", Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành phải là dự án chất lượng hàng đầu, tiến độ đúng yêu cầu, chủ đầu tư gương mẫu, Không thất thoát, lãng phí, tiêu cực và tuyệt đối an ninh, an toàn. (Xem chi tiết)

Thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Ngày 4/1, đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đã di chuyển thực nghiệm trên toàn tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và dự lễ cắt băng thông tuyến cao tốc này.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khởi công tháng 11/2009, sau gần 10 năm đình trệ, tiến độ chỉ đạt 10% khối lượng, đến tháng 3/2019, liên danh các nhà đầu tư đã mời Tập đoàn Đèo Cả tham gia quản trị, điều hành dự án.

Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, sau hơn một năm rưỡi tái khởi động (vào tháng 4/2019), đến nay, Tập đoàn Đèo Cả đã hoàn thành lời cam kết thông tuyến dự án trước 31/12/2020.

Nhân dịp này, Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Tiền Giang sớm giải quyết các vướng mắc kéo dài về việc thu phí của tuyến TP. HCM - Trung Lương, đồng thời sử dụng các trạm thu phí sẵn có trên cao tốc TP. HCM - Trung Lương (trạm chợ Đệm) để tổ chức quản lý thu phí đồng bộ liên thông trên toàn tuyến cao tốc từ TP. HCM đến Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cũng kiến nghị UBND tỉnh Tiền Giang chủ trì, phối hợp Bộ Giao thông Vận tải, hội đồng nghiệm thu nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, cùng nhà đầu tư lập kế hoạch hoàn thành các công việc tiếp theo, xác định rủi ro tiềm ẩn về kỹ thuật do tác động của biến đổi khí hậu, địa chất phức tạp tại khu vực; những rủi ro về pháp lý và tài chính do nhiều lần thay đổi chủ đầu tư, nhà đầu tư, nhà thầu, để báo cáo Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân khi hoàn thành đưa dự án vào khai thác trong năm 2021. (Xem chi tiết)

Cùng chuyên mục
Tin khác