Hà Nội đề nghị cơ chế đặc thù xây dựng 3 tuyến đường sắt đô thị

Anh Minh - 09/04/2018 15:13 (GMT+7)

Nhóm 5 cơ chế đặc thù vừa được UBND TP. Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ áp dụng để đầu tư 3 tuyến đường sắt đô thị ưu tiên có tổng mức đầu tư lên tới 125.614 tỷ đồng.

VNF
Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị. Trong ảnh: Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Đức Thanh

Dồn lực cho đường sắt đô thị

Có rất nhiều nội dung đáng chú ý trong Tờ trình số 27 của UBND TP. Hà Nội gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét, cho ý kiến chỉ đạo về chủ trương, cơ chế đầu tư 3 dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, ưu tiên đầu tư giai đoạn đến năm 2025.

Trong nhóm 5 cơ chế đặc thù mà UBND TP. Hà Nội đánh giá là những điều kiện cần và đủ để xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình; tuyến đường sắt đô thị số 5 đoạn Văn Cao - Hòa Lạc; tuyến đường sắt đô thị số 3 ga Hà Nội - Hoàng Mai, có một cơ chế thuộc thẩm quyển của Quốc hội, 4 cơ chế thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, UBND TP. Hà Nội đề nghị Thủ tướng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép Thành phố để lại toàn bộ các khoản vượt thu hàng năm, số thu từ cổ phần hóa từ trước năm 2017 để đầu tư cho 3 dự án đường sắt đô thị và không bị đối trừ vào các khoản hụt thu từ các nguồn của Trung ương trên địa bàn.

UBND TP. Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ giữ ổn định cơ cấu ngân sách như năm 2017, ổn định tỷ lệ điều tiết ngân sách Thành phố (phần Hà Nội được hưởng là 35% trong giai đoạn 2021 - 2025) và cho phép điều tiết toàn bộ các khoản tiết kiệm từ chi thường xuyên để chỉ đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị. Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung muốn các khoản vượt thu, tiết kiệm chi được trích 100% vào quỹ dự trữ tài chính của Thành phố để phát triển hệ thống đường sắt đô thị.

Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cũng đề nghị Thủ tướng cho phép bán đấu giá tài sản công là nhà và đất, gồm nhà chuyên dùng thuộc sở hữu nhà nước đang cho thuê, trụ sở các sở, ngành sau khi sắp xếp tập trung tại 2 khu hành chính (Võ Chí Công, Vân Hồ); đấu giá quyền sử dụng đất để dồn vốn cho các dự án đường sắt đô thị.

Trong trường hợp các nguồn tài chính nói trên không đủ đáp ứng nhu cầu, Hà Nội đề nghị phát hành trái phiếu xây dựng Thủ đô theo hạn mức mà Chính phủ đã cho phép Thành phố với trần huy động được nới từ 70% (trên số thu ngân sách Thành phố được hưởng) lên 90%.

Được biết, trong 3 dự án đường sắt đô thị có tổng mức đầu tư 125.614 tỷ đồng này, tuyến số 2 đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình và tuyến số 5 đoạn Văn Cao - Hòa Lạc đã có nhà đầu tư (Vingroup) đề xuất thực hiện theo hình thức BT. Tuyến số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai sẽ do UBND TP. Hà Nội trực tiếp làm chủ đầu tư với đơn vị quản lý dự án là PMU đường sắt đô thị Hà Nội.

Cân đối đủ vốn

UBND TP. Hà Nội khá lạc quan về khả năng cân đối vốn cho 3 dự án đường sắt đô thị khi cho biết, có thể huy động được khoảng 135.000 tỷ đồng trong vòng 8 năm (2018 - 2025).

Sáu nguồn huy động chính được UBND TP. Hà Nội nêu ra là tiết kiệm chi thường xuyên (8.000 tỷ đồng); tăng thu ngân sách thành phố (12.000 tỷ đồng); thu từ cổ phần hóa giai đoạn 2016 – 2020 (18.000 – 20.000 tỷ đồng); bán nhà chuyên dùng, trụ sở các sở ngành (8.000 tỷ đồng); đấu giá quyền sử dụng đất (70.000 - 80.000 tỷ đồng). Trong trường hợp các nguồn lực nói trên chưa huy động đủ hoặc không kịp thời, Hà Nội sẽ phát hành trái phiếu bổ sung với tổng giá trị 20.000 - 25.000 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Thành phố đã xác định 1.339,84 ha tại 16 dự án chủ yếu tại 6 huyện là Hoài Đức, Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Thường Tín, trong đó có một số khu đất có giá trị cao và có khả năng triển khai sớm như Khu đô thị Khoa học - công nghệ - tài chính Tân Tạo Hanel (huyện Gia Lâm) có diện tích 270 ha; Khu Ninh Hiệp (huyên Gia Lâm) có diện tích 49 ha; khu Tầm Xá (huyện Đông Anh) khoảng 300 ha.

Ngoài ra, UBND TP. Hà Nội đang chỉ đạo rà soát các khu đô thị quy mô trên 10 ha (59 khu) tại các quận, huyện giáp ranh, khu đô thị vệ tinh, khu đô thị sinh thái, với tổng diện tích 6.3151 ha để bổ sung cho quy hoạch - kế hoạch sử dụng đất, tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị.

Do 3 dự án đường sắt đô thị đều có quy mô vốn lớn, nên UBND TP. Hà Nội kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Hội đồng Thẩm định Nhà nước ưu tiên tổ chức thẩm định sớm để có thể báo cáo Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 6/2018.

"UBND TP. Hà Nội cam kết chuẩn bị đầy đủ hồ sơ dự án, thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư 3 dự án theo đúng quy định", ông Chung cho biết.

Tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Trần Hưng Đạo – Thượng Đình sẽ đi ngầm toàn tuyến với chiều dài 5,96 km; tổng mức đầu tư 25.730 - 27.813 tỷ đồng; thời gian thực hiện: 2018 - 2024;

Tuyến đường sắt đô thị số 5 đoạn Văn Cao - Hòa Lạc dài 38,4 km, đi ngầm 8 km, 2 km đi trên cao, 28,4 km đi bằng; tổng mức đầu tư 61.228 - 66.856 tỷ đồng; thời gian thực hiện: 2018 - 2024;

Tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai dài 8,7 km, đi ngầm 8,13 km; tổng mức đầu tư 38.656 tỷ đồng; thời gian thực hiện: 2018 - 2025.

Theo Đầu tư
Cùng chuyên mục
Tin khác