Hà Nội sẽ thu hồi các dự án chây ì, chậm triển khai hạ tầng xã hội

Anh Hùng - 10/02/2023 18:16 (GMT+7)

(VNF) - UBND thành phố Hà Nội sẽ xem xét, thu hồi đất, thu hồi dự án đối với các trường hợp cố tình chây ì, không triển khai hoặc chậm triển khai đầu tư xây dựng các công trình, đặc biệt là các công trình công cộng, hạ tầng xã hội.

VNF
Hà Nội sẽ thu hồi đối với các dự án khu đô thị chây ì, chậm triển khai hạ tầng xã hội.

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch về việc triển khai thực hiện chuyên đề "Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng các công trình công cộng tại các khu đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 – 2025", mục đích nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát đánh giá đầu tư, xử lý vi phạm về việc chấp hành quy định pháp luật về quản lý, sử dụng các công trình công cộng tại các khu đô thị trên địa bàn thành phố.

Theo kế hoạch, thành phố yêu cầu phân công rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, lĩnh vực; làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan khi để xảy ra sai phạm, không xử lý dứt điểm đồng thời, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật nếu có và đề xuất các biện pháp khắc phục.

Cụ thể, thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chủ trì rà soát, đánh giá thực trạng công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội trên địa bàn, trên cơ sở đó đề xuất địa điểm, nguồn vốn, cơ chế chính sách, báo cáo về Sở KH&ĐT để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố xem xét, chỉ đạo nhằm đẩy mạnh việc xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng xã hội tại các khu đô thị trên địa bàn.

Bên cạnh đó, thành phố yêu cầu Sở Quy hoạch và Kiến trúc khi thẩm định quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các dự án khu đô thị mới, khu nhà ở phải đảm bảo bố trí đầy đủ tỷ lệ quỹ đất dành để xây dựng các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội đáp ứng nhu cầu của người dân tại dự án và khu vực xung quanh.

Đối với việc lập, thẩm định quy hoạch các khu chung cư cũ, các dự án di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi các khu vực đông dân cư, cần cân đối quỹ đất, dành tỷ lệ diện tích đất hợp lý cho việc đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công trình công cộng khác, góp phần cải thiện không gian kiến trúc cảnh quan, môi trường và nâng cao chất lượng sống cho người dân tại khu vực dự án.

Thành phố cũng nêu cụ thể trách nhiệm theo dõi, đôn đốc tiến độ dự án và xử lý vi phạm pháp luật về đầu tư, đất đai, trật tự xây dựng, công tác giải phóng mặt bằng cho UBND các quận, huyện, thị xã và các sở ngành liên quan.

UBND thành phố nêu rõ, đối với các trường hợp cố tình chây ì, không triển khai hoặc chậm triển khai đầu tư xây dựng các công trình (đặc biệt là các công trình công cộng, hạ tầng xã hội), vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, phải kịp thời báo cáo UBND thành phố xem xét, thu hồi đất, thu hồi dự án theo quy định để tổ chức lựa chọn chủ đầu tư khác thực hiện hoặc giao UBND cấp huyện thực hiện đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, UBND thành phố Hà Nội giao Sở TN&MT tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra đối với các dự án khu đô thị, khu nhà ở, dự án đầu tư xây dựng các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội đã thực hiện các thủ tục thu hồi đất, giao đất nhằm phát hiện các dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đất đai, còn nợ nghĩa vụ tài chính về đất đai với ngân sách nhà nước; hoàn tất hồ sơ thanh tra, kiểm tra, xử lý theo quy định; trường hợp vi phạm đến mức phải thu hồi đất, thu hồi dự án báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định.

Được biết, theo kết quả giám sát của HĐND thành phố Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 266 dự án khu đô thị, khu nhà ở có quy mô diện tích từ 2ha trở lên, trong đó có 98 dự án đã cơ bản hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng; 168 dự án đang triển khai đầu tư và đầu tư chưa hoàn chỉnh. Một số khu đô thị, khu nhà ở sau khi đưa vào khai thác, sử dụng vẫn chưa đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy định; chưa khớp nối đồng bộ với hạ tầng khu vực.

Đáng chú ý, một số dự án công trình hạ tầng xã hội thiết yếu như: trường học, vườn hoa, cây xanh, hồ nước, bãi đỗ xe, khu vui chơi giải trí... chậm triển khai, chưa được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch theo dự án được phê duyệt, gây bức xúc dư luận và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Đặc biệt, vấn đề thiếu trường tại các khu đô thị không phải là điều mới mẻ. Vào năm 2019, câu chuyện này cũng đã được Ban Văn hóa - xã hội của HĐND thành phố Hà Nội chỉ rõ.

Ở giai đoạn này, hàng loạt khu đô thị bị đoàn giám sát nêu tên. Cụ thể: khu đô thị mới Phùng Khoang, khu nhà ở đài phát thanh phát sóng Mễ Trì, khu đô thị Xuân Phương - Viglacera, khu đô thị Thành phố giao lưu, khu đô thị Đoàn ngoại giao, khu đô thị mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh, dự án khu nhà ở và công trình công cộng tại Cổ Nhuế, khu nhà ở để bán Quang Minh - Vinaconex 2, khu đô thị Lê Trọng Tấn - Geleximco khu đô thị mới Vân Canh, khu nhà ở Vĩnh Hoàng, khu chức năng đô thị Ao Sào, khu đô thị mới Cầu Bươu, khu nhà ở Thạch Bàn, khu đô thị Đặng Xá, khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp, khu đô thị mới Việt Hưng…

Cùng chuyên mục
Tin khác