Hà Nội, TP. HCM lọt top 20 điểm đến hàng đầu châu Á Thái Bình Dương

Vĩnh Chi - 13/09/2019 21:46 (GMT+7)

(VNF) - Theo báo cáo “Chỉ số điểm đến tại khu vực châu Á Thái Bình Dương” hàng năm của Mastercard, Hà Nội và TP. HCM nằm trong top 20 điểm đến hàng đầu khu vực châu Á Thái Bình Dương.

VNF
Ảnh minh họa

Cụ thể, Hà Nội đứng vị trí thứ 15 và TP. HCM đứng thứ 18 trong tổng số 161 thành phố với tổng lượng khách qua đêm lên đến 8,9 triệu lượt với chi tiêu trung bình mỗi ngày lần lượt là 78 USD và 98 USD.

Báo cáo của Mastercard cũng công bố 5 điểm đến nổi tiếng nhất tại khu vực châu Á Thái Bình Dương đối với du khách quốc tế là: Bangkok, Singapore, Kuala Lumpur, Tokyo và Seoul. 5 thành phố này đón tới 22% tổng số du khách đã đến thăm 161 thành phố và trung tâm hàng đầu của khu vực trong năm 2018. 5 thành phố này cũng đang chiếm hơn 25% tổng chi tiêu du lịch quốc tế trong khu vực.

Năm 2018, khu vực châu Á Thái Bình Dương là địa điểm khách du lịch thực hiện 342,2 triệu chuyến đi công tác và giải trí, tăng từ mức 159,1 triệu trong năm 2009, chiếm tỷ lệ tăng trưởng gộp 8,9% hàng năm (CAGR) trong giai đoạn chín năm.

Trong cùng thời gian này, chi tiêu du lịch ở châu Á Thái Bình Dương tăng hơn gấp đôi, từ 117,6 tỷ USD lên 281,1 tỷ USD, tương đương với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 10,2%.

“Chỉ số Điểm đến châu Á Thái Bình Dương (APDI) năm 2019” của Mastercard đã nhấn mạnh bốn xu hướng chính đang định hình tương lai của du lịch trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Một là Trung Quốc đại lục tiếp tục có ảnh hưởng lớn nhất đến các mô hình du lịch cũng như dòng tiền chi tiêu. Du khách từ Trung Quốc đại lục đang khám phá khắp mọi nơi trong khu vực với số lượng lớn chưa từng thấy. Từ năm 2009 đến 2018, lượng khách Trung Quốc du lịch qua đêm tại các thị trường trên khắp châu Á Thái Bình Dương tăng từ 10,5 triệu lên 62,4 triệu, tương đương tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm trong giai đoạn này là 21,9%.

Đáng chú ý, Trung Quốc đại lục là một trong ba thị trường nguồn hàng đầu của khách du lịch nước ngoài cho 82 thành phố trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, tức hơn một nửa trong số 161 điểm đến trong danh sách APDI.

Xu hướng thứ hai là Nhật Bản hiện là điểm đến thu hút nhất châu Á. Đây là năm thứ hai liên tiếp Nhật Bản là thị trường duy nhất trong danh sách APDI dẫn đầu với 25% trong số 20 điểm đến hàng đầu khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Okinawa lần đầu tiên đánh bại Kyoto để lọt vào danh sách này, cùng với Tokyo, Osaka, Hokkaido và Chiba. Okinawa, thiên đường nhiệt đới của Nhật Bản, là một trong những điểm đến có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực, tăng vọt 109 bậc so với năm 2009. Các thành phố ít khách du lịch như Oita, Hiroshima, Fukuoka, Kyoto, Gifu và Nagano cũng đã có những bước nhảy đáng kể trong bảng xếp hạng – tất cả đều có mặt trong danh sách 10 thành phố có tốc độ phát triển nhanh nhất tính theo số lượng khách đến.

Mức tăng trưởng tổng thể của lượng khách du lịch đến Nhật Bản sẽ còn tăng cao hơn nữa với dự báo Tokyo sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ World Cup bóng bầu dục 2019 và Thế vận hội Olympic 2020.

Xu hướng thứ ba là điểm đến nghỉ dưỡng chiếm ưu thế hơn so với những thành phố phát triển nhanh nhất. Trong khi các trung tâm văn hoá của Nhật Bản đứng đầu danh sách 10 thành phố có tốc độ phát triển nhanh nhất thì trung tâm công nghiệp nhộn nhịp của Ludhiana ở phía bắc bang Punjab, Ấn Độ đứng thứ hai với mức tăng là 78 bậc trong APDI kể từ năm 2009. Thành Đô – thành phố gấu trúc nổi tiếng của Trung Quốc, có tốc độ phát triển nhanh thứ ba với vị trí thứ mười trong danh sách APDI sau khi tăng 50 bậc trong vòng chín năm qua.

Xu hướng thứ bốn là trong khi nhiều điểm đến ở châu Á Thái Bình Dương đang tăng trưởng mạnh mẽ nhờ lượng du khách từ Trung Quốc đại lục thì Hàn Quốc và Nhật Bản đang có tiềm năng trở thành điểm xuất phát lớn tiếp theo của châu Á thúc đẩy tăng chi tiêu du lịch cũng như lượng khách qua đêm của khu vực.

Cụ thể, đóng góp lớn nhất hiện vẫn là Trung Quốc đại lục với 18,2% lượng khách qua đêm quốc tế trong khu vực, nhưng Hàn Quốc đã chiếm 9,1% và Nhật Bản chiếm 6,0%.

Một điểm xuất phát đáng quan tâm khác chính là Ấn Độ - đất nước có dân số lớn thứ hai thế giới. Năm 2018, Ấn Độ có 14,9 triệu lượt người đi du lịch nước ngoài, trong đó gần một nửa (49,3%) là đến châu Á Thái Bình Dương. Các điểm đến ưa thích nhất trong khu vực châu Á Thái Bình Dương của họ là Singapore, Bangkok, Kuala Lumpur, Pattaya và Bali. Với tầng lớp trung lưu đang tăng cao và dân số 1,3 tỷ người, tiềm năng Ấn Độ xuất hiện trong bảng xếp hạng APDI là không thể bỏ qua.

 “Trong khi Trung Quốc đại lục đóng vai trò là tâm điểm cho các điểm đến hàng đầu châu Á Thái Bình Dương thì Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ cũng là những điểm sáng. Khi khách du lịch từ các thị trường này tiếp tục tăng với tỷ lệ phần trăm đáng kể qua từng năm, chúng tôi phải tập hợp các nguồn lực công tư để giúp các đối tác du lịch hiểu rõ hơn về mô hình thương mại và mang lại trải nghiệm hấp dẫn cho khách du lịch đang háo hức từ khắp nơi trong khu vực,” ông Rupert Naylor, Phó chủ tịch cấp cao mảng Dữ liệu & Dịch vụ khu vực châu Á Thái Bình Dương, Mastercard, cho biết thêm.

Cùng chuyên mục
Tin khác