Bất động sản

Hải Phòng điểm mặt loạt sai phạm của các doanh nghiệp đang kêu cứu tại Cát Bà

(VNF) - Theo UBND TP. Hải Phòng, 7 doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh du lịch tại vườn quốc gia Cát Bà đã thực hiện xây dựng các công trình khi chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận, không có hồ sơ pháp lý về đầu tư xây dựng, không có giấy phép xây dựng và không đủ điều kiện để cấp phép xây dựng...

Hải Phòng điểm mặt loạt sai phạm của các doanh nghiệp đang kêu cứu tại Cát Bà

Công trình du lịch sinh thái đang bị UBND TP. Hải Phòng yêu cầu tháo dỡ.

Ngày 18/12, UBND TP. Hải Phòng đã có văn bản trả lời kiến nghị của 7 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch tại vườn quốc gia Cát Bà, gồm: Công ty TNHH Du lịch dịch vụ Thủy sản thương mại Thùy Trang; Công ty Cổ phần Thương mại Tùng Long; Công ty Cổ phần dịch vụ du lịch Đảo Cát Dứa; Công ty TNHH Đảo Cát; Công ty Cổ phần Khu du lịch Đảo Cát Bà; Công ty Cổ phần Thương mại Thanh Bình; Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và Dịch vụ Đông Kinh.

7 doanh nghiệp vi phạm nhiều nội dung khi xây dựng các công trình

Theo UBND TP. Hải Phòng, trong khi đang chỉ đạo xử lý các sai phạm của 7 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch tại vườn quốc gia Cát Bà nêu trên thì các doanh nghiệp có nhiều kiến nghị.

Sau khi nghe ý kiến của các doanh nghiệp và ý kiến của các sở, ngành, đơn vị có liên quan, UBND TP. Hải Phòng khẳng định từ năm 2009 đến nay, vườn quốc gia Cát Bà đã để Trung tâm Dịch vụ du lịch và Giáo dục môi trường, thuộc vườn quốc gia Cát Bà, sai phạm trong việc ký các hợp đồng liên doanh liên kết với 7 doanh nghiệp trên khi chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận theo quy định.

Đặc biệt, 7 doanh nghiệp nêu trên đã có sai phạm khi đầu tư xây dựng các công trình khi chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận đầu tư dự án, không có hồ sơ pháp lý về đầu tư xây dựng, không có giấy phép xây dựng và không đủ điều kiện để cấp phép xây dựng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này cũng không lập, trình phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, không có các thủ tục về phòng cháy chữa cháy, không có giấy phép kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành, dịch vụ lưu trú.

Về nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước, một số doanh nghiệp trên đã không thực hiện kê khai, nộp hồ sơ khai thuế và nộp thuế, không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký với cơ quan thuế.

Về quá trình xử lý vi phạm, UBND TP. Hải Phòng cho biết từ ngày 22/11/2016, UBND thành phố đã có 7 văn bản chỉ đạo vườn quốc gia Cát Bà chấm dứt các hoạt động với các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2018 và đầu năm 2019, Trung tâm Dịch vụ du lịch và Giáo dục môi trường, thuộc vườn quốc gia Cát Bà, mới có thông báo gửi từng doanh nghiệp về việc dừng liên kết với các doanh nghiệp. Nhưng các doanh nghiệp vẫn không thực hiện, tiếp tục kinh doanh, dịch vụ tại các địa điểm trên.

Sau thời gian điều tra, xác minh, ngày 2/10/2017, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường C49 - Bộ Công an đã ban hành Văn bản số 1393/CV-C49 chuyển hồ sơ vi phạm của 3 doanh nghiệp (Công ty TNHH Du lịch dịch vụ Thủy sản Thương mại Thùy Trang, Công ty Cổ phần Thương mại Tùng Long, Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Đảo Cát Dứa) cho Công an TP. Hải Phòng để điều tra, xử lý theo quy định.

Ngày 9/8/2018, UBND thành phố đã có Quyết định số 1877/QĐ-UBND thành lập đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động liên doanh liên kết tại vườn quốc gia Cát Bà. Theo đó, đoàn đã thanh tra 4 doanh nghiệp (Công ty Cổ phần Khu du lịch Đảo Cát Bà, Công ty trách nhiệm hữu hạn Đảo Cát, Công ty Cổ phần đầu tư thương mại và dịch vụ Đông Kinh và Công ty Cổ phần Thương mại Thanh Bình).

Sau khi tiến hành kiểm tra, đoàn thanh tra đã xác định 4 doanh nghiệp có sai phạm tương tự như 3 doanh nghiệp mà Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường C49 - Bộ Công an đã điều tra, nên UBND thành phố đã chỉ đạo chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố để xử lý theo quy định của pháp luật.

Năm 2018, Đoàn Công tác số 1 - Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã làm việc với TP. Hải Phòng, trong đó xác định đây là vụ việc phức tạp và đã giao thành phố chỉ đạo xử lý dứt điểm vụ việc, điều tra, khởi tố vụ án theo quy định.

Ngày 23/8/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố đã khởi tố vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại vườn quốc gia Cát Bà.

UBND TP. Hải Phòng đã xem xét, không bổ nhiệm lại đối với ông Hoàng Văn Thập, Giám đốc vườn quốc gia Cát Bà, cùng ông Nguyễn Văn Thương, Phó giám đốc vườn quốc gia Cát Bà kiêm Giám đốc Trung tâm Dịch vụ du lịch và Giáo dục môi trường và bố trí công tác khác để phục vụ công tác điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra.

Ngày 18/2/2020, UBND thành phố ban hành văn bản số 59/UBND-NC1 chỉ đạo vườn quốc gia Cát Bà chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép theo quy định và đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc thực hiện (4 văn bản).

Ngày 4/9/2020, Chủ tịch UBND thành phố đã cùng các sở, ngành, địa phương trực tiếp kiểm tra 7 địa điểm vi phạm nêu trên tại vườn quốc gia Cát Bà và đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị chức năng của thành phố thực hiện việc tháo dỡ các công trình vi phạm theo quy định.

"Hiện nay, các sở, ngành, đơn vị chức năng của thành phố đang tập trung triển khai các trình tự thủ tục để xử lý tháo dỡ các công trình vi phạm theo quy định pháp luật", văn bản của UBND TP. Hải Phòng nêu rõ.

Việc xử lý các vi phạm không phải để lấy đất giao cho nhà đầu tư

Các doanh nghiệp cho rằng từ năm 2009 đến năm 2016, các cơ quan chức năng không tiến hành kiểm tra để xử lý vi phạm và yêu cầu tháo dỡ các công trình tại các điểm kinh doanh du lịch vườn quốc gia Cát Bà.

Về vấn đề này, UBND TP. Hải Phòng cho biết trong giai đoạn từ năm 2009 đến đầu năm 2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Cát Hải, vườn quốc gia Cát Bà đã tiến hành kiểm tra việc đầu tư xây dựng và tổ chức kinh doanh du lịch tại các điểm liên doanh liên kết nêu trên.

Tuy nhiên, các cơ quan này đã thiếu kiên quyết trong việc xử lý vi phạm, không báo cáo UBND thành phố để xử lý các sai phạm, dẫn đến các doanh nghiệp vẫn tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch tại các địa điểm này.

Thành phố đang chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quản lý và các đoàn kiểm tra trước đây, sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Hải Phòng khẳng định không có lợi ích nhóm, việc xử lý các vi phạm trên không phải để lấy đất giao cho nhà đầu tư mà chỉ để trồng cây, trả lại diện tích rừng tự nhiên, môi trường sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học cho vườn quốc gia Cát Bà, khu dự trữ sinh quyển thế giới và đặc biệt là khu vực vịnh Lan Hạ.

Chiếu theo quy định tại Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012; điểm d khoản 11 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ, UBND TP. Hải Phòng cho rằng biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng là buộc phải tháo dỡ công trình và không được bồi thường, hỗ trợ.

Tuy nhiên, do các cá nhân thuộc vườn quốc gia Cát Bà đã sai phạm khi ký các hợp đồng liên doanh, liên kết với 7 doanh nghiệp, vì vậy thành phố sẽ chỉ đạo việc bồi thường (nếu có) theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước sau khi có phán quyết của tòa án.

Tổ chức cưỡng chế buộc tháo dỡ công trình vi phạm

Xác định đây là vụ việc phức tạp, UBND TP. Hải Phòng cho biết sẽ xử lý nghiêm khắc đối với các cán bộ và các doanh nghiệp đã sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với các cán bộ có sai phạm, thành phố yêu cầu công an khẩn trương hoàn thiện hồ sơ khởi tố bị can trong vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại vườn quốc gia Cát Bà theo quy định. UBND thành phố sẽ xem xét, chỉ đạo xử lý các cán bộ có liên quan đến sai phạm nêu trên đối với các trường hợp chưa đến mức phải xử lý trách nhiệm hình sự.

Đối với các doanh nghiệp, UBND TP. Hải Phòng yêu cầu Thanh tra Sở Xây dựng, UBND huyện Cát Hải và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện các thủ tục theo quy định để thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng của các doanh nghiệp tại các điểm kinh doanh du lịch tại vườn quốc gia Cát Bà, yêu cầu doanh nghiệp tự tháo dỡ công trình.

Trường hợp các doanh nghiệp không tự tháo dỡ các công trình vi phạm thì tổ chức cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả tháo dỡ công trình vi phạm để khôi phục lại tình trạng ban đầu theo quy định.

Sau khi thực hiện việc tháo dỡ các công trình, UBND TP. Hải Phòng giao vườn quốc gia Cát Bà cải tạo lại các khu vực trên để trồng cây, trả lại diện tích rừng tự nhiên, môi trường sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học cho vườn quốc gia Cát Bà.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã nhận được phiếu chuyển đơn của đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng kèm theo đơn của một số doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại đảo Cát Bà, huyện Cát Hải phản ánh, kiến nghị một số nội dung liên quan đến việc chính quyền thành phố Hải Phòng chỉ đạo vườn quốc gia Cát Bà tháo dỡ các công trình du lịch của 6 doanh nghiệp. 

Thủ tướng yêu cầu UBND TP. Hải Phòng kiểm tra, xử lý cụ thể nội dung đơn phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch theo quy định của pháp luật; trả lời đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng.

Tin mới lên