Hải Phòng 'khai tử' dự án FLC Diamond 72 Tower trị giá hơn 3.472 tỷ đồng

Trần Lưu - 23/11/2020 16:18 (GMT+7)

(VNF) - Sau khi được quyết định chủ trương đầu tư, đến nay Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC chưa thực hiện các thủ tục để làm cơ sở triển khai thi công các hạng mục của công trình. Do đó, UBND TP. Hải Phòng quyết định chấm dứt hiệu lực của quyết định chủ trương đầu tư dự án tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê tại số 4 Trần Phú, hay còn gọi là dự án FLC Diamond 72 Tower.

VNF
Dự án FLC Diamond 72 Tower bị khai tử dù đã động thổ hồi tháng 5.

UBND TP. Hải Phòng vừa có Quyết định số 3525/QĐ-UBND ngày 23/11/2020 chấm dứt hiệu lực của Quyết định số 2629/QĐ-UBND ngày 4/11/2019 của UBND thành phố quyết định chủ trương đầu tư dự án tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê tại số 4 Trần Phú, quận Ngô Quyền do Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC làm nhà đầu tư.

Theo đó, UBND TP. Hải Phòng giao các sở, ngành, địa phương liên quan rà soát, giải quyết các nội dung có liên quan (nếu có) khi chấm dứt hiệu lực của Quyết định số 2629 và báo cáo thành phố các vấn đề vượt thẩm quyền.

Dự án tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê tại số 4 Trần Phú, phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền được Ban Thường vụ Thành ủy đồng ý chủ trương đầu tư tại Thông báo số 914-TB/TU ngày 31/10/2019; UBND thành phố quyết định chủ trương đầu tư tại quyết định số 2629/QĐ-UBND ngày 4/11/2019.

Dự án có quy mô đầu tư tổ hợp, khách sạn, trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê cao khoảng 70 tầng, dự kiến gồm 2 tầng hầm, 6 tầng đế và khối tháp cao 64 tầng, bao gồm cả tầng kỹ thuật và tầng lánh nạn với diện tích đất sử dụng 13.486,1m2…

Sau khi được UBND TP. Hải Phòng quyết định chủ trương đầu tư, đến nay Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC chưa thực hiện các thủ tục để làm cơ sở triển khai thi công các hạng mục của công trình dự án gồm: ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án theo quy định của pháp luật và thỏa thuận ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án tại Sở Kế hoạch và Đầu tư; thuê đất thực hiện dự án tại Sở Tài nguyên và Môi trường; thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế thi công và cấp giấy phép xây dựng công trình…

Trước đó, hồi đầu tháng 5/2020, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC đã làm lễ động thổ dự án tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê FLC Diamond 72 Tower. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.472 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 13.486m2 với chiều cao 72 tầng (2 tầng hầm và 70 tầng nổi, cao 290m).

Theo kế hoạch, dự án sẽ được hoàn thành trong thời gian 36 tháng, tính từ ngày được cấp phép xây dựng công trình.

Với chiều cao 290m, FLC Diamond 72 Tower sau khi hoàn thành sẽ trở thành tòa tháp cao nhất Hải Phòng và là một trong ba toà tháp cao nhất tại Việt Nam, bên cạnh tòa Vincom Landmark 81 (461m) và toà nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower (336m).

Về dự án này, đại diện Tập đoàn FLC cho biết, đây là một trong những dự án trọng điểm của doanh nghiệp tại miền Bắc. Ngay sau khi nhận được chủ trương đầu tư, Tập đoàn đã xúc tiến thực hiện công tác khảo sát địa chất, tổ chức nghiên cứu, thiết kế dự án theo quy định.

Tuy nhiên, theo phương án quy hoạch bước đầu của Hải Phòng, các hạng mục tiện ích của dự án chưa phù hợp với tiêu chí về sản phẩm dịch vụ và khó đáp ứng được nhu cầu của thị trường, đặc biệt trong bối cảnh thị trường có nhiều thay đổi như hiện nay. Do đó, chủ đầu tư đã đề nghị bổ sung chức năng hỗn hợp với dự án (điều chỉnh thêm hạng mục căn hộ cao cấp bên cạnh khối văn phòng và khách sạn) để đảm bảo tính hiệu quả và khả thi trong khai thác, vận hành. Trong thời gian chờ phản hồi từ thành phố, doanh nghiệp chưa thể triển khai các thủ tục đầu tư liên quan.

"Việc ngừng dự án là giải pháp không mong muốn nhưng doanh nghiệp buộc phải lựa chọn nếu không đạt được đồng thuận trong phương án quy hoạch nhằm đảm bảo tối ưu về khả năng khai thác, kinh doanh", đại diện FLC cho biết".

Xem thêm >>> FLC động thổ tòa tháp 72 tầng tại Hải Phòng, cao thứ 3 Việt Nam

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.