Hàng trăm tỷ USD chảy khỏi Trung Quốc: Tích trữ vàng thỏi, mua căn hộ ở Tokyo

Thanh Tú - 28/11/2023 19:39 (GMT+7)

(VNF) - Từ đầu năm tới nay, những người Trung Quốc giàu có đã chuyển hàng trăm tỷ USD ra khỏi đất nước bằng cách sử dụng tiền tiết kiệm để mua căn hộ, cổ phiếu và hợp đồng bảo hiểm ở nước ngoài.

Dòng tiền ồ ạt chảy khỏi Trung Quốc

Sau thời gian dài không thể xuất cảnh vì các lệnh hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19, việc có thể bay trở lại Tokyo, London và New York đã tạo điều kiện cho du khách Trung Quốc mua các căn hộ ở Nhật Bản và đổ tiền vào các tài khoản ở Mỹ hoặc châu Âu với lãi suất cao hơn ở Trung Quốc, nơi lãi suất thấp và đang trong xu hướng giảm.

Sự dịch chuyển tiền ra nước ngoài một phần cho thấy sự bất an của người dân Trung Quốc về sự phục hồi chậm chạp của nền kinh tế hậu đại dịch cũng như những vấn đề sâu xa hơn, như sự sụt giảm đáng báo động của thị trường bất động sản, kho tài sản chính của các gia đình.

Khách du lịch Trung Quốc mua vàng miếng và phụ kiện bằng vàng tại LukFook, một cửa hàng trang sức ở Hong Kong.

Họ đã mua những thỏi vàng đủ nhỏ để rải một cách kín đáo trong hành lý xách tay cũng như lượng lớn ngoại tệ để mang ra nước ngoài.

“Bất động sản cũng là một lựa chọn”, ông Zhao Jie, giám đốc điều hành của Shenjumiaosuan, một dịch vụ niêm yết bất động sản trực tuyến ở Tokyo cho hay.

Theo ông Zhao, người Trung Quốc đã nổi lên như những người mua chính các căn hộ ở Tokyo có giá từ 3 triệu USD trở lên và họ thường thanh toán bằng vali tiền mặt. “Đếm loại tiền mặt này thực sự rất khó khăn”, ông Jie chia sẻ.

Ông cho biết trước đại dịch, người mua Trung Quốc thường mua những căn hộ studio ở Tokyo với giá từ 330.000 USD trở xuống để cho thuê. Bây giờ họ đang mua những căn hộ lớn hơn nhiều và xin thị thực đầu tư để chuyển gia đình của họ tới.

Park Tower Harumi, căn hộ sang trọng ở Tokyo đã thu hút người mua Trung Quốc đại lục.

Nhìn chung, ước tính khoảng 50 tỷ USD mỗi tháng đã được rút ra khỏi Trung Quốc trong năm nay, chủ yếu là bởi các hộ gia đình Trung Quốc và các công ty thuộc khu vực tư nhân.

Mới đây, các chi nhánh của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) và Ngân hàng Thương mại Trung Quốc đã bán vàng miếng với giá cao hơn 7% so với các ngân hàng liên kết của họ ở đặc khu hành chính Hong Kong. Sự chênh lệch giá đó cho thấy rằng ở Trung Quốc, nhu cầu vàng rất cao và vàng có thể dễ dàng chuyển ra khỏi nước này.

Một thủ thuật khác mà người dân đại lục đang sử dụng để rút tiền ra khỏi Trung Quốc là mở tài khoản ngân hàng ở Hong Kong rồi chuyển tiền để mua các sản phẩm bảo hiểm giống như chứng chỉ tiền gửi ngân hàng.

Những khu vườn của Tháp Branz Toyosu, một khu chung cư cao cấp khác ở Tokyo cũng đã thu hút người mua từ Trung Quốc đại lục.

Theo Cơ quan Bảo hiểm Hong Kong, phí bảo hiểm mới bán cho người dân đại lục đến thăm thành phố này trong nửa đầu năm nay cao hơn 21,3% so với nửa đầu năm 2019.

Ông Valerius Luo, trưởng một đại lý bảo hiểm ở Hong Kong cho biết các gia đình Trung Quốc thường bỏ từ 30.000 đến 50.000 USD vào các sản phẩm bảo hiểm, gấp nhiều lần so với trước đây, khi họ tìm kiếm những nơi an toàn để gửi tiền tiết kiệm của mình.

Chính quyền ra tay

Dòng tiền chảy ra quy mô lớn đã gây ra các cuộc khủng hoảng tài chính trong những thập kỷ gần đây ở Mỹ Latinh, Đông Nam Á và thậm chí cả Trung Quốc vào cuối năm 2015 và đầu năm 2016.

Cho đến nay, chính phủ Trung Quốc dường như vẫn vững chắc niềm tin rằng tình hình đã được kiểm soát. Dòng tiền chảy ra khỏi Trung Quốc đã làm suy yếu đồng nhân dân tệ so với đồng USD và các loại tiền tệ khác. Và sự yếu kém đó của đồng nhân dân tệ đã giúp duy trì hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc, hỗ trợ hàng chục triệu việc làm cho người dân Trung Quốc.

Đồng nhân dân tệ đã giảm giá trị vào đầu năm nay xuống mức thấp nhất trong 16 năm, dao động quanh mức 7,3 nhân dân tệ đổi 1 USD trong suốt hai tháng qua, trước khi tăng nhẹ vào tuần trước.

Các chuyên gia cho biết tốc độ dòng tiền rời khỏi Trung Quốc có lẽ chưa đủ để gây ra rủi ro lớn đối với nền kinh tế trị giá 17 nghìn tỷ USD của nước này, phần lớn là do kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng sản xuất chính của đất nước đang tăng trưởng mạnh, mang lại dòng tiền ổn định.

Ông Wang Dan, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại văn phòng Thượng Hải của Ngân hàng Hang Seng, cho biết dòng tiền ra khỏi Trung Quốc “rất dễ quản lý”.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc vẫn đang dựa vào một số giới hạn rút tiền ra khỏi đất nước mà họ áp đặt để ngăn chặn cuộc khủng hoảng tiền tệ như đã từng xảy ra 8 năm trước.

Các hạn chế khác được áp đặt khi đó, như giám sát xuất khẩu và nhập khẩu để phát hiện các âm mưu chuyển tiền quốc tế trá hình, đã hết hiệu lực và chưa được áp dụng lại trong năm nay ngay cả khi dòng tiền chảy ra đã tiếp tục.

Dòng tiền chảy ra khỏi Trung Quốc gần tương ứng với lượng tiền mang về từ thặng dư thương mại lớn của nước này. Trung Quốc đang xuất khẩu ngày càng nhiều tấm pin mặt trời, ô tô điện và các sản phẩm tiên tiến khác.

Dòng tiền chảy ra khỏi Trung Quốc ồ ạt xảy ra cách đây 8 năm là do thị trường chứng khoán sụp đổ và một nỗ lực thất bại nhằm phá giá đồng tiền một cách có kiểm soát. Ngân hàng trung ương Trung Quốc khi đó đã phải chi tới 100 tỷ USD tiền dự trữ nước ngoài mỗi tháng để hỗ trợ đồng nhân dân tệ.

Tuy nhiên, Trung Quốc dường như chỉ chi khoảng 15 tỷ USD mỗi tháng kể từ giữa mùa hè để ổn định đồng tiền của mình, theo dữ liệu của PBoC.

Ông Brad Setser, chuyên gia tài chính quốc tế tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết: “Không có gì cho thấy sự hỗn loạn. Quy mô áp lực vẫn nhỏ hơn nhiều so với năm 2015 hoặc 2016.”

Người dân Trung Quốc mua sắm trang sức tại LukFook.

Dòng vốn chảy ra nước ngoài trong năm 2015 và 2016 phản ánh nỗ lực của các công ty nhà nước lớn trong việc chuyển một lượng tiền lớn ra nước ngoài. Ngày nay, chính phủ nắm quyền kiểm soát chính trị chặt chẽ hơn đối với các công ty đó và không có dấu hiệu nào về việc họ vội vã rút lui.

Thay vào đó, các công ty tư nhân và hộ gia đình ở Trung Quốc đã chuyển tiền ra nước ngoài. Nhưng phần lớn tài sản của người dân gắn liền với bất động sản và không thể dễ dàng bán đi.

Đồng thời, các doanh nghiệp đổi tiền bất hợp pháp ở Thượng Hải, Thâm Quyến và các thành phố khác từng đổi nhân dân tệ sang USD và các ngoại tệ khác đã bị cảnh sát đóng cửa cách đây 8 năm.

Bắc Kinh cũng đã cấm hầu hết các khoản đầu tư ra nước ngoài vào các khách sạn, tòa tháp văn phòng và các tài sản khác.

Xem thêm >> Trung Quốc trấn áp tham nhũng tài chính, tăng gấp 4 lần cuộc điều tra trong 3 năm

Theo The New York Times
Cùng chuyên mục
Tin khác