Hé lộ nguyên nhân khiến gói thầu A3 cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sụt lún nghiêm trọng

Nhóm phóng viên - 07/11/2018 08:59 (GMT+7)

(VNF) - Dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi mới đưa vào sử dụng từ tháng 9/2018 nhưng đã nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng. Riêng tại gói thầu A3 (đoạn nút giao Dung Quất) còn phát hiện sai phạm ngay từ khâu phê duyệt gói thầu, đây là nguyên nhân khiến nút giao này sụt lún nghiêm trọng, dự kiến dừng 300 ngày sửa chữa.

VNF
Hình ảnh nút giao Dung Quất thuộc gói thầu A3, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Sai từ thiết kế

Được biết, gói thầu A3 dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi do Công ty TNHH Tập đoàn xây dựng Giang Tô (Trung Quốc) thi công. Trong đó, các bên liên quan gồm: Tư vấn giám sát CDM Smith Inc; nhà thầu chính thi công Công ty Giang Tô; nhà thầu phụ Công ty Anh Cường, Công ty Pacific; đơn vị quan trắc lún Công ty TNHH Thế giới kỹ thuật đã tiến hành kiểm tra, đánh giá.

Quá trình thiết kế nút giao tại gói thầu này đã có sai phạm nghiêm trọng. Ngay tại bản vẽ được Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thể hiện rõ cao độ nền đường không đủ tiêu chuẩn xử lý nền đất yếu.

Cụ thể, gói thầu này chỉ phê duyệt đắp 60cm đất nền đường, vì thế đã nảy sinh tình trạng sụt lún nghiêm trọng.

Theo các chuyên gia giao thông, việc đắp, xử lý nền đất yếu như vậy là vi phạm quy trình 262-2000, bởi quy trình 262-2000 quy định rất rõ về cao độ đỉnh thoát nước tối thiểu bằng tổng lún theo thiết kế.

“Ví dụ, tổng lún đoạn tuyến này là 1,8m đến 2m nhưng nhà thầu chỉ đắp có 60cm thì việc sụt lún nghiêm trọng xảy ra là đường nhiên. Đây là những sai phạm ngay từ khâu thiết kế”, vị chuyên gia này giải thích.

Vết nứt lớn tại gói thầu A3, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được phát hiện ngay trong quá trình thi công

Nứt đường từ khi thi công

Chính vì đắp đất nền đường "mỏng" nên ngay trong quá trình thi công, gói thầu A3 (đoạn nút giao Dung Quất) đã từng xảy ra tình trạng nứt toác nghiêm trọng.

Biên bản kiểm tra hiện trường ngày 29/5/2017 cho thấy gói thầu A3 xảy ra vết nứt nền đường có bề rộng từ 3cm đến 10cm kéo dài từ Km0+090 đến Km0+280. Theo số liệu quan trắc lún, tốc độ lún tại vị trí trên vào ngày 25/5 là 9mm, ngày 26/5 là 16mm.

Trước tình trạng đó, Tư vấn giám sát CDM Smith Inc (TVGS) và bộ phận quan trắc lún đã có cảnh báo yêu cầu nhà thầu dừng đắp đất vào ngày 26/5. Tuy nhiên, đến ngày 27/6 lại tiếp tục xuất hiện vết nứt trên nền đường và lún trồi ngoài chân taluy bên phải nền đường nhánh A rất nguy hiểm cho công trình.

Ngoài ra, tại vị trí nút giao nhánh C1 thuộc gói thầu A3, tốc độ lún từ ngày 27/5/2017 đã vượt quá 10cm. Do đó, TVGS đã yêu cầu nhà thầu dừng đắp đất và phải dỡ bớt tải trọng.

Trước vấn đề sụt lún nghiêm trọng, ngày 3/6/2017, TVGS CDM Smith Inc đã có thư về việc dừng thi công đắp gia tải trước nền đường tại đoạn Km0+114 – Km0+348, nhánh A nút giao Dung Quất của gói thầu A3.

Trong thư, TVGS CDM Smith Inc yêu cầu nhà thầu Công ty Giang Tô dừng đắp nền đường ngay lập tức đồng thời phải hạ tải nền đường với khoảng ít nhất 1,5m cho nhánh B, nhánh C1 (tức là phải đảm bảo quy trình 262-2000); tiếp tục quan trắc lún và chuyển vị ngang 2 lần/ngày, theo dõi chặt chẽ số liệu và báo cáo kịp thời đến tư vấn để phân tích.

Bộ Giao thông “tuýt còi”

Trước tình trạng sụt lún, sai thiết kế ngay trong quá trình phê duyệt, thi công gói thầu A3, cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, ngày 17/3/2017, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đã có văn bản số 2747/BGTVT-CQLXD yêu cầu chấn chỉnh công tác quản lý chất lượng, tiến độ thi công dự án đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi.

Thứ trưởng yêu cầu VEC chỉ đạo TVGS, nhà thầu các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát, khắc phục kịp thời đối với các đoạn đã thi công không tuân thủ tiêu chuẩn, kỹ thuật của dự án.

“Cụ thể, trên tuyến một số vị trí khi thi công đá dăm lớp trên sử dụng máy san để thi công, các vị trí đường đầu cầu, cống bố trí máy móc thi công chưa phù hợp theo hợp đồng đã ký kết…. Đồng thời, kiểm tra ngay các nhà thầu thi công bê tông nhựa lớp C19 với bề rộng khoảng 14m, tuy nhiên số lượng máy lu chỉ bố trí tương đương bề rộng khoảng 7m… ảnh hưởng đến chất lượng công trình”, công văn nêu rõ.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng yêu cầu VEC chỉ đạo tư vấn, nhà thầu lập tiến độ thi công chi tiết, đặc biệt tại các đường “găng” của dự án là các vị trí đường đầu cầu, cống.

Chỉ sau khi bị Bộ Giao thông vận tải “tuýt còi”, dự án đã buộc phải điều chỉnh để thay đổi giải pháp xử lý nền đất yếu tại gói thầu A3.

Ngay sau đó, ông Phan Quang Hiển, Cục phó Cục Quản lý xây dựng & Chất lượng công trình giao thông, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản 2865/CQLXD – ĐB2 ngày 25/10/2017, đề nghị VEC rà soát xác định rõ nguyên nhân sụt lún, nứt nền đường tại nhánh A; nguyên nhân dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế đối với nhánh giao Dung Quất và trách nhiệm của các bên (nếu có).

 Đổ lỗi nền đất yếu

Trả lời báo chí, ông Lê Quang Hào,  Phó tổng giám đốc VEC thừa nhận nút giao cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với đường Trì Bình - Dung Quất sụt lún quá mức so với tính toán ban đầu. Vì vậy, hạng mục này sẽ chậm tiến độ 6 tháng so với dự kiến.

Tuy nhiên, vị Phó tổng giám đốc này chống chế rằng tình trạng sụt lún là do có địa tầng phức tạp, nền đất yếu nên khi đắp nền đã xảy ra sụt lún. “Trước khi thi công, địa điểm này đã được khoan thăm dò để tính toán mức độ lún. Tuy nhiên, giữa tính toán trên lý thuyết với thực tế thi công sẽ có sự chênh nhau. Theo kế hoạch, nút giao này sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018. Tuy nhiên, mức độ lún vượt tính toán ban đầu dẫn đến chậm tiến độ. Dự kiến đến tháng 6/2019 mới có thể hoàn thành”, ông Hào nói.

Tuy nhiên, đa phần các chuyên gia giao thông đều khẳng định: Nếu xử lý nền đất yếu mà chỉ đắp 60cm đất, cát theo thiết kế ban đầu là sai so với quy định 262-2000. Vì thế, khó có thể biện minh cho việc sụt lún nghiêm trọng tại gói thầu này.

Như vậy, trong khi “chờ” nút giao Dung Quất hoàn thành sau 300 ngày nữa thì các phương tiện giao thông tại khu kinh tế Dung Quất muốn sử dụng đường cao tốc phải ra tận Chu Lai mới có đường vào.

Gói thầu A3 dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi dài 10,6 km do Công ty TNHH công trình giao thông tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) trúng thầu. Tổng giá trị gói thầu khoảng 1.360 tỷ đồng từ nguồn vốn vay Ngân hàng thế giới (WB). Sau hơn 2 tháng thông xe, hàng loạt cầu, hầm chui dân sinh tại gói thầu A3 bị thấm dột. Bên cạnh đó, bê tông mái taluy qua đoạn này cũng vỡ nát, một số điểm tại nút giao Dung Quất bị sụt lún nghiêm trọng..
Cùng chuyên mục
Tin khác