Him Lam ký biên bản ghi nhớ đầu tư 6,2 tỷ USD làm dự án ở Hậu Giang
Bảo Duy -
18/07/2022 20:39 (GMT+7)
(VNF) - UBND tỉnh Hậu Giang đã ký biên bản ghi nhớ với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn, mở ra cơ hội phát triển mới cho tỉnh. Trong đó, dự án được ký biên bản ghi nhớ có quy mô lớn nhất với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6,2 tỷ USD trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch là của Tập đoàn Him Lam.
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022, UBND tỉnh Hậu Giang đã trao 12 chứng nhận quyết định chủ trương đầu tư, với tổng mức đầu tư 18.959 tỷ đồng, tổng diện tích 290 ha.
Trong đó có nhiều dự án lớn, như: dự án trung tâm công nghiệp thực phẩm Miền Tây (3.500 tỷ đồng); dự án khu dân cư thương mại Vị Thanh (5.649 tỷ đồng); dự án nhà máy chế biến gạo chất lượng cao Vì Dân (1.134 tỷ đồng); dự án khu đô thị mới khu vực 4, phường V, TP. Vị Thanh (2.700 tỷ đồng); dự án khu đô thị mới phường V, TP. Vị Thanh và ấp 7, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy (2.000 tỷ đồng); dự án khu đô thị mới Ngã Bảy 3 (1.119 tỷ đồng); dự án khu nhà ở xã hội tại ấp Mái Dầm, xã Đại Thành, TP. Ngã Bảy (1.042 tỷ đồng)…
Tỉnh Hậu Giang cũng đã ký biên bản ghi nhớ với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn, mở ra cơ hội phát triển mới cho tỉnh; đồng thời, tiếp nhận nhiều khoản tài trợ, ủng hộ của các nhà đầu tư dành cho công tác an sinh xã hội tại địa phương.
Trong đó, dự án được ký biên bản ghi nhớ có quy mô lớn nhất với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6,2 tỷ USD (tương đương khoảng 142.600 tỷ đồng) trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch của Tập đoàn Him Lam.
Các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư lần này còn có: Công ty Cổ phần Tập đoàn Alphanam đầu tư xây dựng các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, đô thị, du lịch với tổng vốn dự kiến khoảng 10.000 tỷ đồng; Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc đầu tư xây dựng các dự án trong lĩnh vực hạ tầng công nghiệp với diện tích 425ha, tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng; Công ty Cổ phần FPT đầu tư các lĩnh vực chuyển đổi số và giáo dục và đô thị với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 10.000 tỷ đồng; Tập đoàn Sao Mai đầu tư xây dựng các dự án trong lĩnh vực điện gió, điện mặt trời, đô thị với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 30.000 tỷ đồng…
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120 về phát triển vùng ĐBSCL, quy hoạch vùng ĐBSCL đã được phê duyệt, các công trình hạ tầng chiến lược của vùng và liên vùng đang được ưu tiên đầu tư. Trong đó, Hậu Giang hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi và có tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển.
Thủ tướng gợi mở một số lĩnh vực để các nhà đầu tư xem xét, cân nhắc, ưu tiên đầu tư vào Hậu Giang như đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển đô thị; chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển công nghiệp, nhất là năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp thực phẩm, đồng thời phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, nông nghiệp hữu cơ; đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ, nhất là đầu tư phát triển du lịch, logistics, hạ tầng thương mại, công nghệ thông tin…
Thủ tướng cũng đề nghị Hậu Giang cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương và các địa phương, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tạo sự hấp dẫn các nhà đầu tư, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone