'Khởi nghiệp nhiều ước mơ song phải có tầm nhìn thực tế'

Hà Thanh - 25/11/2019 15:27 (GMT+7)

Với vai trò thành viên hội đồng chuyên môn bình chọn Startup Việt 2019 do báo VnExpress tổ chức, ông Phạm Phú Ngọc Trai - nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu (GIBC) đưa ra góc nhìn về các startup tham gia cuộc thi năm nay.

VNF
Ông Phạm Phú Ngọc Trai trong buổi trao đổi với Top 15 Startup Việt 2019. Ảnh: Thành Nguyễn.

- Những dự án tham gia Startup Việt 2019 có những điểm đột phá nào, thưa ông?

Ông Phạm Phú Ngọc Trai: Đa số startup dự thi năm nay đều cho thấy tính thực tế cao, mang đến mức độ tin cậy cho thành viên hội đồng. Họ sử dụng nền tảng công nghệ là chính để giải quyết câu chuyện xã hội đang cần, đóng góp giá trị vào sự phát triển của cộng đồng trên nhiều mặt. Công nghệ thì ở đâu cũng giống nhau. Lần này các bạn nhìn ra được vấn đề một cách tự nhiên, có mô hình kinh doanh cụ thể, quan tâm về nguồn nhân lực, về con người. Trong top 15, có nhiều dự án giống nhau về mục tiêu, hướng đi. Đây cũng là cơ hội để các bạn có thể cạnh tranh với nhau hoặc hợp tác để cùng lớn mạnh.

- Họ cần chú trọng yếu tố nào để giảm thiểu rủi ro?

Quản trị rủi ro là tất yếu, bên cạnh đó phải có kiến thức. Dĩ nhiên khi thực hiện, startup có nhiều suy nghĩ, ước mơ nhưng không nên xa rời thực tế. Đứng về ý tưởng, có thể mình thấy nó sẽ thành công vì đó là nhu cầu của xã hội. Nhưng để quản trị đi đến thành công, các bạn cần tập trung vào nhiều yếu tố: marketing, thảo luận, làm sao để xây dựng được thương hiệu... Cuối cùng phải đánh giá dựa trên hiệu quả về lợi nhuận, khảo sát yếu tố môi trường, xã hội, kinh tế.

- Ông mong chờ các đội thể hiện điều gì?

Tầm nhìn của các dự án là cái tôi quan tâm nhất. Có tầm nhìn rõ ràng sẽ giúp các bạn đi được trên con đường xa và dài. Tuổi thọ của startup tại Việt Nam không thể so sánh với trên thế giới, vì chặng đường khởi nghiệp của chúng ta còn mới. Tầm nhìn khác ước mơ, nó sẽ vẽ nên con đường đi, theo yêu cầu thật sự của xã hội và của quốc gia. Đó cũng là lý do tại sao nhiều dự án có ý tưởng tốt nhưng không tồn tại, không phát triển, vì thiếu tầm nhìn và nhiều điều kiện xung quanh khác. 

Đến thời điểm này, tôi thấy rằng hệ sinh thái khởi nghiệp đã phát triển tương đối tốt, dù vẫn chưa thật đồng đều ở các địa phương. Những dự án năm nay có sự thay đổi tốt, môi trường hệ sinh thái chung đang có những dẫn dắt startup đi theo chiều hướng thực tế nhiều hơn. Tôi muốn chia sẻ với các bạn trẻ rằng không ai đánh thuế ước mơ, song phải thực tế.

- Như vậy các startup có cần đi theo con đường khởi nghiệp bền vững?

Giá trị một dự án khởi nghiệp có thể nhìn nhận ở nhiều góc độ. Hiển nhiên doanh số, hiệu quả về mặt lợi nhuận cũng là một mặt. Nhưng một tiêu chí quan trọng không kém, liên quan đến cộng đồng nhưng chúng ta chưa có thước đo để đánh giá. Tất cả các startup tham gia năm nay đều hướng đến tiêu chí này.

Sự bền vững dựa vào những giá trị đem lại cho xã hội, không chỉ là kinh tế dù đó là bắt buộc. Ở Startup Việt, không đặt vấn đề công ty xã hội, nhưng một thực tế cho thấy khi phát triển, các bạn gắn lợi ích phát triển kinh tế của mình vào lợi ích của xã hội và môi trường nhiều. Đơn cử có thể kế đến những dự án về nguồn nhân lực, phúc lợi xã hội cho người lao động, dự án về sức khỏe hay dự án tạo nền tảng giáo dục chia sẻ kiến thức cho cộng đồng... Sau khi thống kê lại, tỷ trọng này có chiều hướng tăng theo mỗi năm. 

- Làm thế nào gắn kết các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp?

Nếu bạn có mục tiêu phát triển trở thành đối thủ cạnh tranh của các thương hiệu lớn, đó cũng là một hướng. Còn những ai thiên về yếu tố về cộng đồng, tính bền vững, có thể tìm những đối tác đồng điệu, cùng đi chung và chia sẻ giá trị với nhau. Chẳng hạn, dự án Trip Hunter có thể kết hợp cùng Liberzy vì họ có giá trị chung, có hoài bão muốn đưa du lịch Việt Nam đi lên.

- Ông có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ để trở thành startup "kỳ lân"?

Muốn trở thành "kỳ lân", các bạn phải có khát vọng rất lớn, tầm nhìn rõ ràng. Tôi nhìn thấy khát vọng của nhiều bạn trẻ và kỳ vọng họ sẽ thành công hơn nếu biết kết hợp với các doanh nghiệp đã có kinh nghiệm đi trước hoặc các startup có cùng một hướng đi và các nguồn lực có thể bổ sung cho sự phát triển chung... Khi bạn đủ mạnh để tồn tại thì doanh nghiệp sẽ phát triển tốt. Điều đó tùy thuộc vào nhiều thứ như năng lực, bản lĩnh của người lèo lái con thuyền, song chúng ta có quyền hy vọng.

Theo VNE
Cùng chuyên mục
Tin khác