Kịch bản ông Trump đắc cử: Thương chiến Mỹ - Trung lên tầm cao mới

Quỳnh Anh - 25/07/2024 09:00 (GMT+7)

(VNF) - Theo các nhà quan sát, cựu Tổng thống Donald Trump có thể sẽ đưa chính sách chiến tranh thương mại của mình lên một tầm cao mới nếu ông được bầu vào nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng và khiến mối quan hệ Mỹ - Trung gia tăng căng thẳng.

Gia tăng căng thẳng thương mại với Bắc Kinh

Mặc dù Tổng thống Joe Biden cũng đặt cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc lên hàng đầu trong chính sách kinh tế của mình, các nhà kinh tế và chuyên gia thương mại phần lớn dự đoán ông Trump sẽ khiến mối quan hệ thương mại giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới trở nên căng thẳng hơn nữa.

Ông Eswar Prasad, giáo sư kinh tế tại Đại học Cornell, nhận định: “Chiến thắng của ông Trump rất có thể sẽ làm gia tăng sự thù địch về thương mại và kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc, đẩy nhanh sự tách biệt về thương mại và tài chính giữa hai nước”.

Ông Prasad, người trước đây từng là người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tài chính và Trung Quốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), giải thích rằng mặc dù ông Trump và ông Biden đều có lập trường cứng rắn với Trung Quốc, chiến lược và chiến thuật của họ lại rất khác nhau.

“Ông Trump dựa vào thuế quan để ngăn chặn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Còn ông Biden, dù vẫn duy trì các mức thuế quan đó và thậm chí tăng thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu, đã tập trung nhiều hơn vào việc hạn chế quyền tiếp cận của Trung Quốc đối với chuyển giao công nghệ và chip máy tính”, ông Prasad nói.

Ông Trump được dự đoán có nhiều khả năng thắng cử năm nay.

‘Người đánh thuế’

Sự thay đổi lớn nhất của ông Trump so với chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống Biden có thể là mức thuế quan áp dụng đối với Trung Quốc.

Ông Trump - từng tự xưng là “người đánh thuế”, đã gây ra một cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Ông đã áp đặt một loạt thuế đối với 250 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc, bất chấp cảnh báo rằng thuế quan sẽ làm tăng giá và gây tổn hại cho người tiêu dùng.

Sau khi đánh bại ông Trump vào năm 2020, ông Biden vẫn giữ nguyên mức thuế của người tiền nhiệm và thậm chí còn áp dụng thêm mức thuế của riêng mình, công bố mức thuế mới cứng đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá khoảng 18 tỷ USD, bao gồm xe điện, pin mặt trời, pin lithium, thép và nhôm.

Với kịch bản bà Kamala Harris, Phó Tổng thống Mỹ và hiện là ứng viên đầy tiềm năng của Đảng Dân chủ thay thế ông Joe Biden, lên nắm quyền vào tháng 11 năm nay, nhiều chuyên gia cho rằng chính sách thuế quan của ông Biden sẽ tiếp tục được duy trì.

Nhưng ngược lại, nếu ông Trump đắc cử, đề xuất tăng thuế nhập khẩu từ Trung Quốc ít nhất 60% là hoàn toàn có thể xảy ra.

Ông Stephen Weymouth, giáo sư kinh tế chính trị quốc tế tại Đại học Georgetown, cho biết: “Tôi không biết liệu ông Trump có sẵn sàng theo đuổi các biện pháp cực đoan như vậy hay không, nhưng tôi tin rằng ông ấy có thể sẽ tăng thuế quan ở một mức độ nào đó trong nhiệm kỳ thứ hai”.

Nhà kinh tế học Stephen Roach thì cho rằng việc ông Trump tăng thuế trong nhiệm kỳ thứ hai sẽ là “hành động tương đương với lựa chọn hạt nhân” trong xung đột kinh tế quốc tế.

Ảnh minh hoạ.

Ông William Reinsch, giáo sư về kinh doanh quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết mức thuế quan này có nguy cơ gây ra một cuộc chiến thương mại khác, chấm dứt hầu hết hoạt động trao đổi hàng hóa giữa hai nước với “chi phí kinh tế to lớn”.

Ngay cả khi mục đích của ông Trump không phải là tách rời hoàn toàn mà là buộc Bắc Kinh phải đàm phán một thỏa thuận thương mại có lợi hơn, ông Reinsch cho biết vẫn có rất ít lý do để tin rằng điều đó sẽ hiệu quả.

Trước đó, chính quyền cựu Tổng thống Trump đã đạt được ”thỏa thuận thương mại giai đoạn một” với Trung Quốc vào năm 2019, nhưng có rất ít điều khoản được tôn trọng và các giai đoạn tiếp theo đã không trở thành hiện thực.

Một số nhà bình luận cho biết việc ông Trump chọn Nghị sĩ JD Vance làm bạn đồng hành của mình càng cho thấy đảng Cộng hòa nghiêm túc với các kế hoạch áp thuế của mình. Thượng nghị sĩ đến từ Ohio là người ủng hộ mạnh mẽ việc áp thuế đối với Trung Quốc, coi quốc gia này là mối đe dọa lớn nhất mà Mỹ phải đối mặt

Ông Arthur Dong, giáo sư chiến lược và kinh tế tại Georgetown, cho biết: “Nếu tôi là nhà hoạch định chính sách về Trung Quốc, lựa chọn này sẽ khiến tôi phải lo lắng”.

Chiến tranh công nghệ

Trong hầu hết nhiệm kỳ của mình, các chính sách chủ chốt của chính quyền hai nhà lãnh đạo Biden-Harris tập trung vào việc hạn chế quyền tiếp cận chuyển giao công nghệ của Trung Quốc và chỉ đạo trợ cấp trong nước để phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao và chuỗi cung ứng tại Mỹ.

Theo đó, chính quyền này đã mở rộng đáng kể danh sách các công nghệ và công ty Trung Quốc chịu sự kiểm soát xuất khẩu của Mỹ trong nỗ lực cắt giảm hỗ trợ cho các ngành công nghệ quan trọng tại Trung Quốc, chẳng hạn ngành bán dẫn.

Chính quyền TT Biden cũng công bố các quy định hạn chế đầu tư của Mỹ vào các công ty Trung Quốc đang phát triển công nghệ nhạy cảm, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.

Động thái lớn nhất và đáng kể nhất của thời kỳ này là việc Đạo luật CHIPS và Khoa học được ký thành luật vào tháng 8/2022, dành gần 53 tỷ USD để đầu tư vào sản xuất chất bán dẫn và nghiên cứu trong nước nhằm tăng khả năng cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc.

Theo các chuyên gia, những biện pháp kiểm soát tương tự cũng sẽ được ban hành nếu như ông Trump thành công trong cuộc đua Nhà Trắng vào tháng 11 năm nay.

Chris Miller, tác giả của cuốn sách “Chip War”, lưu ý rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và Đạo luật CHIPS đã được thông qua với sự ủng hộ của cả hai đảng tại Washington, và do đó, các chính sách như vậy có khả năng vẫn là ưu tiên bất kể điều gì xảy ra vào tháng 11.

Ông Miller cho biết: “Tôi dự đoán rằng Mỹ sẽ tăng cường các hạn chế lên một hoặc hai bậc bất kể ai thắng cử”.

Ngoại giao

Rorry Daniels, giám đốc điều hành Viện Chính sách Xã hội Châu Á, cho biết nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, nếu có, cũng sẽ tác động đến ngoại giao và đối thoại của Washington với Bắc Kinh ngoài các vấn đề thương mại.

Bà Rorry cho biết các kênh để hai nước thảo luận về các vấn đề chính sách đã giảm đáng kể dưới thời chính quyền ông Trump, trong khi chính quyền Biden nhấn mạnh các nỗ lực hợp tác ngoại giao.

Chính quyền hiện tại cũng đã tìm cách phối hợp chặt chẽ hơn với các “đối tác có cùng chí hướng”, chẳng hạn như vận động Nhật Bản và Hà Lan hợp tác về các hạn chế liên quan đến chất bán dẫn.

Nick Marro, nhà phân tích hàng đầu về thương mại toàn cầu của Economist Intelligence Unit, cho biết: ”Điều đó vừa giúp giảm thiểu tác động tiêu cực từ các hành động chính sách thương mại của ông ấy (Joe Biden), vừa giúp chúng trở nên hiệu quả hơn theo nhiều cách”. Ông Nick cũng nói thêm rằng ông hy vọng bất kỳ chính quyền Dân chủ nào trong tương lai cũng sẽ duy trì cách tiếp cận đa phương này.

Mặt khác, nhà phân tích này cho biết ông Trump sẽ chọn cách tiếp cận “tự giải quyết” và lựa chọn một cơ chế cho phép Mỹ áp dụng các biện pháp đối nghịch với Trung Quốc một cách quyết liệt hơn.

Mặc dù vậy, ông Nick Marro cũng lưu ý rằng có thể Bắc Kinh sẽ không tỏ ra hào hứng với bất kỳ ứng cử viên Tổng thống Mỹ nào.

“Có cảm giác rằng, bất kể đảng nào nắm quyền tại Nhà Trắng, quan hệ Mỹ-Trung sẽ vẫn tiếp tục xấu đi trong suốt thập kỷ này”, chuyên gia này nhận định.

Theo CNBC
Mỹ - Trung xung đột căng thẳng, một quốc gia Đông Nam Á hưởng lợi lớn

Mỹ - Trung xung đột căng thẳng, một quốc gia Đông Nam Á hưởng lợi lớn

Công nghệ
(VNF) - Căng thẳng công nghệ Mỹ - Trung leo thang đã thúc đẩy nhiều công ty mở nhà máy bán dẫn ở Đông Nam Á, trong đó Malaysia nổi lên như một điểm nóng.
Cùng chuyên mục
Tin khác