Mỹ - Trung xung đột căng thẳng, một quốc gia Đông Nam Á hưởng lợi lớn
Quang Đăng -
04/04/2024 22:20 (GMT+7)
(VNF) - Căng thẳng công nghệ Mỹ - Trung leo thang đã thúc đẩy nhiều công ty mở nhà máy bán dẫn ở Đông Nam Á, trong đó Malaysia nổi lên như một điểm nóng.
Sở hữu loạt ưu thế
Ông Kenddrick Chan, người đứng đầu dự án quan hệ quốc tế kỹ thuật số tại LSE IDEAS - một tổ chức nghiên cứu chính sách đối ngoại của Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London, cho biết: “Malaysia có cơ sở hạ tầng được thiết lập tốt với khoảng 5 thập kỷ kinh nghiệm trong lĩnh vực ‘phụ trợ’ cho quy trình sản xuất chất bán dẫn, đặc biệt là lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói”.
Chất bán dẫn là thành phần quan trọng được sử dụng trong nhiều sản phẩm, từ điện thoại thông minh đến ô tô... Hiện đây là yếu tố trung tâm của cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung.
Hãng chip khổng lồ Intel của Mỹ vào tháng 12/2021 cho biết họ sẽ đầu tư hơn 7 tỷ USD để xây dựng một nhà máy đóng gói và thử nghiệm chip ở Malaysia, dự kiến bắt đầu sản xuất vào năm 2024.
Chia sẻ với CNBC, bà Aik Kean Chong, giám đốc điều hành Intel Malaysia, cho hay: “Quyết định đầu tư vào Malaysia của chúng tôi bắt nguồn từ nguồn nhân tài đa dạng, cơ sở hạ tầng tốt và chuỗi cung ứng mạnh mẽ”.
Cơ sở sản xuất ở nước ngoài đầu tiên của Intel là địa điểm lắp ráp ở Penang (khu đô thị lớn thứ hai của Malaysia) được thành lập vào năm 1972 với khoản đầu tư 1,6 triệu USD. Công ty sau đó tiếp tục bổ sung một cơ sở thử nghiệm hoàn chỉnh và một trung tâm thiết kế và phát triển ở Malaysia.
Một “gã khổng lồ” chip khác của Mỹ là GlobalFoundries cũng đã mở một trung tâm ở Penang vào tháng 9 năm ngoái để “hỗ trợ các hoạt động sản xuất toàn cầu” cùng với các nhà máy ở Singapore, Mỹ và Châu Âu.
Ông Tan Yew Kong, phó chủ tịch cấp cao kiêm tổng giám đốc của GlobalFoundries Singapore cho biết: “Các chính sách có tư duy tiến bộ và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền khu vực cùng với các đối tác như InvestPenang đã xây dựng một hệ sinh thái mạnh mẽ để ngành công nghiệp bán dẫn phát triển”.
Được thành lập vào ngày 5/11/2004, InvestPenang là một tổ chức phi lợi nhuận với mục đích duy nhất là thúc đẩy đầu tư vào Penang.
Infineon, nhà sản xuất chip hàng đầu của Đức, hồi tháng 7/2022 cho biết họ sẽ xây dựng mô-đun chế tạo wafer thứ ba ở Kulim trong khi Neways, nhà cung cấp chính cho nhà sản xuất thiết bị chip Hà Lan ASML, cũng có kế hoạch xây dựng một cơ sở sản xuất mới ở Klang.
Ông Yinglan Tan, đối tác quản lý sáng lập của Insignia Ventures Partners, cho biết: “Lợi thế của Malaysia luôn là nguồn lao động lành nghề trong đóng gói, lắp ráp và thử nghiệm cũng như chi phí vận hành thấp hơn, giúp việc xuất khẩu trở nên cạnh tranh hơn trên toàn cầu”.
Ông Tan cũng cho biết vị thế hiện tại của đồng ringgit nội tệ của Malaysia khiến nước này trở thành một “địa điểm hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài”.
Cơ quan Phát triển Đầu tư Malaysia cho biết trong một báo cáo ngày 18/2 rằng, Malaysia nắm giữ 13% thị trường toàn cầu về mảng dịch vụ đóng gói, lắp ráp và thử nghiệm chip. Xuất khẩu thiết bị bán dẫn và mạch tích hợp tăng 0,03% lên 387,45 tỷ ringgit Malaysia (khoảng 81,4 tỷ USD) vào năm 2023, trong bối cảnh nhu cầu chip toàn cầu suy yếu.
Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Malaysia Datuk Seri Wong Siew Hai cho biết nhiều công ty Trung Quốc đã đa dạng hóa hoạt động sản xuất sang Malaysia và gọi quốc gia này là “+1” của Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn CNBC hồi tháng 1, ông Zafrul Aziz, Bộ trưởng đầu tư, thương mại và công nghiệp Malaysia, đặt mục tiêu tập trung vào “mặt trước” của quy trình sản xuất chip, thay vì chỉ “mặt sau”. Các quy trình mặt trước liên quan đến chế tạo tấm bán dẫn và quang khắc, trong khi các quy trình mặt sau tập trung vào việc đóng gói và lắp ráp.
Trong nỗ lực phát triển hệ sinh thái bán dẫn của đất nước và thu hút đầu tư, Malaysia vào tháng 1 đã thành lập lực lượng đặc nhiệm chiến lược bán dẫn quốc gia.
Hưởng lợi từ căng thẳng Mỹ - Trung
Bà May-Ann Lim, giám đốc thực hành quản trị dữ liệu tại công ty tư vấn chính sách công Access Partnership, cho biết: “Malaysia và châu Á nói chung đã sẵn sàng hưởng lợi từ cuộc chiến công nghệ Trung-Mỹ, nơi việc tiếp cận các chip bán dẫn tiên tiến đang được vũ khí hóa như một công cụ để thiết lập ưu thế công nghệ toàn cầu”.
Cũng giống Malaysia, các quốc gia như Ấn Độ và Nhật Bản đã và đang thu hút các công ty nước ngoài thiết lập hoạt động trên nước mình với mục tiêu trở thành trung tâm chip lớn cùng với Mỹ, Đài Loan và Hàn Quốc.
Ấn Độ vào tháng 2 đã phê duyệt xây dựng ba nhà máy bán dẫn với khoản đầu tư hơn 15 tỷ USD. Hồi tháng 6 năm ngoái, Ấn Độ cũng đã phê duyệt kế hoạch thành lập một đơn vị bán dẫn của "gã khổng lồ" chip nhớ Micron của Mỹ.
Trong cùng tháng, nhà sản xuất chip hợp đồng lớn nhất thế giới TSMC đã mở nhà máy đầu tiên ở Nhật Bản khi họ đa dạng hóa hoạt động ngoài Đài Loan trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung.
Washington đưa ra các quy định sâu rộng vào tháng 10/2022 nhằm hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ chip tiên tiến trong bối cảnh lo ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng chúng cho mục đích quân sự.
Năm ngoái, Mỹ đã công bố các quy định mới ngăn cản nhà thiết kế chip Nvidia bán chip AI tiên tiến cho Trung Quốc .
Vấn đề chảy máu chất xám
Trong khi Malaysia được hưởng lợi từ cuộc chiến chip Mỹ-Trung, việc chảy máu chất xám của nước này đặt ra thách thức khi người lao động rời khỏi đất nước để có triển vọng việc làm tốt hơn và mức lương cao hơn.
“Điều này có thể xảy ra nếu các công ty đầu tư vào việc nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động ở Malaysia, nhưng lại để mất họ vào tay các đối thủ khác trong khu vực khi họ có đủ kỹ năng”, bà Lim cho hay.
Một nghiên cứu chính thức được thực hiện vào năm 2022 cho thấy 3 trong số 4 công nhân Malaysia ở Singapore là người có tay nghề hoặc bán tay nghề, nêu bật vấn đề chảy máu chất xám của đất nước này.
“Liệu nhu cầu do đa dạng hóa chuỗi cung ứng tạo ra có được đáp ứng với đủ nguồn cung nhân tài lành nghề trong nước hay không vẫn là một thách thức”, ông Yinglan Tan, đối tác sáng lập của quỹ đầu tư mạo hiểm Insignia Ventures Partners, nhận định.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim hồi tháng 9 cho biết chính phủ đang tìm cách thu hút những người Malaysia có tay nghề cao quay trở lại và đóng góp cho đất nước.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone