Lâm Đồng: Bộ ba Hưng Thịnh, Đèo Cả, Nam Miền Trung xin tài trợ quy hoạch khu chức năng 15.000ha

Lệ Chi - 29/06/2021 20:26 (GMT+7)

(VNF) - Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho biết liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh - Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Miền Trung (gọi tắt liên danh) đã có đề xuất tài trợ lập quy hoạch và đăng ký đầu tư dự án tại huyện Lâm Hà.

VNF
Lâm Đồng: Bộ ba Hưng Thịnh, Đèo Cả và Nam Miền Trung xin tài trợ quy hoạch khu chức năng 15.000ha

Qua khảo sát và nghiên cứu khu đất diện tích khoảng 15.000ha thuộc huyện Lâm Hà, liên danh này nhận định khu đất phù hợp với mục tiêu hình thành một “khu đô thị mới tầm cỡ hiện đại, đồng bộ và đa chức năng”, trong đó nổi bật là: đô thị kết hợp với khoa học - giáo dục, đô thị hành chính, đô thị nông nghiệp kỹ thuật cao, đô thị sáng tạo, đô thị kết hợp sinh thái - dịch vụ.

Liên danh đề xuất và muốn được tiếp cận thông tin dự án, tài trợ khảo sát, lập quy hoạch tại vị trí nêu trên, đồng thời đề xuất được tiếp cận và đăng ký đầu tư trên khu đất theo phương thức phù hợp với quy định.

Sở Xây dựng cho biết UBND huyện Lâm Hà đã đồng ý cho tiếp cận thông tin, tài trợ khảo sát, lập quy hoạch chi tiết theo đề xuất của liên danh.

Phạm vi 15.000ha do liên danh đề xuất được xác định bao gồm thị trấn Nam Ban, các xã Mê Linh, Đông Thanh, Nam Hà, Gia Lâm, Phi Tô, huyện Lâm Hà và một phần thuộc xã Bình Thạnh, Hiệp Thạnh và Liên Hiệp, huyện Đức Trọng.

Sở Xây dựng cho biết, với quy mô phạm vi đề xuất tài trợ lập quy hoạch là 15.000ha thì phải lập đồ án quy hoạch chung xây dựng khu chức năng và trách nhiệm tổ chức lập đồ án do UBND tỉnh tổ chức lập, thẩm định về phê duyệt.

Do vậy, Sở Xây dựng đề xuất UBND tỉnh xem xét, chấp thuận chủ trương cho liên Hưng Thịnh - Đèo Cả - Nam Miền Trung được nghiên cứu, khảo sát và tài trợ lập quy hoạch chung xây dựng khu chức năng với quy mô 15.000ha như đề xuất.

Liên danh trên phải chịu mọi chi phí, rủi ro trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, lập đồ án; phải hợp đồng với đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm theo quy định nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng theo quy định.

Sau khi quy hoạch được phê duyệt, công ty phải bàn giao toàn bộ hồ sơ cho địa phương (không yêu cầu bồi hoàn kinh phí và không gắn với bất cứ điều kiện nào) để quản lý thực hiện quy hoạch, kêu gọi thu hút đầu tư, đấu nối đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn.

Vào cuối tháng 2/2021, bộ ba trên cũng đề xuất đầu tư dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, toàn tuyến dài 67km với quy mô đầu tư giai đoạn 1 có nền đường rộng 17m, 4 làn xe.

Tổng mức đầu tư sơ bộ giai đoạn 1 đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc khoảng 19.470 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước khoảng 9.151 tỷ đồng, vốn do nhà đầu tư PPP huy động khoảng 10.319 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục
Tin khác