'Làm mưa làm gió' tại Mỹ, app bán hàng Trung Quốc Shein và Temu bị sờ gáy

Quỳnh Anh - 23/06/2023 10:18 (GMT+7)

(VNF) - Một ủy ban của Hạ viện đang khám phá sự cạnh tranh kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc hôm 22/6 đã công bố một báo cáo về mối liên hệ giữa các "đại gia bán lẻ" Shein và Temu với hàng loạt vi phạm nghiêm trọng.

VNF
Shein và Temu đang bị điều tra về vấn đề lao động cưỡng bức cũng như hành vi trốn thuế quan tại Mỹ.

Theo kết quả do Ủy ban Tuyển chọn Hạ viện công bố ngày 22/5, các công ty thương mại điện tử Trung Quốc đã khai thác các kẽ hở thương mại để nhập hàng hóa vào Mỹ mà không phải trả thuế nhập khẩu hoặc trốn tránh việc đánh giá nhân quyền các lô hàng nhập khẩu.

Đối tượng được nhắc đến trong báo cáo của Uỷ ban Tuyển chọn Hạ viện Mỹ bao gồm Shein - một ứng dụng thương mại điện tử về thời trang và Temu - ứng dụng "anh em" với Pinduoduo tại Trung Quốc.

Cả 2 ứng dụng này đã tạo những làn sóng mới trong thị trường bán lẻ Mỹ nhờ giá rẻ, các chương trình khuyến mãi cũng như đa dạng về số lượng mặt hàng được bán. Shein và Temu từng nhiều lần đứng đầu trong số những ứng dụng được tải xuống nhiều nhất tại Mỹ trong nhiều tháng. Định giá của Temu ước tính hơn 100 tỷ USD, trong khi Shein gần đây được định giá 64 tỷ USD.

Báo cáo cho thấy các thương hiệu nhập khẩu khoảng 600.000 lô hàng vào Mỹ mỗi ngày vào năm 2022 và hiện tại có thể đã nâng cao con số này. Theo Mục 321 của Đạo luật thuế quan năm 1930, miễn thuế nhập khẩu nếu giá trị bán lẻ hợp lý của lô hàng không vượt quá 800 USD, rất có thể Shein và Temu đã vi phạm luật miễn thuế nhập khẩu của Mỹ do lượng hàng khổng lồ mà các công ty này nhập khẩu mỗi ngày.

Ngoài việc giảm thuế quan, các nhà lập pháp cho biết lỗ hổng này cũng cho phép các công ty cung cấp dữ liệu không chi tiết  cho Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ do khối lượng lớn các gói hàng nhỏ có giá trị dưới 800 USD.

Trong khi đó, các nhà bán lẻ Mỹ phải trả hàng triệu USD tiền thuế nhập khẩu mỗi năm. Thương hiệu quần áo Gap báo cáo đã trả 700 triệu USD vào năm 2022, H&M đã trả 205 triệu USD và nhà bán lẻ đồ cưới David’s Bridal đã trả hơn 17 triệu USD trong cùng năm, theo báo cáo.

Các nhà lập pháp cho rằng hành vi vi phạm thuế quan mang lại cho Temu và Shein những lợi thế không công bằng so với các nhà bán lẻ Mỹ. 

Báo cáo mới nhất của Uỷ ban tuyển chọn Hạ viện là phần tiếp theo của một cuộc điều lớn liên quan tới  các vấn đề lao động cưỡng bức của người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc, bắt đầu từ tháng 5. Theo đó, Nike, Adidas, Shein và Temu, là những công ty đầu tiên bị điều tra về vấn đề này.

Cả Shein và Temu đều phải đối mặt với cáo buộc vi phạm nhân quyền: Shein bị cáo buộc lao động cưỡng bức trong các nhà máy cung cấp của họ ở khu vực Tân Cương và Temu bị cáo buộc không tuân thủ Đạo luật Phòng chống Lao động Cưỡng bức Duy Ngô Nhĩ.

“Những kết quả này thật đáng kinh ngạc: Temu gần như không làm gì để giữ cho chuỗi cung ứng của họ không có lao động nô lệ. Đồng thời, Temu và Shein đang xây dựng đế chế xung quanh lỗ hổng tối thiểu trong các quy tắc nhập khẩu của chúng tôi, trốn thuế nhập khẩu và trốn tránh sự giám sát đối với hàng triệu hàng hóa mà họ bán cho người Mỹ”, ông Mike Gallagher, Chủ tịch Ủy ban tuyển chọn Hạ viện cho biết. 

Nhà lập pháp cho biết Temu đã yêu cầu hơn 80.000 nhà cung cấp Trung Quốc của mình chấp nhận việc vận chuyển hàng hóa được sản xuất bằng lao động cưỡng bức sang Mỹ và thực hiện một số biện pháp để giải quyết các vi phạm thuế quan.

Cuộc điều tra của ủy ban vẫn đang tiếp diễn. Trong khi đó, cả Temu và Shein chưa đưa ra bình luận về báo cáo mới nhất. Temu trước đây đã nói rằng công ty không đứng tên trên các lô hàng được nhập khẩu tới Mỹ, trong khi Shein từng bác bỏ các cáo buộc về lao động cưỡng bức.

Xem thêm >> Vượt Amazon và Walmart, nền tảng mua sắm trực tuyến Trung Quốc 'lên ngôi vua' tại Mỹ

Theo CNBC
Cùng chuyên mục
Tin khác