Lộ diện 2 nhóm liên danh cạnh tranh dự án hơn 14.000 tỷ đồng ở An Giang

Lệ Chi - 09/08/2022 12:01 (GMT+7)

(VNF) - Liên danh Vigecam - Geleximco và liên danh Thuận Việt cùng nhóm doanh nghiệp xây dựng cạnh tranh nhau tại dự án khu đô thị mới Tây Nam TP. Long Xuyên hơn 14.000 tỷ đồng ở An Giang.

VNF
Lộ diện 2 nhóm liên danh cạnh tranh dự án hơn 14.000 tỷ đồng ở An Giang

Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang vừa mở hồ sơ đăng ký thực hiện dự án khu đô thị mới Tây Nam TP. Long Xuyên.

Dự án này được đầu tư trên diện tích đất 46,02ha tại phường Mỹ Phước và phường Mỹ Quý, TP. Long Xuyên với tổng mức đầu tư 14.097 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng là 13.243 tỷ đồng; dự kiến sơ bộ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư là 830 tỷ đồng; tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa phải nộp tạm tính là 23,5 tỷ đồng.

Kết quả mở hồ sơ cho thấy, có 2 nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án gồm liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620 - Công ty Cổ phần Đầu tư Horizon - Công ty Cổ phần Xây dựng Tân Nam - Công ty TNHH Xây dựng thương mại Thuận Việt; liên danh Tổng công ty Vật tư nông nghiệp (Vigecam) - Tập đoàn Geleximco.

Bộ đôi “ông lớn” Geleximco - Vigecam

Trong nhóm nhà đầu tư trên, Geleximco là một trong những tập đoàn tư nhân nằm trong tốp doanh nghiệp lớn nhất tại Việt Nam. Trong những năm qua, doanh nghiệp do ông Vũ Văn Tiền lèo lái đã có những bước đi dài trong cuộc chơi bất động sản. Một loạt dự án tạo nên tên tuổi của Geleximco như: khu đô thị Thành phố giao lưu, khu đô thị Gelexia Riverside, khu đô thị Lê Trọng Tấn, khu đô thị Cái Dăm (tỉnh Quảng Ninh), tổ hợp văn phòng và thương mại dịch vụ Geleximco Peakview Tower, An Bình Plaza và gần đây nhất là dự án Geleximco Southern Star…

Ngoài bất động sản, ông Vũ Văn Tiền cũng ghi dấu ấn đậm nét trong thương mại và dịch vụ. Bên cạnh thương hiệu của các dự án khách sạn Thái Bình Dream, Hạ Long Dream, ông Vũ Văn Tiền đã định hướng phát triển với các dự án sân golf. Hiện tại, Geleximco đã hoàn thành dự án Hilltop Valley Golf Club và kỳ vọng sẽ trở thành điểm nhấn du lịch của khu vực miền Bắc.

Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, Geleximco hiện đang là cổ đông chiến lược của các doanh nghiệp lớn như Ngân hàng An Bình (ABBank), Công ty Cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS); Công ty Cổ phần Ngôi Sao An Bình... và nhiều công ty thành viên, công ty liên doanh liên kết khác.

Geleximco hiện là một tập đoàn đa ngành, hoạt động trong 5 lĩnh vực chính: sản xuất công nghiệp; tài chính - ngân hàng; bất động sản; thương mại - dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao.

Mỗi lĩnh vực, ông Vũ Văn Tiền và Geleximco đều tích cực hợp tác với các đơn vị khác nhau. Điển hình là hoạt động thành lập Công ty liên doanh sản xuất phụ tùng ô tô xe máy GMN với tập đoàn Honda Motor với số vốn 39 triệu USD, cổ phần 30% chuyên sản xuất phụ tùng ô tô xe máy cung cấp cho Yamaha, Suzuki, Kawasaki, Honda Việt Nam và phụ trách lắp ráp 400.000 xe máy/năm. Chính thương vụ này đã khiến cho nhiều người nhớ mặt điểm tên ông chủ Geleximco là “Tiền Honda”.

Bắt tay với Geleximco, Tổng công ty Vật tư nông nghiệp (Vigecam) cũng là một cái tên không kém cạnh. Tiền thân Vigecam là một đơn vị của Hợp tác xã mua bán Trung ương, năm 1960 chuyển thành tổ chức quốc doanh trực thuộc Bộ Nội thương. Năm 1962, chuyển sang ngành nông nghiệp với tên gọi là Cục Tư liệu sản xuất, sau được đổi tên thành Cục Vật tư nông nghiệp trực thuộc Bộ Nông nghiệp. Năm 2017 chuyển đổi từ Tổng công ty Vật tư nông nghiệp – công ty TNHH MTV sang Tổng công ty Vật tư nông nghiệp – công ty cổ phần tổ chức và hoạt động theo hình thức công ty cổ phần.

Qua 54 năm hình thành và phát triển, Vigecam giữ vai trò là một đơn vị hậu cần lớn của sản xuất nông nghiệp cả nước. Hàng năm cung ứng một khối lượng rất lớn phân bón hóa học và các loại vật tư chuyên dùng để phục vụ sản xuất nông nghiệp theo mùa vụ.

Thuận Việt và nhóm doanh nghiệp xây dựng

Đối với nhóm liên danh cạnh tranh với Geleximco - Vigecam, đây đều là những doanh nghiệp giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng. Trong đó, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620 được thành lập vào tháng 5/2006 với ngành nghề thế mạnh là xây dựng và thi công các công trình hạ tầng cầu, cống, đường, kè.

Các dự án mà doanh nghiệp này đã và đang thực hiện gồm: dự án khu tái định cư Trương Đình Hội II (The Avilla 2) tới tổng mức đầu tư 3.493 tỷ đồng; đầu tư xây dựng dự án BOT Cầu Mỹ Lợi (Km34+826) trên Quốc lộ 50 tỉnh Long An và Tiền Giang với tổng mức đầu tư 1.438 tỷ đồng (năm 2015); gói thầu số 17 dự án cầu Cửa Đại (liên danh Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính - Công ty Cổ phần Xây dựng Tân Nam - Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620) với giá trúng thầu là 2.064 tỷ đồng…

Một điều đáng chú ý, đây cũng là doanh nghiệp tài trợ vốn lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đô thị mới Tây Nam TP. Long Xuyên, An Giang.

Tiếp theo là Công ty Cổ phần Xây dựng Tân Nam (Nghệ An) có vốn điều lệ 548,88 tỷ đồng. Hiện doanh nghiệp đang cùng lúc triển khai ít nhất 3 gói thầu giao thông trọng điểm, quy mô hàng nghìn tỷ đồng gồm: gói thầu XL02 thuộc dự án đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Cửa Lò (Nghệ An) (độc lập trúng thầu tháng 1/2022, giá trúng thầu 1.133,752 tỷ đồng); gói thầu XL04 thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu (liên danh trúng thầu tháng 6/2021, giá trúng thầu 1.139,53 tỷ đồng); gói thầu XL03 thuộc dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giai đoạn 1 (liên danh trúng thầu tháng 12/2020, giá trúng thầu 1.407,603 tỷ đồng).

Cuối cùng là Công ty TNHH Xây dựng thương mại Thuận Việt, đây là doanh nghiệp có trụ sở tại TP. HCM, được biết đến với các dự án như New City Thủ Thiêm tại quận 2, chung cư Phú Thọ tại quận 11…

Thuận Việt được thành lập từ năm 1999 với vốn điều lệ 50 tỷ đồng do ông Võ Văn Bé sáng lập. Năm 2009, ông Bé trở thành thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng Công trình giao thông 677 thuộc Tổng công ty Công trình giao thông 6 (Cienco6). Hiện ông Bé còn đại diện tại một loạt doanh nghiệp khác như: Công ty Cổ phần đầu tư kinh doanh nhà Thuận Việt, Cienco6, Công ty Cổ phần TV.Stone…

Cùng chuyên mục
Tin khác