Lộ diện nhà đầu tư duy nhất theo đuổi việc xây cao tốc tại dự án vành đai 4 - vùng Thủ đô

Chí Bình - 10/02/2023 08:10 (GMT+7)

(VNF) - Công tác khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư với dự án thành phần 3 (đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công - tư) tại dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội vừa được hoàn thành với kết quả có 1 nhà đầu tư quan tâm.

VNF
Dự án vành đai 4 - vùng Thủ đô dài khoảng 112,8km và có tổng mức đầu tư. khoảng 85.813 tỷ đồng. (Ảnh minh họa)

Theo nguồn tin của VietnamFinance, Bộ Giao thông Vận tải vừa có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ về tình hình triển khai dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội.

Theo báo cáo này, Bộ Giao thông Vận tải cho biết công tác khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư với dự án thành phần 3 (đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công - tư) đã được hoàn thành với kết quả có 1 nhà đầu tư quan tâm là Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T.

Cũng theo Bộ Giao thông Vận tải, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 3 cũng đã được UBND TP. Hà Nội trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thẩm định và có báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập hội đồng thẩm định nhà nước. Dự kiến, Thủ tướng Chính phủ sẽ có quyết định thành lập hội đồng thẩm định nhà nước trước ngày 10/2.

Liên quan đến công tác GPMB các dự án thành phần, Bộ Giao thông Vận tải cho biết tính đến nay, TP. Hà Nội đã hoàn thành và bàn giao mốc GPMB cho các địa phương toàn bộ 58,2km. Các quận/huyện đã lập xong phương án GPMB tổng thể, xác định được vị trí các khu tái định cư, đã thành lập hội đồng GPMB, tái định cư, công tác kiểm đếm và dự thảo phương án đang được tiến hành.

Đối với tỉnh Hưng Yên, công tác cắm mốc GPMB và bàn giao cho UBND các huyện: Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm.

Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, công tác cắm mốc GPMB cũng đã hoàn thành. Các huyện: Thuận Thành, Gia Bình, Quế Võ và TP. Bắc Ninh đã thành lập hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đang thực hiện các thủ tục trong công tác GPMB (đo đạc bản đồ địa chính, thống kê quy chủ sử dụng đất, công khai bản đồ trích đo hiện trạng…).

Liên quan đến đề nghị của UBND TP. Hà Nội về phương án thiết kế giao cắt giữa tuyến đường sắt Lim - Phả Lại với tuyến đường vành đai 4, Bộ Giao thông Vận tải cho biết đã giao cơ quan chuyên môn nghiên cứu, rà soát và sẽ có ý kiến cuối cùng trong tháng 2/2023.

Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư vào ngày 16/6/2022 và được Chính phủ thông qua nghị quyết vào ngày 18/8/2022. Dự án gồm 7 dự án thành phần, trong đó có 3 dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) theo hình thức đầu tư công và 1 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Tổng chiều dài của dự án là khoảng 112,8km, bao gồm: 103,1km đường vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Trong đó, đoạn qua địa bàn TP. Hà Nội khoảng 58,2km, đoạn qua địa bàn tỉnh Hưng Yên khoảng 19,3km và đoạn qua địa bàn tỉnh Bắc Ninh khoảng 35,3km.

Điểm đầu của dự án tại khoảng Km3+695 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; điểm cuối dự án tại Km40+500 đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long.

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 85.813 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương tham gia dự án khoảng 28.173 tỷ đồng; ngân sách địa phương khoảng 28.193 tỷ đồng và vốn BOT khoảng 29.447 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành vào năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Riêng dự án thành phần 3 (đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công - tư) có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 56.536 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương khoảng 18.313 tỷ đồng; ngân sách địa phương khoảng 8.776 tỷ đồng và vốn nhà đầu tư huy động là 29.447 tỷ đồng.

Trước đó, trong báo cáo của Sở Giao thông Vận tải trình UBND TP. Hà Nội vào năm 2021, có 4 nhà đầu tư đề xuất được thực hiện dự án theo từng phân đoạn.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T đề xuất đầu tư 2 đoạn, gồm từ cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Quốc lộ 32 và từ Quốc lộ 32 đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, tổng mức đầu tư được lập trước đây cho 2 đoạn này là 16.200 tỷ đồng.

Liên danh Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng giao thông Phương Thành - Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Hạ tầng Nguyên Minh đề xuất làm đoạn từ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, bao gồm cả cầu Mễ Sở, tổng kinh phí 9.800 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn đề xuất xây cầu Hồng Hà (Đông Anh) và đường dẫn 2 đầu cầu, tổng kinh phí là 8.800 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục
Tin khác