Tài chính

Mở đầu kỷ nguyên năng lượng xanh và tài chính số

(VNF) - Thống kê trên phạm vi toàn cầu cho thấy các trung tâm dữ liệu và mạng truyền dữ liệu làm nền tảng cho quá trình số hóa chiếm khoảng 300 MtCO2-eq vào năm 2020 (bao gồm cả lượng khí thải tự thân), tương đương với 0,9% lượng phát thải khí nhà kính liên quan đến năng lượng (hoặc 0,6% tổng lượng phát thải khí nhà kính).

Mở đầu kỷ nguyên năng lượng xanh và tài chính số

Kể từ năm 2010, lượng khí thải chỉ tăng ở mức khiêm tốn mặc dù nhu cầu đối với các dịch vụ kỹ thuật số ngày càng tăng nhanh nhờ cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, mua năng lượng tái tạo của các công ty công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và quá trình khử cacbon rộng hơn trong lưới điện ở nhiều khu vực. Tuy nhiên, để đi đúng hướng với Kịch bản Net Zero, lượng khí thải phải giảm một nửa vào năm 2030. Các trung tâm dữ liệu và mạng truyền dữ liệu chịu trách nhiệm cho gần 1% lượng phát thải khí nhà kính liên quan đến năng lượng.

Mức sử dụng điện của trung tâm dữ liệu toàn cầu vào năm 2021 là 220-320TWh2, tương đương khoảng 0,9-1,3% nhu cầu điện cuối cùng trên toàn cầu. Điều này không bao gồm năng lượng được sử dụng để khai thác tiền điện tử, là 100-140TWh vào năm 2021.

Thỏa thuận Paris 2015 đề ra mục tiêu “tạo ra các dòng tài chính phù hợp với lộ trình hướng tới phát thải khí nhà kính thấp và phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu”. Dễ nhận ra rằng để đạt mức phát thải ròng bằng không (net-zero) vào 2050 thì tài chính đóng vai trò trọng yếu: đơn vị cấp vốn (ngân hàng, định chế tài chính khác) phải tự chuyển đổi sử dụng năng lượng sang năng lượng xanh cho tổ chức của mình, đồng thời đóng vai trò quyết định trong quá trình chuyển dịch năng lượng sang năng lượng sạch, quá trình trung hòa carbon của các bên vay vốn để thực hiện dự án phát điện hay dự án sản xuất khác.

Trên toàn hệ thống tài chính, các ngân hàng và nhà đầu tư không chỉ cần phân tích và giảm thiểu rủi ro vật chất và rủi ro chuyển đổi, mà họ còn cần điều chỉnh danh mục đầu tư của mình sao cho chúng đạt mục tiêu net-zero. Đầu tư và cho vay các hoạt động sử dụng nhiều carbon cần phải nhanh chóng được loại bỏ, đồng thời đầu tư vào cơ sở hạ tầng mới, ít carbon - đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng và giao thông, trang bị thêm cho các công trình xây dựng hiện có, sử dụng đất bền vững và phát triển và việc triển khai công nghệ các-bon thấp cần phải được nhân rộng.

Điều này sẽ không tự xảy ra. Các cơ quan tài chính và tiền tệ cần thiết lập các điều kiện khung để đảm bảo rằng các ngân hàng và thị trường tài chính tích hợp khí hậu trong tất cả các quy trình ra quyết định. Các cơ quan giám sát thận trọng nên biến net-zero thành yếu tố cốt lõi của hoạt động giám sát ở cấp vi mô và vĩ mô, điều chỉnh các kỳ vọng giám sát và các công cụ thận trọng với net-zero.

Các nhà hoạch định chính sách tài chính cần xem xét các chiến lược hỗ trợ quá trình chuyển đổi công bằng sang net-zero, khai thác năng lực của các tổ chức tài chính công cũng như tư nhân và các công nghệ tài chính. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, các chính sách cần được đưa ra để mở rộng quy mô tài chính khí hậu quốc tế nhằm hỗ trợ thích ứng và chuyển đổi công bằng ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi.

Các ngân hàng lớn quốc tế như HSBC, Citi đã đưa ra lộ trình khá cụ thể về việc chuyển đổi sử dụng năng lượng xanh cho tổ chức của mình cũng như đã ra các quy chế tài trợ dự án sản xuất sử dụng năng lượng sạch, dự án sản xuất điện sạch.

Tại Việt Nam, BIDV là một trong những ngân hàng đi đầu trong việc tài trợ tín dụng cho các dự án năng lượng xanh. Tuy nhiên, hiện nay các ngân hàng Việt Nam vẫn chưa có lộ trình cụ thể về chuyển đổi năng lượng cho tổ chức của mình.

Chỉ còn 27 năm nữa là Việt Nam tiến đến mục tiêu net-zero theo công bố tại hội nghị khí hậu COP26 tổ chức tại Glasgow, Vương quốc Anh. Ngành điện lực đã cơ bản hoàn hiện bản dự thảo quy hoạch điện 8 trong đó có lộ trình chuyển đổi năng lượng sang phát thải ròng bằng không vào 2050 rất cụ thể. Ngành tài chính ngân hàng có thể nhanh chóng bắt tay vào việc này, thứ nhất là khai thác triệt để năng lượng sạch cho tổ chức của mình, thứ hai là tập trung tài trợ doanh nghiệp sản xuất không phát thải và doanh nghiệp sản xuất điện sạch để giúp Việt Nam thực hiện được mục tiêu net-zero 2050 đã đề ra.

Quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong ngành tài chính và ngân hàng và điều này sẽ làm gia tăng nguồn năng lượng tiêu thụ tại các tổ chức tài chính ngân hàng. Việc hướng đến mục tiêu chung là không phát thải sẽ giúp các tổ chức ngân hàng, tổ chức tài chính hoạt động bền vững, khai thác nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời sẽ giúp cho tổ chức của mình có nguồn điện sạch và bền vững.

Tin mới lên