Mông Cổ thừa nhận không bắt ông Putin vì quá lệ thuộc vào năng lượng Nga
(VNF) - Sự phụ thuộc vào năng lượng khiến Mông Cổ, quốc gia nằm giữa Nga và Trung Quốc, rơi vào thế khó. Đó là thông điệp từ chính phủ Mông Cổ sau khi không thực hiện được lệnh bắt giữ quốc tế đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin khi ông hạ cánh tại quốc gia này trong chuyến thăm chính thức.
Không tuân thủ lệnh bắt ông Putin
Trong một tuyên bố với Politico vào ngày 3/9, một phát ngôn viên của chính phủ Mông Cổ cho biết đất nước này đang ở trong tình trạng phụ thuộc vào năng lượng, khiến việc bắt ông Putin theo lệnh của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) trở nên khó khăn.
"Mông Cổ nhập khẩu 95% sản phẩm dầu mỏ và hơn 20% điện từ khu vực lân cận, nơi trước đây đã bị gián đoạn vì lý do kỹ thuật. Nguồn cung cấp này rất quan trọng để đảm bảo sự tồn tại của chúng tôi và người dân", người phát ngôn cho biết.
Người phát ngôn nhấn mạnh thêm rằng: "Mông Cổ luôn duy trì chính sách trung lập trong mọi quan hệ ngoại giao, điều này đã được thể hiện trong các tuyên bố đã lưu trữ của chúng tôi cho đến nay".
Mông Cổ, một quốc gia rộng lớn với 3,3 triệu dân, nằm giữa hai siêu cường Nga và Trung Quốc. Nước này đã “đi trên dây” ngoại giao để tránh gây xung đột với bất kỳ quốc gia láng giềng nào mà nước này có mối quan hệ lịch sử và kinh tế sâu rộng.
Tuy nhiên, Mông Cổ là thành viên của ICC, tổ chức đã ban hành lệnh bắt giữ quốc tế đối với ông Putin vào tháng 3 năm ngoái với cáo buộc "trục xuất bất hợp pháp trẻ em và di chuyển bất hợp pháp trẻ em từ lãnh thổ Ukraine sang Nga".
Lệnh này yêu cầu 124 quốc gia thành viên của tòa án, bao gồm cả Mông Cổ, phải bắt giữ ông Putin và chuyển ông đến The Hague để xét xử nếu ông đặt chân đến lãnh thổ của họ.
Bất kỳ thành viên ICC nào cũng được yêu cầu hành động theo lệnh của tòa án, nhưng Mông Cổ đã không làm như vậy. Một chuyên gia pháp lý trước đây đã nói với POLITICO rằng Mông Cổ có khả năng sẽ phải đối mặt với việc truy tố vì sự “không hành động” của mình.
Liên minh châu Âu (EU), Ukraine và các tổ chức nhân quyền quốc tế như Tổ chức Ân xá Quốc tế trước đó đã thúc giục Mông Cổ hành động theo nghĩa vụ của mình.
Ông Heorhii Tykhii, người phát ngôn của Bộ ngoại giao Ukraine, gọi việc Mông Cổ không bắt giữ ông Putin là "một đòn nặng nề đối với ICC và hệ thống tư pháp hình sự quốc tế".
Trong chuyến thăm, ông Putin đã mời Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khürelsükh đến dự hội nghị thượng đỉnh BRICS của các nền kinh tế mới nổi sẽ diễn ra tại Nga vào tháng 10.
Người phát ngôn của chính phủ Mông Cổ cũng nói thêm rằng chuyến thăm của ông Putin phù hợp với tiền lệ lịch sử khi các nguyên thủ quốc gia cùng nhau kỷ niệm ngày chiến thắng của quân đội Liên Xô và Mông Cổ trước Nhật Bản trong Trận Khalkhin Gol năm 1939.
Thúc đẩy quan hệ kinh tế
Trong buổi hội đàm tại Ulaanbaatar vào ngày 3/9, Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Mông Cổ Khurelsukh Ukhnaa đã giám sát việc ký kết các thỏa thuận hợp tác về năng lượng, thương mại và vận tải cũng như các dự án mở rộng hành lang kinh tế giữa Nga, Mông Cổ và Trung Quốc.
“Mông Cổ ủng hộ sự phát triển và mở rộng hợp tác với nước láng giềng vĩnh cửu của mình, Liên bang Nga”, ông Khurelsukh phát biểu trong các tuyên bố với giới truyền thông sau cuộc hội đàm.
Nhà lãnh đạo Mông Cổ nhấn mạnh thêm rằng: “Chuyến thăm của ông Putin có tầm quan trọng lớn đối với việc làm phong phú thêm mối quan hệ hữu nghị”.
"Chúng tôi đã dành nhiều sự chú ý cho việc mở rộng thương mại và đầu tư cùng có lợi", ông Putin cho biết trong tuyên bố sau cuộc hội đàm.
"Việc hiện đại hóa Đường sắt Ulaanbaatar sẽ giúp tăng khối lượng vận chuyển hàng hóa, cả song phương và quá cảnh, giữa Nga và Trung Quốc", ông cho biết thêm.
Ông Putin đồng thời nhấn mạnh rằng thương mại giữa Nga và Mông Cổ đã tăng hơn 21% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 7, với các giao dịch được thực hiện "gần như hoàn toàn" bằng các loại tiền tệ khác ngoài USD và euro.
Nga đặt mục tiêu xây dựng đường ống dẫn khí đốt mới có tên Power of Siberia 2 (Sức mạnh Siberia 2) qua Mông Cổ đến Trung Quốc, mặc dù dự án đã chậm lại do các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra giữa tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom và Bắc Kinh về hợp đồng cung cấp.
"Đây không chỉ là vấn đề vận chuyển khí đốt của Nga qua Mông Cổ. Khả năng cung cấp nhiên liệu này cho người tiêu dùng Mông Cổ cũng đang được xem xét và Gazprom của Nga sẵn sàng hỗ trợ quá trình khí hóa của quốc gia này”, ông Putin cho hay.
Tổng thống Mông Cổ Khurelsukh cho biết hai bên có kế hoạch "tăng cường" các dự án nhằm thúc đẩy thương mại và hợp tác thông qua Hành lang kinh tế Mông Cổ-Nga-Trung Quốc.
Mông Cổ cũng kỳ vọng sẽ thúc đẩy xuất khẩu nông sản nói riêng khi đạt được thỏa thuận thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á-Âu do Nga đứng đầu trong năm nay.
Mông Cổ cho biết họ đã nhất trí về "nguồn cung ổn định và trơn tru" các sản phẩm dầu từ Nga, nơi cung cấp 95% lượng dầu nhập khẩu của quốc gia Đông Á này. Họ cũng đã lập kế hoạch mở rộng và cải tạo một nhà máy nhiệt điện cũ kỹ từ thời Liên Xô, nơi cung cấp 1/3 nguồn cung cấp nhiệt của thủ đô.
Mông Cổ trải thảm đỏ đón ông Putin, ‘phớt lờ’ lệnh bắt giữ quốc tế
Toàn cảnh khu phức hợp 26 tầng của Daewoo E&C tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng, nhà ở cao cấp tại lô đất K8HH1 thuộc khu đô thị Starlake dự kiến sẽ bổ sung lượng nguồn cung lớn cho thị trường Hà Nội trong năm 2025.