Mỹ dọa không chia sẻ tin tình báo nếu Canada cho Huawei tham gia xây mạng 5G

Minh Đăng - 05/06/2020 11:03 (GMT+7)

(VNF) - Mỹ đe dọa sẽ xem xét lại thỏa thuận chia sẻ tin tức tình báo với Canada nếu nước này cho tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei tham gia xây dựng mạng lưới 5G.

VNF
Canada vẫn đang cân nhắc việc có cho phép Huawei tham gia phát triển mạng 5G hay không, mặc dù đã dành hơn 1 năm rưỡi để cân nhắc vấn đề này.

"Chính phủ Mỹ đã nói rõ với tất cả bạn bè và đồng minh trên toàn thế giới rằng nếu bất cứ nước nào cho phép Huawei tham gia vào hệ thống an ninh quốc gia, chúng tôi sẽ phải bảo vệ những thông tin tình báo của mình", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus chia sẻ với CBC News ngày 4/6.

"Chúng tôi sẽ phải xem xét lại thỏa thuận chia sẻ tin tức tình báo với các quốc gia cho phép Huawei tham gia vào công nghệ nhạy cảm nhất của họ, trong các lĩnh vực an ninh quốc gia nhạy cảm nhất của họ. Chúng tôi nghĩ rằng Chính phủ Canada sẽ đưa ra quyết định có chủ quyền của riêng họ vì lợi ích tốt nhất đối với an ninh quốc gia của Canada”, bà Morgan Ortagus nhấn mạnh.  

Hiện Chính phủ Canada vẫn đang cân nhắc việc có cho phép Huawei tham gia 5G hay không, mặc dù đã dành hơn 1 năm rưỡi để cân nhắc vấn đề này.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus.

Ở động thái liên quan mới nhất, 2 trong số các công ty viễn thông lớn nhất của Canada là Bell và Telus hôm 2/6 đã tuyên bố hợp tác với Công ty Ericsson của Thụy Điển và Tập đoàn Nokia của Phần Lan để xây dựng mạng viễn thông 5G, nhằm loại Tập đoàn Huawei (Trung Quốc) ra khỏi dự án.

Cụ thể, Bell sẽ hợp tác với Ericsson trong khi Telus đã chọn Ericsson và Nokia làm nhà cung cấp thiết bị.

Giới phân tích cho rằng việc hai công ty này "loại" Huawei phần nào giúp chính quyền Canada dễ dàng hơn khi đưa ra quyết định liệu có cho phép Huawei tham gia mạng 5G của nước này hay không.

Giới chức Anh hồi cuối tháng 5 cũng cho biết đang thúc giục Mỹ thành lập một nhóm gồm 10 quốc gia có thể phát triển công nghệ mạng 5G của riêng mình nhằm giảm sự phụ thuộc vào Tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei của Trung Quốc. Anh đề xuất thành lập nhóm "D10" gồm 7 quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) và Úc, Hàn Quốc, Ấn Độ.

Một phát ngôn viên của Phố Downing xác nhận Anh Nokia của Phần Lan và Ericsson của Thụy Điển là những lựa chọn thay thế hiện tại duy nhất của châu Âu trong việc cung cấp các thiết bị 5G như ăng ten và cột tiếp sóng.

Hai tuần trước, Mỹ tuyên bố mở rộng lệnh cấm vận nhắm vào Huawei thông qua việc kiểm soát và ngăn chặn các chip máy tính dựa trên thiết kế hoặc công nghệ của Mỹ sử dụng trong thiết bị của Huawei.

Các biện pháp trên đã gây tổn hại sâu sắc và đe dọa cắt đứt nguồn cung bán dẫn đang được dùng trên các dòng sản phẩm của Huawei, từ các thiết bị dùng ở đài phát thanh cho tới máy chủ và điện thoại.

Ngay sau đó, Trung tâm An ninh mạng quốc gia của Anh (NCSC) đã đánh giá lại lập trường về việc sử dụng thiết bị của Huawei và các rủi ro mà nó có thể gây ra cho an ninh quốc gia của họ.

Xem thêm >> Trung Quốc: Mỹ tước đặc quyền thương mại của Hong Kong là vi phạm quy định WTO

Theo CBC News
Cùng chuyên mục
Tin khác