Mỹ thêm các trang thương mại điện tử của Tencent và Alibaba vào danh sách thị trường ‘lừa đảo’

Quỳnh Anh - 18/02/2022 15:54 (GMT+7)

(VNF) - Theo văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), các trang thương mại điện tử do Tập đoàn Tencent và Alibaba của Trung Quốc điều hành đã được đưa vào danh sách “các thị trường lừa đảo” mới nhất của chính phủ Mỹ.

VNF
AliExpress và WeChat là 2 nền tảng trực tuyến mới nhất của Trung Quốc bị Mỹ liệt kê vào danh sách các thị trường xấu tiếp tay cho hành vi vi phạm quyền sở hữu.

Cụ thể, hệ sinh thái thương mại điện tử WeChat của tập đoàn Tencent và thị trường trực tuyến AliExpress tạo điều kiện thuận lợi cho việc làm giả nhãn hiệu, do đó bị đưa vào danh sách các thị trường “khét tiếng” về hàng giả và vi phạm bản quyền năm 2021, USTR tuyên bố ngày 17/2.

Danh sách này được Mỹ cập nhật hàng năm để tổng hợp các đơn vị lạm dụng và làm giả tài sản trí tuệ “tồi tệ nhất”.

USTR đều đặn xuất bản danh sách này từ năm 2011 để nâng cao nhận thức của cộng đồng và giúp các nhà điều hành thị trường và chính phủ ưu tiên các nỗ lực thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Danh sách này được các cơ quan trong ngành như Hiệp hội Giày dép và Quần áo Mỹ (AAFA) và Hiệp hội Điện ảnh hoan nghênh và đề cao.

Đánh giá năm 2021 của USTR xác định 42 thị trường trực tuyến và 35 thị trường thực được báo cáo là tham gia hoặc tạo điều kiện cho việc làm giả nhãn hiệu hoặc vi phạm bản quyền đáng kể.

Ngoài 2 thành viên mới trong danh sách là WeChat và AliExpress, các thị trường trực tuyến có trụ sở tại Trung Quốc như Baidu Wangpan, DHGate, Pinduoduo và Taobao cũng tiếp tục nằm trong danh sách này, cùng với 9 thị trường thực ở Trung Quốc “được biết đến với việc sản xuất, phân phối và bán hàng giả”, văn phòng USTR cho biết.

Theo đánh giá của USTR, Alibaba được biết đến là nơi có một số quy trình và hệ thống chống hàng giả tốt nhất trong ngành thương mại điện tử.

Tuy nhiên, một số thương hiệu sở hữu đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể hàng giả được rao bán trên AliExpress - nền tảng thương mại điện tử kết nối người bán tại Trung Quốc với người mua trên khắp thế giới. Chúng bao gồm những hàng hóa được quảng cáo một cách trắng trợn là hàng giả và những loại hàng giả được quảng cáo là hàng thật.

Sau khi bị USTR đưa vào danh sách, phía tập đoàn Alibaba cho biết họ nhận thức được vấn đề sở hữu trí tuệ, đồng thời bày tỏ sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chính phủ để giải quyết những lo ngại trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên các nền tảng của mình.

Trái lại, Tencent cho biết họ hoàn toàn không đồng ý với quyết định này, đồng thời nhấn mạnh trong tuyên bố rằng họ đã đầu tư nguồn lực đáng kể để chống hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và sẽ làm việc với USTR để giải quyết vấn đề.

Cũng trong tuyên bố được đưa ngày 17/2 của USTR, Trung Quốc là quốc gia xuất xứ hàng giả hàng đầu bị Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ bắt giữ.

Văn phòng USTR cho biết Mỹ cần theo đuổi các chiến lược mới và cập nhật các công cụ thương mại nội địa của mình để đối phó với “các chính sách và thông lệ do nhà nước lãnh đạo, phi thị trường” của Trung Quốc.

Xem thêm >> Thêm 33 công ty bị liệt vào 'danh sách đen', Trung Quốc kêu gọi Mỹ ‘sửa chữa sai lầm’

Theo CNBC, Bloomberg
Cùng chuyên mục
Tin khác