Năm 2018, Vietjet lợi nhuận trước thuế đạt 5.830 tỷ đồng, thực hiện 23 triệu lượt bay

Trí Anh - 24/01/2019 18:43 (GMT+7)

(VNF) - Báo cáo tài chính Vietjet (VJ) tiếp tục ghi nhận một năm 2018 khởi sắc trên mọi “mặt trận”. Bên cạnh tin vui vượt các chỉ tiêu đề ra, VJ còn phát triển mạnh đội bay, mạng bay, đặc biệt là đường bay quốc tế.

VNF
Năm 2018, Vietjet tăng trưởng vượt bậc trên mọi tiêu chí

Đáng chú ý, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2018 trước kiểm toán của Công ty cho thấy, tổng doanh thu VJ đạt 52.400 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2017 và đạt 103% so với kết hoạch; tổng lợi nhuận trước thuế đạt 5.830 tỷ đồng.

Doanh thu vận tải hàng không đạt 33.815 tỷ đồng, tăng 49% so với năm trước và đạt 112% so với kế hoạch. Doanh thu phụ trợ tăng trưởng 57% so với cùng kỳ, trong đó cơ cấu doanh thu phụ trợ có sự chuyển dịch từ 25% năm 2017 lên gần 27% năm 2018.

Số dư tiền mặt của công ty tính tới 31/12/2018 đạt 7.161 tỷ đồng. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu ở mức rất thấp là 0,04 lần. Lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 37,6%. Tỷ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu (P/E) ở mức hấp dẫn 11,5.

Bên cạnh đó, Vietjet đã thực hiện 118.923 chuyến bay với 105 đường bay bao gồm 39 đường bay nội địa và 66 đường bay quốc tế, phủ khắp các điểm đến tại Việt Nam và quốc tế tới Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Campuchia, Trung Quốc…, tàu bay Vietjet cũng khai thác tại khu vực các sân bay Dubai, Doha. Chiến lược phát triển mạng bay quốc tế của Vietjet được đẩy mạnh nhằm tăng cường thu về ngoại tệ từ bán vé và lợi thế giá nhiên liệu quốc tế thấp hơn trong nước. 

Cũng trong năm 2018, VJ ghi nhận hệ số sử dụng ghế đạt trên 88,06%, độ tin cậy kỹ thuật đạt 99,64%. Tỷ lệ đúng giờ (OTP) đạt 84,2%. Điều đó cho thấy, số “ghế rỗng” của đơn vị này chỉ khoảng 12%, đó là lý do vì sao doanh thu của đơn vị tăng trưởng tốt.

Ngoài ra, Vietjet cũng liên tục nâng cấp tàu bay mới trong năm 2018 khi nhận và khai thác tàu bay thế hệ mới A321neo có khả năng tiết kiệm nhiên liệu tới 16%, góp phần giúp Vietjet tiết giảm chi phí vận hành. Đội tàu bay của Vietjet tính tới 31/12/2018 bao gồm 64 tàu bay hiện đại với tuổi trung bình trẻ nhất, chỉ 2,82 năm.

Vietjet cũng bảo vệ thành công chứng chỉ “An toàn hàng không quốc tế IOSA” lần thứ 3 vào tháng 9/2018. Các chỉ số an toàn khai thác thuộc nhóm các hãng hàng không dẫn đầu khu vực Châu Á Thái Bình Dương, được tổ chức quốc tế AirlineRatings đánh giá chỉ số an toàn đạt 7 sao - mức cao nhất của các hãng hàng không trên toàn cầu.

Ảnh: Năm 2018 đánh dấu khởi sắc của Vietjet khi mở nhiều đường bay quốc tế

Đáng chú ý, để bổ sung đội ngũ nhân lực đáp ứng việc tăng trưởng của đội tàu bay, năm 2018, Vietjet đã tổ chức đào tạo 231 khóa, cho 8.083 lượt học viên, trong đó, có 96 lớp đào tạo an toàn an ninh cho 2.358 lượt học viên.

Đầu tháng 11/2018, nhân dịp Thủ tướng Pháp thăm Việt Nam, Vietjet đã khai trương hoạt động Học viện Hàng không. Đây là cơ sở đào tạo có quy mô lớn và hiện đại, được trang bị tổ hợp buồng lái mô phỏng (SIM) hợp tác với Airbus.

Cơ quan An toàn hàng không châu Âu - EASA đánh giá và phê chuẩn đạt tiêu chuẩn châu Âu – bộ tiêu chuẩn hàng không hàng đầu thế giới. Đây là cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Vietjet nhằm hiện đại hóa việc huấn luyện, đào tạo, góp phần đưa Học viện Hàng không Vietjet đạt tầm cỡ khu vực, quốc tế.

Bên cạnh đó, Vietjet cũng đạt nhiều giải thưởng uy tín trong năm 2018, như huân chương Lao động,  top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam và top 40 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2018 của tạp chí Forbes, Top 50 hãng hàng không hàng đầu thế giới về các chỉ số tài chính của AirFinance Journal, Top 50 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam, 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam, Top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam, Giải thưởng Đồng phục Tiếp viên đẹp nhất châu Á…

Cùng chuyên mục
Tin khác