Nếu được giao, doanh nghiệp tư nhân chỉ mất 10 năm làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Anh Vũ -
02/05/2019 21:35 (GMT+7)
Đường sắt cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành là những dự án mà các doanh nghiệp tư nhân mong muốn Chính phủ cho phép được đầu tư, kinh doanh bình đẳng với các doanh nghiệp nhà nước.
Trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019, chiều 2/5 đã diễn ra phiên đối thoại quan trọng giữa các doanh nghiệp tư nhân và lãnh đạo Chính phủ.
Điểm lại quá trình phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, đây là khu vực ví như cỗ máy tạo việc làm lớn nhất, với sự dịch chuyển của hàng chục triệu lao động; hiện đang đóng góp hơn 40% GDP và tương lai đóng góp hơn 60% GDP.
“Điều đó khẳng định vai trò rường cột của khu vực kinh tế tư nhân, người dân và các hộ kinh doanh cá thể. Do đó, để phát huy, điều quan trọng không phải thúc đẩy số lượng mà ở chất lượng, năng suất cạnh tranh. Bằng mọi giá cần tháo gỡ được các rào cản kinh doanh để Việt Nam đứng thứ 3 thứ 4 trong các nền kinh tế cạnh tranh thể chế hàng đầu 2020 trong ASEAN”, ông Lộc nói.
Đại diện VCCI kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế đột phá để hộ kinh doanh tiến lên doanh nghiệp, luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này nên hướng tới mục tiêu tạo lập, khuyến khích hộ kinh doanh cá thể.
Với Quốc hội, theo ông Lộc, doanh nghiệp mong muốn được dùng một luật sửa nhiều luật về môi trường kinh doanh, bắt kịp hội nhập, chuyển đổi số và phát triển kinh tế số. Chính phủ cần lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo đánh giá năng lực công chức.
“Phải xã hội hoá dịch vụ công, thúc đẩy đối tác công tư, huy động nguồn lực xã hội. Hiện đang làm khá chậm. Các dự án lớn của đất nước cần đưa ra bàn với doanh nghiệp và người dân. Doanh nghiệp tư nhân muốn được tham gia xây dựng công trình lớn của đất nước như đường sắt cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành”, ông Lộc truyền tải kiến nghị của doanh nghiệp.
Chia sẻ quan điểm này, bà Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch VietjetAir, doanh nghiệp tư nhân hàng không đầu tiên của Việt Nam, cho biết phía VietjetAir mong muốn Chính phủ tạo điều kiện để các tập đoàn tư nhân có tiềm lực tham gia đầu tư hạ tầng sân bay. Đơn cử, việc VietjetAir muốn nâng câp sân bay Điện Biên.
“Chúng tôi cũng mong được đối xử bình đẳng, công bằng, cũng như mong muốn Chính phủ sớm điều chỉnh quy hoạch xây dựng hạ tầng sân bay nhất là sân bay quá tải”, bà Hà kiến nghị.
Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho biết thêm, doanh nghiệp tư nhân ghi nhận dấu ấn chuyển mình rõ nét về Chính phủ điện tử, môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục, chi phí… Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng đầu tư trên trải thảm dưới rải đinh.
“Doanh nghiệp tư nhân muốn làm những cái lớn, cụ thể. Họ muốn làm sân bay Long Thành và đặc biệt đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Nếu được giao, họ cam kết sẽ không mất 30 năm mà đâu đó chỉ khoảng 10 năm. Đây là nỗ lực mà khối doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng nhận nhiệm vụ trước Chính phủ”, ông Bình nói.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.