Nga: ‘Các đòn trừng phạt điên cuồng của phương Tây khó khăn hơn dự kiến'

Thanh Tú - 20/04/2023 10:12 (GMT+7)

(VNF) - Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) Elvira Nabiullina thừa nhận rằng loạt biện pháp trừng phạt của phương Tây khắc nghiệt hơn những gì họ có thể tưởng tượng, tuy nhiên nền kinh tế Nga vẫn có thể vượt qua nhờ khả năng thích ứng trước tình hình mới.

VNF
Mỹ và EU đã triển khai tổng cộng 10 vòng trừng phạt Nga trong khoảng một năm.

Phát biểu trước Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) ngày 19/4, người đứng đầu CBR khẳng định rằng nền kinh tế Nga đã chứng minh tính bền vững và khả năng phục hồi của mình bằng cách vượt qua hàng loạt lệnh trừng phạt chưa từng có của phương Tây bất chấp những viễn cảnh tồi tệ nhất.

Bà Nabiullina tin rằng mức độ áp lực mà Nga phải đối mặt vào năm ngoái cao đến mức không ai có thể dự đoán hoặc chuẩn bị trước.

“Người dân và các ngành công nghiệp Nga đã thể hiện khả năng thích ứng đáng kể trong thực tế mới này”, Thống đốc Nabiullina cho hay.

“Không ai có thể chuẩn bị cho cuộc tấn công điên cuồng như vậy”, bà Nabiullina nói, đồng thời cho biết thêm rằng các yếu tố bên ngoài của nền kinh tế Nga từng tồi tệ hơn "cả kịch bản bi quan nhất".

Theo nhà lãnh đạo CBR, “chính sách cân bằng và kiên định” mà các cơ quan tài chính Nga đã tuân thủ trong những năm trước cũng như “kinh nghiệm quản lý khủng hoảng” là những điều đã giúp chính phủ Nga phản ứng hiệu quả với các đòn trừng phạt.

Người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Nga đặc biệt đánh giá cao nỗ lực của các ngân hàng quốc gia nhằm giữ ổn định lĩnh vực tài chính và cung cấp cho đất nước các nguồn lực cần thiết. Bà cũng mô tả các biện pháp hỗ trợ của chính phủ là “đầy đủ và kịp thời”, đồng thời nói thêm rằng chúng đã giúp nền kinh tế “vượt qua cơn bão trừng phạt”.

Ngay sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi cuối tháng 2 năm ngoái, nước này đã phải đối mặt với loạt lệnh trừng phạt chưa từng có do Mỹ và các đồng minh áp đặt. Hệ thống tài chính và ngân hàng của Nga, cũng như ngành hàng không và vũ trụ là những đối tượng đầu tiên bị ảnh hưởng.

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã triển khai tổng cộng 10 vòng trừng phạt trong khoảng một năm trong bối cảnh xung đột giữa Moscow và Kiev trở nên căng thẳng. Vào tháng 12/2022, EU, cùng với các nước G7 và Australia, đã đưa ra mức giá trần đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga, ở mức 60 USD/thùng.

Nhiều quan chức và phương tiện truyền thông phương Tây dự đoán rằng nền kinh tế Nga sẽ sụp đổ dưới áp lực của các biện pháp trừng phạt và chi tiêu quân sự.

Tuy nhiên, mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) thừa nhận rằng nền kinh tế Nga đang hoạt động tốt hơn đáng kể so với dự kiến. WB đã dự báo GDP của Nga có thể sẽ chỉ giảm 0,2% vào năm 2023, cải thiện đáng kể so với dự đoán hồi tháng 1 là giảm tới 3,3%.

Bộ trưởng kinh tế Nga thậm chí còn lạc quan hơn trong dự báo hồi tháng 4, cho rằng GDP của nước này dự kiến sẽ tăng 2,8% vào năm 2026.

Xem thêm >> Thảm kịch hơn 400 người thương vong do giẫm đạp khi nhận tiền cứu trợ tại Yemen

Theo RT
Cùng chuyên mục
Tin khác