Tài chính quốc tế

Người giàu Trung Quốc lại ‘chột dạ’ sau tuyên bố của ông Tập Cận Bình

(VNF) - Việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề cập tới “sự thịnh vượng chung” và “tái phân bổ của cải trong đất nước” đã khiến giới nhà giàu ở nước này “chột dạ”, lo lắng về một cuộc cải cách mới ở đất nước đông dân nhất thế giới này.

Người giàu Trung Quốc lại ‘chột dạ’ sau tuyên bố của ông Tập Cận Bình

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Phát biểu trước Uỷ ban trung ương về tài chính và kinh tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 17/8, ông Tập khẳng định: “Thịnh vượng chung là thịnh vượng của toàn thể nhân dân, không phải sự thịnh vượng của số ít cá nhân”.

Đồng thời, nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đưa ra lời kêu gọi “điều chỉnh hợp lý các khoản thu nhập quá cao” và “khuyến khích các nhóm thu nhập cao và doanh nghiệp gần gũi hơn với cộng đồng, đền đáp nhiều hơn cho xã hội”.

Như vậy, có thể hiểu chính phủ Trung Quốc sắp tới sẽ có những động thái mạnh tay hơn với những người sở hữu tài sản khổng lồ ở nước này như buộc họ phải trả thuế nhiều hơn, giúp giải quyết sự bất bình đẳng về thu nhập…

Khái niệm “thịnh vượng chung” thường được hiểu là tài sản được chia sẻ công bằng cho người dân. Đảm bảo sự “thịnh vượng chung” đã thành chủ đề chính trong các cuộc tranh luận chính trị ở Trung Quốc trong những tháng gần đây.

Theo các nhà phân tích, ý tưởng này hàm chứa trong các quy định mới nhất về loạt biện pháp quản lý các công ty công nghệ, tài chính và giáo dục…

Bà Tô Duyệt, chuyên gia kinh tế trưởng của Tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU), bày tỏ hy vọng rằng chính quyền Trung Quốc sẽ sớm thi hành các biện pháp cụ thể nhằm giảm nghèo và nâng cao đời sống cho người dân trong nước.

Tuy nhiên, bà cũng lưu ý rằng chính phủ Trung Quốc sẽ không thể hoàn toàn bỏ qua tác động của chính sách đối với việc phân phối lại của cải, tính đến thực tế là áp thuế cao hơn với các nhóm thu nhập cao và tăng trần vốn có thể hạn chế đầu tư và dẫn đến dòng chảy tư bản ra nước ngoài.

Nỗ lực tạo ra "thịnh vượng chung" có thể đồng thời tạo ra áp lực lên giới siêu giàu và các doanh nghiệp Trung Quốc.

Ông Tập Cận Bình cho biết từ khi ông nhậm chức vào năm 2012, chính quyền trung ương đã đặt mục tiêu “hiện thực hóa thịnh vượng cho toàn dân vào vị thế quan trọng hơn”.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy bất bình đẳng thu nhập ở Trung Quốc đã gia tăng trong vài thập kỷ qua. Sự phát triển kinh tế vượt bậc đã gây ra tình trạng chênh lệch giữa người giàu và người nghèo, cũng như giữa người dân thành thị và nông thôn ngày càng lớn.

Giáo sư Thomas Piketty từ Trường Kinh tế Paris và nhóm của ông ước tính rằng 10% người giàu nhất Trung Quốc chiếm 41% tổng thu nhập quốc dân vào năm 2015, tăng mạnh so với 27% vào năm 1978. Nhưng tỷ lệ cư dân có thu nhập thấp đã giảm xuống còn khoảng 15%, so với 27% vào năm 1978.

Năm 2021, thu nhập trung bình của người dân Thượng Hải là 7.058 nhân dân tệ (1.090 USD) mỗi tháng, cao hơn nhiều so với 4.021 nhân dân tệ (620 USD) của người dân các thành phố khác trong nước và 1.541 nhân dân tệ (238 USD) của những người dân sống ở khu vực nông thôn của Trung Quốc.

Xem thêm >> Mỹ tiêu tốn hơn 2.000 tỷ USD cho 20 năm chiến tranh tại Afghanistan, toàn tiền đi vay

Tin mới lên