'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Tại phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) khẳng định chính sách về nhà ở xã hội là 1 trong 8 nhóm chính sách quan trọng trong lần sửa đổi luật lần này.
Để người lao động có thể mua được nhà xã hội, đại biểu Nguyễn Văn Hiển đề nghị chính sách về nhà ở xã hội cần hướng tới các mục tiêu rõ ràng và khả thi hơn. Cụ thể, cần tập trung vào mục tiêu cốt yếu của phát triển nhà ở xã hội là đáp ứng nhu cầu có nơi ở phù hợp cho người dân, không phải là đáp ứng nhu cầu sở hữu nhà ở.
“Cần tách bạch giữa chính sách phát triển nhà ở xã hội với chính sách quản lý vận hành xã hội, tách bạch giữa đầu tư nhà giá rẻ để bán, để thuê mua với đầu tư nhà ở xã hội để cho thuê. Cần tách bạch giữa đầu tư và vận hành nhà ở xã hội, trong đó Nhà nước sớm hoàn thiện các quy định liên quan đến nhà ở xã hội cho thuê, tạo cơ sở pháp lý cho việc bố trí các nguồn vốn hỗ trợ phù hợp. Đặc biệt là nguồn vốn ngân sách cũng như thiết lập các tổ chức chuyên biệt quản lý và vận hành nhà ở xã hội”, đại biểu Hiển kiến nghị.
Cùng với đó, ông Hiển cũng đề nghị chính sách của Nhà nước cần đặt mục tiêu, lộ trình rất cụ thể để có một số lượng nhà ở xã hội đủ lớn để đáp ứng nhu cầu của người dân. Đồng thời, nên sửa đổi lại khái niệm theo hướng nhà ở xã hội chỉ áp dụng hình thức cho thuê, không phải quy định là hình thức mua, cho thuê mua.
“Nếu quy định nhà ở xã hội chỉ dành cho thuê như kinh nghiệm của các nhiều nước trên thế giới thì sẽ không xảy ra tình trạng người có thu nhập cao tranh mua, thuê nhà ở xã hội với người có thu nhập thấp, không tạo ra sự bất bình đẳng xã hội. Nên chăng có quy định tách riêng về nhà giá rẻ với nhà ở xã hội sẽ hợp lý, vì nhà giá rẻ có thể mua và cho thuê và bản chất là nhà thương mại, quan hệ xã hội thì chỉ nên để cho thuê. Có như vậy thì người dân, nhất là người có thu nhập thấp ở đô thị mới có hy vọng được tiếp cận nhà ở xã hội”, đại biểu Hiển phát biểu.
Trong khi đó, để tránh tình trạng người thu nhập cao tranh mua nhà ở xã hội với người thu nhập thấp, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương cho rằng: "Quy định về đối tượng mua nhà ở xã hội đã có và rất cụ thể rõ ràng, quy định chặt chẽ trong việc lập và thẩm định hồ sơ nhưng tại sao vẫn có trường hợp người có thu nhập cao tranh mua nhà ở xã hội với người thu nhập thấp?".
Bà Nga đề xuất cần có cuộc tổng rà soát xem đối tượng nào đang ở trong những căn nhà ở xã hội? Phải rà soát chế tài xử lý đã có và đã đủ mạnh hay chưa, công tác xét duyệt tiến hành ra làm sao? Đặc biệt cần phải sớm đưa cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung và chuẩn hóa dữ liệu vào để khai thác. Có như vậy nhà ở xã hội mới đến được đúng đối tượng và đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Về vấn đề này, đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn TP. Hà Nội, cho rằng phải nâng thời gian ban hành kế hoạch phát triển nhà ở lên 5 năm chứ không phải hàng năm. Bởi một dự án đầu tư nhà ở có chu kỳ từ 3 đến 5 năm, nếu quy định hàng năm sẽ không có sự thay đổi phù hợp. Hơn nữa, kế hoạch phát triển 5 năm cũng phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, khi kinh tế xã hội phát triển đến đâu thì đưa kế hoạch phát triển nhà ở phù hợp đến đó.
Đại biểu cũng bày tỏ đồng tình với việc quy định kế hoạch phát triển ở thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân địa phương. Tuy nhiên, nhiều nhà ở mang tính liên vùng, có sự di chuyển về người sử dụng. Do đó, đôi khi một số địa phương quyết định độc lập có thể không đầy đủ thông tin, nên cần phải có thông tin ở tầm rộng hơn, có liên ngành, liên quan đến nhiều vùng, nhiều địa phương khác. Từ phân tích trên, đại biểu cho rằng, trước khi được địa phương ra quyết định thì nên tham khảo ý kiến của một cơ quan có tầm bao quát lớn hơn.
"Tham khảo ý kiến của Bộ Xây dựng là cần thiết, đây chỉ là tham khảo chứ không phải một điều kiện bắt buộc", ông Cường nhấn mạnh quan điểm.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.