Người tiêu dùng Trung Quốc ‘sôi sục’ tẩy chay thương hiệu Mỹ
Lê Anh -
17/04/2018 08:12 (GMT+7)
(VNF) - Những ngày gần đây, các mạng xã hội Trung Quốc như WeChat, Weibo xuất hiện "tràn lan" những lời kêu gọi tẩy chay các sản phẩm và thương hiệu Mỹ để bảo vệ "bức tường thành kinh tế".
"Đồng bào, quê hương của chúng ta đang trải qua một thời kỳ khó khăn. Chúng ta phải đoàn kết để hỗ trợ thương hiệu quốc gia", SCMP trích dẫn nội dung một tin nhắn được lưu hành trên WeChat.
Trên Weibo, một trang mạng xã hội tương tự như Twitter hay Facebook, một nhân viên bán xe hơi ở tỉnh Cam Túc ở tây bắc Trung Quốc đã viết: "Chính Mỹ đã khơi mào cuộc chiến thương mại này. Mọi người đều có trách nhiệm tẩy chay hàng hóa của Mỹ".
Một bài xã luận trên tờ Toàn cầu Thời báo ra ngày 9/4 thậm chí cho rằng Trung Quốc sẽ chiến đấu chống Mỹ với tinh thần giống như trong Chiến tranh Triều Tiên hơn 60 năm trước.
Bài báo còn kêu gọi người Trung Quốc phải chuẩn bị chiến đấu trong cuộc chiến thương mại này "bằng tất cả các nguồn lực" - cụm từ như trong thời chiến tranh vũ trang nhiều thập kỷ trước.
Bên ngoài một cửa hàng McDonalds ở Trung Quốc.
"Bắc Kinh có thể tạo ra một cuộc chiến đầy đau đớn cho Washington trong cuộc đối đầu trước mọi cuộc chiến tranh thương mại và khiến cho Mỹ cũng phải chịu những thiệt hại tương tự như Trung Quốc", tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc viết.
Những lời kêu gọi tránh xa McDonald's, KFC, General Motor, Walmart và iPhone của Apple được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc. Ngay cả Starbucks cũng không ngoại lệ.
Trung Quốc hiện trở thành thị trường phát triển nhanh và lớn thứ 2 của Starbucks và thậm chí công ty còn kỳ vọng sẽ vượt cả thị trường Mỹ trong tương lai không xa. Starbucks hiện đang điều hành hoạt động hơn 3.000 cửa hàng tại đất nước này và họ lên kế hoạch nâng con số này thêm 2.000 cửa hàng nữa cho tới năm 2021.
Tuy nhiên thương hiệu cà phê này cũng đang vấp phải làn sóng tẩy chay từ một bộ phận người dân Trung Quốc.
"Khoảng 1 tuần trở lại đây, nhiều doanh nghiệp đã yêu cầu không dùng rượu vang của Mỹ trong những sự kiện tiếp đãi khách hàng", Jim Boyce, một nhà tư vấn rượu vang ở Bắc Kinh cho biết.
Theo Viện California Wine Institute, Trung Quốc là nước nhập khẩu rượu vang lớn thứ năm của Mỹ trong năm 2017.
Trung Quốc hiện trở thành thị trường phát triển nhanh và lớn thứ 2 của Starbucks.
Nguyên nhân một phần vì mới đây Trung Quốc áp mức thuế 15% đối với rượu vang nhập từ Mỹ sẽ khiến giá rượu tăng lên, phần nữa là vì nhiều người tiêu dùng Trung Quốc không còn thấy hứng thú với những sản phẩm của Mỹ.
Đây không phải là lần đầu tiên những sản phẩm của Mỹ vấp phải làn sóng tẩy chay ở Trung Quốc. Hồi năm 2016, nhiều video và hình ảnh IPhone bị đập tan vỡ nát xuất hiện trên phương tiện truyền thông xã hội của nước này. Những người biểu tình cũng hét lên những khẩu hiệu phản đối trước các cửa hàng KFC.
Năm 2012, tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản về một số đảo nhỏ không người ở trên biển Hoa Đông cũng khiến nhiều người Trung Quốc phản đối, bắt đầu bằng việc kêu gọi tẩy chay ô tô Nhật Bản trên mạng và ăn cắp phim từ các trang web khiêu dâm nước bạn. Nhiều người sau đó còn đổ ra đường, đập phá xe hơi Nhật, tấn công các nhà hàng Nhật và cửa hàng tiện dụng 7-Eleven, thương hiệu do công ty Nhật sở hữu.
Nhiều người vẫn bàng quan
Bên cạnh làn sóng "tẩy chay" hãng Mỹ, có nhiều người tỏ ra khá thờ ơ, khó có thể thuyết phục họ từ bỏ những thói quen đã hình thành bấy lâu nay. Những thương hiệu Mỹ đã trở nên quá phổ biến ở các đường phố và các trung tâm mua sắm của Trung Quốc.
"Tôi cũng nhận được những thông điệp này, tôi chỉ cần xóa chúng đi là xong", Wang Zhiyi, một người khách trong quán ăn nhanh McDonald chia sẻ, trước mặt anh là một chiếc bánh kẹp phô mai, một phần khoai tây chiên và một cốc Cocacola.
Anh nói thêm: "Những người này (chỉ những người đã chia sẻ những thông điệp tẩy chay hàng Mỹ) chỉ muốn làm rùm beng lên".
Phỏng vấn một nữ nhân viên công sở khác ở một quán cà phê Starbucks ở trung tâm Bắc Kinh, cô cho rằng việc tẩy chay hàng Mỹ không hề liên quan gì đến tình yêu nước.
Một cửa hàng KFC tại Trung Quốc.
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang được đẩy lên cao trào sau khi Tổng thống D.Trump cuối tuần trước đe dọa sẽ đánh thêm 100 tỷ USD thuế vào hàng hóa Trung Quốc.
Động thái này của ông Trump được đưa ra sau khi Trung Quốc tuyên bố sẽ áp thuế đối với 106 sản phẩm của Mỹ để trả đũa việc Washington đề xuất đánh thuế 50 tỷ USD vào hàng trăm mặt hàng nhập khẩu của Bắc Kinh.
Và lần này, Chính phủ Trung Quốc tiếp tục tuyên bố họ sẽ "chiến đấu bằng bất cứ giá nào". Đại diện Bộ Thương mại Trung Quốc nói với các phóng viên rằng: "Trung Quốc đã có các biện pháp đối phó rất chi tiết".
Bên cạnh những rủi ro từ các biện pháp trả đũa thương mại, các doanh nghiệp này còn đang phải đối mặt với một mối lo khác đó chính là sự tẩy chay của người tiêu dùng Trung Quốc.
Dù doanh thu thực tế của các doanh nghiệp Mỹ vẫn chưa thực sự bị ảnh hưởng bởi các lời kêu gọi tẩy chay nhưng những tác động tiềm tàng là điều đáng để cân nhắc.
Trong khi các tranh chấp thương mại có thể được dàn xếp trên bàn đàm phán, những lời kêu gọi tẩy chay lại khó kiểm soát và gây ra hậu quả lâu dài hơn. Một sản phẩm thậm chí vẫn sẽ bị tẩy chay, ngay cả khi tranh chấp đã kết thúc.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.