Nhiều địa phương liên tục kêu cứu, luật pháp ‘bất lực’ với Địa ốc Alibaba ?

Nguyễn Tường - 08/11/2018 11:13 (GMT+7)

(VNF) - Có đến 18 dự án “ảo” do Địa ốc Alibaba lập nên tại huyện Long Thành (Đồng Nai), theo báo cáo của chính quyền. Dù không được phê duyệt chủ trương và chưa được cấp phép, Alibaba vẫn công bố dự án để huy động vốn ồ ạt. Chiêu thức này được Alibaba áp dụng tại rất nhiều địa phương, thậm chí chính quyền đã chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra nhưng Alibaba vẫn không hề bị xử lý.

VNF
Luật pháp ‘bất lực’ với Địa ốc Alibaba ?

Dự án “ảo”, huy động tiền thật

Gần đây nhất, chính quyền huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai yêu cầu công an vào cuộc liên quan đến các dự án của Địa ốc Alibaba. Điển hình như tại dự án Alibaba Central Park ở xã Phước Bình được Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba quảng cáo có quy mô 20 ha, dự kiến trên 1.259 lô và chuẩn bị triển khai giai đoạn 1 với quy mô 5,4 ha. Khu đất này đứng tên bà Trần Thị Phương Trang, ông Phan Văn Hết và bà Nguyễn Thị Chiêu.

Nhưng theo quy hoạch, khu đất 5,4 ha này thuộc quy hoạch đất ở, một phần thuộc quy hoạch đất cụm công nghiệp Phước Bình, một phần quy hoạch đất ở nông thôn. Cũng như dự án nói trên, đất này do cá nhân đứng tên quyền sử dụng đất, hiện tại chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án và chưa được cấp phép thành lập khu dân cư. Tuy nhiên, đến nay khu đất đã được san ủi làm 3 con đường dọc ngang khu đất…

Tại Phước Bình, Alibaba tự vẽ bản đồ phân lô, làm đường kết nối giao thông và rao bán dưới tên gọi dự án Alibaba Central Park II, với quy mô 5,5 ha, dự kiến 344 lô. Công ty này quảng cáo, rao bán đất nền thực hiện phân phối đất nền theo hợp đồng hợp tác với Công ty Cổ phần Địa ốc Tia Chớp (địa chỉ số 52, QL51, ấp Tập Phước, xã Long Phước, huyện Long Thành do bà Trương Thị Hồng Ngọc làm giám đốc).

Tuy nhiên, khu đất này do bà Trương Thị Hồng Ngọc ở tỉnh Bình Dương đứng tên trên sổ đỏ, được quy hoạch một phần là đất giao thông, đất ở nông thôn kết hợp trồng cây lâu năm. Hiện tại khu đất chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án và chưa được cấp phép thành lập khu dân cư.

Ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND huyện Long Thành, cho biết cho đến hiện tại ở Long Thành chưa có dự án nào của Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba được cấp phép. Vì vậy, những người dân đã và đang giao dịch mua bán đất với công ty này cần cân nhắc cẩn trọng.

“Hiện nay đang cho cưỡng chế, tháo dỡ một số dự án Alibaba ở xã Long Phước. Đồng thời cho kiểm tra, rà soát các dự án cái nào đấu nối với nhau thì cho rào chắn lại không cho lưu thông. UBND huyện Long Thành cũng ra văn bản tạm thời không giải quyết các thủ tục về đất đai liên quan đến thửa đất này do có dấu hiệu phân lô bán nền trái pháp luật”, ông Đức nói.

Theo UBND huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai), đến nay Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba và chi nhánh của Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba tổ chức quảng cáo, mua bán đất trên địa bàn huyện Long Thành ở 18 vị trí nằm tại các xã Long Phước, Phước Bình, Phước Thái, An Phước.

Các dự án Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba rao bán đều là đất do nhiều cá nhân đứng tên trên sổ đỏ, chưa được cơ quan có thẩm quyền nào chấp thuận chủ trương đầu tư dự án và chưa được cấp phép thành lập khu dân cư. Có một số vị trí Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba tự ý vẽ bản đồ vị trí phân lô chồng lên các thửa đất của hộ dân kế cận với quy mô diện tích lớn và rao bán.

Lực lượng Sale hùng hậu của Địa ốc Alibaba bán dự án ảo rầm rộ

Nhiều địa phương “bất lực” trước Alibaba

Trước khi Đồng Nai phản ánh, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã có công văn gửi các sở, ban ngành về việc một số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có dấu hiệu huy động vốn trái phép, quảng cáo, giới thiệu các dự án trái với quy định của pháp luật nhằm lừa đảo khách hàng, nhà đầu tư.

Trong đó, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ đích danh Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, kinh doanh bất động sản, tổ chức huy động vốn, mua bán nhà ở hình thành trong tương lai khi chưa đủ điều kiện theo quy định. Điều này gây khó khăn trong công tác quản lý, tiềm ẩn những nguy cơ, rủi ro ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Tại TP.HCM, Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba đã tự ý huy động vốn của khách hàng tại dự án khu đô thị tây bắc Củ Chi khu vực VIII - 3. Việc này nhanh chóng bị các cơ quan chức năng của TP. HCM vào cuộc và khẳng định công ty này đã huy động vốn của khách hàng không đúng quy định của pháp luật, có dấu hiệu vi phạm hình sự.

Đích thân Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cũng đã có công văn gửi các sở, ngành yêu cầu đề xuất biện pháp không cho Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba tham gia các dự án tại TP. HCM do thái độ không hợp tác với cơ quan chức năng.

Tháng 11/2017, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (Bộ Công an) và Phòng Cảnh sát điều tra về kinh tế và tham nhũng (Công an TP. HCM) đã vào cuộc điều tra những sai phạm của công ty này. Tuy nhiên đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng. Trong lúc đó, Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba vẫn tiếp tục đi phân lô bán nền, huy động vốn khắp nơi từ Đồng Nai, đến Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước...

Cùng chuyên mục
Tin khác