Nhìn lại những sự kiện nổi bật làm Hà Tĩnh đổi thay sau 10 năm

Nguyễn Phượng - 30/01/2020 10:54 (GMT+7)

(VNF) - Xuất phát điểm là một tỉnh thuần nông 10 năm trước, Hà Tĩnh đã có những bước “chuyển mình” sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, điều đó giúp nền kinh tế của Hà Tĩnh ngày càng khởi sắc. Cùng VietnamFinance nhìn lại những sự kiện nổi bật của địa phương này sau 1 thập kỷ xây dựng và phát triển.

Năm 2009, Hà Tĩnh đang là một trong những địa phương trên cả nước có xuất phát điểm thấp khi GRDP bình quân chỉ đạt 10 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách trên địa bàn mới đạt 1.100 tỷ đồng.

Đến nay, sau 10 năm nhìn lại, Hà Tĩnh hiện đang là tỉnh thuộc top có nguồn thu ngân sách lớn trên cả nước. Năm 2019, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 13.250 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 62,1 triệu đồng/người/năm (tăng gấp 6 lần so với năm 2009). Hà Tĩnh hiện cũng là địa phương thu hút nhiều dự án tầm cỡ đầu tư vào địa bàn. Cùng VietnamFinance điểm lại những sự kiện nổi bật giúp Hà Tĩnh”thay da đổi thịt” trong thập kỷ qua:

Dự án FDI lớn nhất cả nước cập bến khu kinh tế Vũng Áng

Năm 2008, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp (FHS) thuộc Tập đoàn Formosa của Đài Loan (Trung Quốc) được cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh với tổng số vốn đăng ký đầu tư giai đoạn 1 sau điều chỉnh của dự án là 12,787 tỷ USD tại Khu kinh tế Vũng Áng.

Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh tại Khu kinh tế Vũng Áng

Năm 2012, FHS chính thức động thổ xây dựng dự án gồm Nhà máy liên hợp gang thép công suất 7,5 triệu tấn/năm, Cụm cảng Sơn Dương với 11 bến tàu ở giai đoạn 1 trong tổng số 32 bến tàu; Tổ hợp Nhà máy Nhiệt điện Formosa với tổng công suất 650MW, bao gồm 5 tổ máy phát điện. Đây là dự án ngành thép quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Năm 2015, FHS đi vào hoạt động nhập khẩu phôi thép để sản xuất cán thép nóng. Sau khi tập trung khắc phục sự cố môi trường năm 2016, FHS đã đưa 2 lò cao số đi vào vận hành đã nâng cao năng lực sản xuất. Năm 2018, sản lượng thép của nhà máy đạt hơn 5 triệu tấn, doanh thu đạt 2,6 tỷ USD, nộp ngân sách nhà nước 7.388 tỷ đồng. Năm 2019, sản lượng thép của FHS tiêu thụ được 5,8 triệu tấn, doanh thu 3,05 tỷ USD, nộp ngân sách nhà nước 7.830 tỷ đồng.

Từ khi chính thức đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh đến nay, FHS đã đóng góp trên 21.400 tỷ đồng cho ngân sách tỉnh Hà Tĩnh. Dự án này đang tạo làm việc cho 14.200 lao động, trong đó lao động nước ngoài là 1.819 người và lao động người Việt Nam là 12.400 người.

Hiện FHS là dự án "đầu kéo" quan trọng thu hút các doanh nghiệp ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ, du lịch triển khai tại KKT Vũng Áng.

Thành lập Thị xã Kỳ Anh

Giai đoạn 2010- 22015, huyện Kỳ Anh là địa phương có dân số lớn nhất (trên 206.000 nhân khẩu) và nhiều đơn vị hành chính nhất (33 đơn vị hành chính cấp xã) của tỉnh Hà Tĩnh. Ngoài ra địa phương này đạt tốc độ phát triển kinh tế nhanh rất nhanh nên cần phải tách ra để bảo đảm công tác quản lý nhà nước hiệu quả.

Theo đó, trong giai đoạn 2012 - 2014, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện Kỳ Anh đạt 23,3%, năm 2014 đạt 26,5%; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ, du lịch chiếm trên 87%; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 33 triệu đồng/năm; thu ngân sách trên địa bàn đạt 1.349 tỷ đồng, chi ngân sách 566 tỷ đồng.

Ngày 16/5/2015, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội trao Nghị quyết 903 về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Kỳ Anh thành lập thị xã Kỳ Anh và 6 phường trực thuộc.

Theo đó, thị xã Kỳ Anh được thành lập có tổng diện tích 28.025,03 ha, 85.508 nhân khẩu gồm thị trấn Kỳ Anh và 11 xã: Kỳ Hà, Kỳ Hoa, Kỳ Hưng, Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Lợi, Kỳ Nam, Kỳ Ninh, Kỳ Phương, Kỳ Thịnh và Kỳ Trinh.

Theo lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, Khu kinh tế Vũng Áng (nằm trên địa bàn thị xã Kỳ Anh) đã thu hút vốn đấu tư từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ, bình quân có khoảng 5.000-7.000 người nước ngoài và gần 40.000 công nhân trong cả nước làm việc, vì thế cần phải thành lập thêm đơn vị hành chính mới để quản lý.

Khu vực thành lập thị xã Kỳ Anh có Khu kinh tế Vũng Áng (là một  trong 5 khu kinh tế trọng điểm ven biển của cả nước), là khu kinh tế động lực với các ngành công nghiệp nặng lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á như luyện cán thép, nhiệt điện, lọc hóa dầu…, có cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương, giữ vai trò quan trọng về an ninh - quốc phòng và giao thông hàng hải của khu vực và quốc tế.

Tính đến nay Hà Tĩnh có 13 đơn vị hành chính cấp huyện và tương đương gồm 1 thành phố  là TP. Hà Tĩnh; 2 thị xã  gồm Thị xã Hồng Lĩnh, Thị xã Kỳ Anh; 10 huyện gồm Hương Sơn, Đức Thọ, Nghi Xuân, Can Lộc, Hương Khê, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Vũ Quang, Lộc Hà.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng xây tòa nhà cao nhất Hà Tĩnh

Tháng 8/2015, tập đoàn Vingroup khởi công Dự án khu phức hợp Vincom Hà Tĩnh bao gồm khu khách sạn cao cấp, trung tâm mua sắm thương mại, khu biệt thự sang trọng, khu nhà ở liền kề, nhà phố tọa lạc tại vị trí đắc địa trên 2 cung đường trọng điểm là Hàm Nghi và Hà Huy Tập, TP. Hà Tĩnh.

 Dự án khu phức hợp Vincom Hà Tĩnh

Tháng 12/ 2017, dự án chính thức đi vào hoạt động, là một tổ hợp bao gồm trung tâm thương mại và khách sạn 5 sao được bố trí tại tòa tháp 36 tầng mang thương hiệu Vincom Hà Tĩnh, cùng khu nhà biệt thự, liền kề. Dự án đã  góp phần quan trọng thay đổi diện mạo của thành phố và trở thành khu mua sắm, giải trí, sinh hoạt cộng đồng sầm uất. Công trình tòa nhà cao nhất khu vực Bắc Trung Bộ này của tỷ phú Phạm Nhật Vượng – một người con quê hương Hà Tĩnh đã tạo dấu ấn mới trong sự phát triển và phồn thịnh của địa phương và khu vực Bắc Trung Bộ.

Ngoài dự án này, Vingroup đang góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị của Hà Tĩnh khi đưa vào hoạt động Dự án Vinpearl Hà Tĩnh Ocean Villas tiêu chuẩn 5 sao có quy mô 16ha, tổng mức đầu tư hơn 300 tỷ đồng, gồm khu biệt thự nghỉ dưỡng, khu clubhouse… sang trọng, tọa lạc bên bờ biển Xuân Hải – huyện Lộc Hà; Dự án bất động sản Vinhomes New Center Hà Tĩnh với hai tòa căn hộ C1 và C2 có chiều cao 25 tầng đang chuẩn bị đưa vào sử dụng.

TP. Hà Tĩnh đạt đô thị loại II

Năm 2006, TP. Hà Tĩnh được công nhận là đô thị loại III và ngày 28/5/2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 89 thành lập TP. Hà Tĩnh trực thuộc tỉnh Hà Tĩnh, với diện tích gần 56km2, có 16 đơn vị hành chính, hơn 11 vạn dân.

Đến nay, sau 12 năm thành lập, thành phố đã có nhiều đổi thay, mang dáng dấp của một đô thị văn minh, hiện đại. Riêng về lĩnh vực kinh tế thành phố tiếp tục phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng kinh tế đô thị, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Tốc độ tăng trưởng năm 2018 đạt 12,16%, tổng thu ngân sách năm 2018 đạt 1.259 tỷ đồng.

Giai đoạn 2016-2018, TP. Hà Tĩnh đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đạt 7.066,524 tỷ đồng (tăng 176% so với giai đoạn năm 2014 - 2015), trong đó nguồn lực xã hội hóa chiếm 88,56%; Huy động nguồn vốn từ các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn đạt 2.826,052 tỷ đồng.

Đến nay, TP. Hà Tĩnh đã có hơn 30 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó nhiều dự án đã góp phần thay đổi bộ mặt cơ sở hạ tầng của thành phố như: Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở Vincom, Vincom Plaza, Vinpearl Hotel, dự án Khu đô thị Hàm Nghi - Vincity Hà Tĩnh, Khu nhà ở xã hội, dự án căn hộ khởi nghiệp Winhouse, dự án Bệnh viện đa khoa quốc tế Hà Tĩnh của Công ty cổ phần Thái Thượng Hoàng Hà Tĩnh...

Với những kết quả nỗ lực của tỉnh Hà Tĩnh và lãnh đạo thành phố, ngày 13/2/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định số 175/QĐ-TTg công nhận TP. Hà Tĩnh là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Hà Tĩnh.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.