Ông Tề Trí Dũng và bộ sậu IPC đã ‘đốt tiền’ doanh nghiệp như thế nào?
Nguyễn Tường -
15/05/2019 16:49 (GMT+7)
(VNF) - Đầu tư thua lỗ, vay tiền ngân hàng để nộp lợi nhuận vào ngân sách báo lời, quản lý lỏng lẻo quỹ đất và vốn nhà nước để xảy ra thất thoát hàng trăm tỷ đồng trong khi lãnh đạo doanh nghiệp đi nước ngoài như "đi chợ". Đó là kết luận thanh tra toàn diện tại Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) trước khi chuyển sang cơ quan điều tra.
Bán đất, chuyển vốn
Ngoài thương vụ chuyển nhượng quỹ đất dự án Phước Kiển cho Quốc Cường Gia Lai đã bị thu hồi trước đây, theo kết luận thanh tra, Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận(IPC) còn để xảy ra hàng loạt sai phạm khác liên quan đến quản lý quỹ đất và các dự án.
IPC được giao khu đất tại Khu A Phú Mỹ Hưng để đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của công ty và các đơn vị thành viên. Thế nhưng, ngoài việc sử dụng làm văn phòng của công ty và đơn vị thành viên, IPC còn cho 81 đơn vị khác thuê làm văn phòng và thu về số tiền hơn 295 tỷ đồng, trái với chỉ đạo của cơ quan chủ quản là UBND TP. HCM.
Dự án khu dân cư Hiệp Phước được duyệt với mục tiêu xây nhà ở phục vụ chương trình tái định cư nhưng IPC lại đem đi bán đất nền thương mại.
Tương tự, tại dự án khu dân cư Long Hậu, IPC hợp tác đầu tư với công ty Hồng Lĩnh thực hiện dự án nhưng bản chất là chuyển nhượng dự án trái phép. Điều tréo ngoe khi IPC là chủ đầu tư nhưng lại phải đi mua nền từ công ty Hồng Lĩnh để thực hiện tái định cư. Đơn giá bán suất tái định cư lại thấp hơn giá mua từ Hồng Lĩnh...
Trong thực hiện dự án đầu tư, IPC đã "dính chàm" tại hàng loạt dự án như: Nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, dự án khu dân cư Hiệp Phước, dự án khu dân cư Long Hậu - Long An...
IPC chưa từng thực hiện dự án nào có yêu cầy kỹ thuật và quy mô vốn đầu tư lớn như tại dự án nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ thế nhưng vẫn tham gia làm chủ đầu tư. Hậu quả của việc làm "quá sức" này là đến nay dự án vẫn chưa xử lý được công trình ngầm, chưa chọn được nhà thầu thi công và dẫn đến chậm tiến độ.
Dù đã xây dựng quy chế quản lý các khoản nợ phải thu, phải trả nhưng IPC lơ là, không chặt chẽ nên để đối tác chiếm dụng vốn mà không thực hiện hợp đồng. Điển hình là trong các thương vụ làm ăn với Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng số 8, Công ty TNHH tư vấn xây dựng Sino Pacific... Ngoài ra, IPC còn có 49 khoản nợ phải thu với tổng số tiền gần 90 tỷ đồng nhưng trong thời gian dài vẫn không tích cực thực hiện thu hồi.
Ngoài ra, IPC còn dính đến các sai phạm trong việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược tại Công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco); sai phạm trong việc chấp hành quy định của Đảng, Nhà nước về đi nước ngoài (đi công tác, đi việc riêng) của người lao động theo phạm vi quản lý của công ty.
Quỹ đất IPC bán cho Quốc Cường Gia Lai tại dự án Phước Kiển bị TP. HCM ra quyết định thu hồi
Vay tiền để... nộp ngân sách
Kết luận của Thanh tra TP. HCM cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh của IPC có chiều hướng đi xuống thể hiện ở việc doanh thu - lợi nhuận, kế hoạch năm sau lại thấp hơn năm trước và không đạt so với kế hoạch.
Doanh thu năm 2016 của IPC chỉ hơn 952 tỷ đồng, chỉ đạt hơn 80% kế hoạch đề ra. Năm 2017 tệ hơn, chỉ đạt hơn 876 tỷ đồng, chỉ bằng trên 74% so với kế hoạch. Thế nhưng, lợi nhuận năm 2017 của IPC lại vượt kế hoạch là vì công ty này "chơi chiêu" khi đề ra kế hoạch quá thấp, chỉ có 52,84% so với kế hoạch năm 2016.
Nguồn thu của IPC chủ yếu từ lợi tức tại các công ty con, công ty liên kết chiếm tỷ trọng lớn (năm 2016 chiếm 79,95% và năm 2017 chiếm 72,1%), nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh trực tiếp tại công ty (cho thuê văn phòng và kinh doanh bất động sản) chiếm tỷ trọng thấp trong tổng nguồn thu (năm 2016 là 11,24%, năm 2017 là 7,43%).
Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trực tiếp tại IPC chưa hiệu quả, công tác quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh, quản lý vốn, tài sản không hiệu quả, không tương xứng với bộ máy nhân sự mà công ty hiện có. Hoạt động kinh doanh tăng trưởng... thụt lùi nhưng IPC tiếp tục “chơi chiêu” khi đi vay ngân hàng để nộp lợi nhuận vào ngân sách.
Ngoài ra, IPC còn dính đến các sai phạm trong việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược tại công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco); sai phạm trong việc chấp hành quy định của Đảng, Nhà nước về đi nước ngoài (đi công tác, đi việc riêng) của người lao động theo phạm vi quản lý của công ty. Cá nhân ông Tề Trí Dũng đã đi nước ngoài đến 162 ngày chỉ trong vòng 2 năm.
Trước khi ông Tề Trí Dũng, nguyên Tổng Giám đốc IPC bị bắt, Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong đã giao Chánh Thanh tra TP chuyển hồ sơ, tài liệu sang Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với một số vụ việc tại công ty này.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone